Nhà báo Phan Quang là một tên tuổi lớn của làng báo chí cách mạng Việt Nam, tên thật là Phan Quang Diêu, nguyên quán xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ông sinh năm Mậu Thìn (1928), viết báo từ năm 20 tuổi, kinh qua các Báo Cứu Quốc Liên khu IV, Báo Nhân Dân, Tạp chí Người làm báo, Ban Tuyên huấn Trung ương, Bộ Thông tin, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà báo, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội… Sau Đại hội Đảng VI, ông được cử làm Thứ trưởng Bộ Thông tin trong khi vẫn đảm trách cương vị Phó Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhà báo Phan Quang là đại biểu Quốc hội - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội ba khóa; làm Phó Tổng Thư ký rồi Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam hai nhiệm kỳ. Ông cũng từng đảm trách cương vị Phó Chủ tịch Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương; thành viên Ban lãnh đạo Liên đoàn báo chí ASEAN; nhiều năm làm Chủ tịch nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam - Pháp. |
Vào đúng dịp kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (7-9-1945 - 7-9-2018), tuyển tập “Phan Quang - 90 năm tuổi đời, 70 năm tuổi nghề” do PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang tuyển chọn từ những bài báo của nhà báo Phan Quang cũng như những bài báo viết về ông sẽ chính thức ra mắt bạn đọc. Đây như một món quà chúc mừng nhà báo lão thành Phan Quang - nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam tròn 90 tuổi.
90 năm tuổi đời, Phan Quang đã có 70 năm cống hiến cho sự nghiệp báo chí cách mạng. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn không ngừng nghiên cứu, ghi chép, sáng tác. Các thế hệ làm báo nể trọng Phan Quang ở lòng yêu nghề, năng lực nổi trội, bản lĩnh vững vàng, dường như chưa lúc nào ông ngơi nghỉ việc đi, đọc, viết. Viết báo từ năm 20 tuổi, đến nay ở độ tuổi 90, ngòi bút của ông vẫn còn sung sức.
Chia sẻ về cái duyên đến với nghề báo, nhà báo Phan Quang nhắc đến câu phương ngôn quen thuộc trong dân gian ta xưa mỗi lần nói chuyện hôn nhân đối với một người con gái, đó là “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”.
Cách đây hơn 70 năm, khi đang công tác tại chiến trường 3 tỉnh Bình - Trị - Thiên tạm thời bị quân Pháp chiếm, ông được cấp trên cho ra vùng tự do học tiếp, chuẩn bị ra nước ngoài học đại học và sau đại học, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước ta hồi đó là đào tạo cán bộ lâu dài. Tuy nhiên lúc ấy do báo Cứu quốc xuất bản hằng ngày tại Liên khu 4 đang thiếu người làm, tổ chức quyết định cử Phan Quang đi làm báo. Phan Quang khi đã chấp hành sự phân công của tổ chức và làm báo từ đó cho đến khi nghỉ hưu.
Phan Quang có một khối lượng sách báo, văn chương… khổng lồ, ít ai sánh được. Ông thử sức qua mọi loại bài vở của các thể tài, thể loại báo chí, văn học lớn nhỏ, từ xã luận, chuyên luận, tiểu luận, bình luận, phóng sự, điều tra, tuỳ bút, bút ký, hồi ký, chân dung, khảo luận… đến dịch thuật. Tác phẩm của ông là kết tinh của một quá trình tích lũy vốn sống sâu dày, từ thời ông làm các báo: Cứu Quốc, Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam đến khi ông đảm đương công việc Thứ trưởng Bộ Thông tin, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đại biểu Quốc hội… Mỗi người có quan niệm của mình về câu chuyện thế nào là một tác phẩm báo chí hay và làm thế nào để có tác phẩm báo chí hay. Với nhà báo Phan Quang, một tác phẩm báo chí hay phải “đúng, trúng, nhanh, hay”.
Là một nhà báo xuất sắc qua hai thế kỷ phụng sự Tổ quốc, điều tâm huyết nhất trong sự nghiệp làm báo mà Phan Quang muốn nhắn nhủ đến thế hệ sau, đó là, đối với một cán bộ, đặc biệt đối với người say mê nghề viết, hãy cố gắng làm hết mình công việc cơ quan, tổ chức đang cần mình làm, chớ đặt ham muốn cá nhân lên trên những cái đó. “Một khi ta đã có tấm lòng đối với nhân dân, có quyết tâm vượt khó, cố gắng học tập không ngừng, ta sẽ góp phần dù nhỏ bé vào sự nghiệp của dân tộc, tôi nghĩ thế là tạm đủ cho một đời người”, nhà báo Phan Quang chia sẻ.
90 tuổi đời, 70 tuổi nghề, nhưng nhà báo Phan Quang cho biết, ông chưa hề tiếc nuối bất cứ điều gì trong cuộc đời mình. Lẽ đương nhiên đời của bất kỳ ai cũng có trăn trở. Đối với nhà báo Phan Quang, nỗi băn khoăn thường trực là hầu như lúc nào mình cũng thiếu thời gian. Ông tâm sự: “Công việc thì nặng và nhiều, có nhiều khi trong cùng một lúc phải gánh vác nhiều trách nhiệm, do đó không thể làm được tốt như mình hằng mong muốn. Chẳng hạn, tôi muốn được đi nhiều hơn để có thêm trải nghiệm, được học tập nhiều hơn để nâng cao hiểu biết, có nhiều thời gian hơn nữa để có thể thoải mái làm thêm những việc khác mà mình yêu thích không kém nghề báo. Tuy nhiên, đời người có hạn, thời gian bao giờ cũng không đủ, hay nói như một người bạn là nhà thơ từng chia sẻ tâm sự với tôi: Khi ta biết mình không còn trẻ thì ta đã già rồi! Cái chân lý rẻ tiền ấy mà lại là chân lý!”.
Tuyển tập mà PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang lựa chọn, biên soạn gồm 99 bài báo của nhiều tác giả viết về Phan Quang. Chị cho biết, đây chỉ là một phần trong số rất nhiều bài viết của các tác giả viết về ông và sách của ông. Có những tác giả viết nhiều, viết hay, liên tục như nhà văn Ngô Thảo, Giáo sư, Viện sĩ Hoàng Trinh, nhà báo Phạm Quốc Toàn, nhà báo Y Trang, nhà văn Đoàn Minh Tuấn, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng… nhưng chỉ có thể chọn lọc trong số đó.
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang chia sẻ: “Nhiều thứ có thể cân - đo -đong - đếm, nhưng những gì ông mang đến cho đời, cho sự nghiệp báo chí và văn học cách mạng thì không thể làm con tính. Ông vừa là người bạn lớn tuổi, vừa là người cha, người ông luôn hướng về lớp trẻ chúng tôi cái nhìn ấm áp, trìu mến, yêu thương. Từ trong sâu thẳm tình người, tôi cảm nhận được sự độ lượng, vị tha, bao dung của ông. Những bài báo, bài văn, tác phẩm dịch thuật của ông đã được chưng cất từ lòng yêu nghề cháy bỏng, sự khát khao cống hiến, ý thức trách nhiệm sâu sắc của trái tim luôn bồi hồi nhịp đập trước cuộc đời, trước đất nước, trước nhân dân”./.
Theo VOV