Vũ Khiêu
Quan hệ giữa chính trị và văn hóa
Tôi trình bày về đồng chí Trường Chinh chỉ trong phạm vi đồng chí là một nhà văn hóa lớn. Thực ra rất khó phân biệt ở đồng chí đâu là nhà chính trị lớn, đâu là nhà văn hóa lớn.
Là nhà chính trị lớn, đồng chí đã luôn luôn đứng ở tầm cao của văn hóa dân tộc và nhân loại để suy nghĩ và sáng tạo.
Là nhà văn hóa lớn, đồng chí đã hiến dâng toàn bộ trí tuệ và tài năng cho mục tiêu chính trị cao cả nhất, đó là độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội.
Có thể nói ở đồng chí Trường Chinh, văn hóa đã làm phong phú thêm chính trị và chính trị đã soi đường cho văn hóa.
Trong lịch sử Việt Nam, sự thống nhất giữa chính trị và văn hóa là một truyền thống lâu đời.
Nhà nước độc lập của Việt Nam từ xưa đến nay đã thấy rõ sức mạnh vô tận của sự kết hợp chính trị và văn hóa, trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ một nghìn năm trước, những khoa thi được thường xuyên mở ra, bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương bao gồm toàn trí thức: Tất cả những điều đó nói lên rằng văn hóa giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống của dân tộc ta. Chính vì thế mà Nguyễn Trãi đã khẳng định rằng đất nước ta có nền văn hiến từ lâu và hào kiệt không bao giờ thiếu.
Những hào kiệt không bao giờ thiếu ấy đã nối tiếp nhau trong chiều dài của lịch sử, vừa là nhà chính trị lớn, vừa là nhà văn hóa lớn.
Nổi bật lên ở thời đại chúng ta là Hồ Chí Minh, vị anh hùng lỗi lạc của dân tộc và danh nhân văn hóa lớn của nhân loại. Đó là người cùng với Trường Chinh và những học trò xuất sắc của mình, đã phát huy sức mạnh của cả chính trị và văn hóa, đạt được những thắng lợi rực rỡ, tạo ra bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.
Sống gần gũi Chủ tịch Hồ Chí Minh và luôn luôn học tập Người, đồng chí Trường Chinh đã trở thành một lãnh tụ rất sắc sảo về chính trị và rất uyên thâm về văn hóa.
Lịch sử tạo ra con người, nhưng con người cũng tạo ra lịch sử và thông qua đó tạo chính bản thân mình. Tìm hiểu và đánh giá về một con người, phương pháp khoa học đòi hỏi trước hết phải xem xét mối quan hệ giữa con người ấy với hoàn cảnh lịch sử, nghĩa là với truyền thống của gia đình, với những diễn biến phức tạp của xã hội, với tác động của những nhân tố mới mà nhân loại đã đạt được.
Quê hương và gia đình
Quê hương Trường Chinh là một vùng văn hóa nổi tiếng nhất nằm trong một vùng văn hóa lâu đời. Đó là làng Hành Thiện thuộc Sơn Nam hạ trấn.
Trường Chinh ra đời trong không khí hiếu học, thanh bần và lễ nghĩa. Buổi sáng sớm trong vùng ấy đã vang lên tiếng đọc sách của con trai, tiếng đập vải của con gái xen lẫn tiếng sáo diều réo rắt suốt ngày đêm. Con trai cố học giỏi thi đỗ, con gái giữ gìn nết na để phụng dưỡng cha mẹ, để giúp chồng ăn học, để dạy con cái nên người:
Sáng trăng, trải chiếu hai hàng,
Cho anh đọc sách cho nàng quay tơ.
Đó chính là hình ảnh thanh bình của một nếp sống thi thư. Đó cũng là cảnh chính Trường Chinh đã ghi lại qua những câu thơ rất trữ tình của mình:
Trăng xuống làm gương em chải tóc,
Làm đèn anh học suốt canh dài.
Trường Chinh lớn lên, trong lúc những thế hệ cha anh trong làng, trong họ đã kế tiếp nhau đứng dậy cứu nước qua các phong trào Cần Vương, phong trào Đông Du và Đông Kinh Nghĩa Thục...
Bao người đã bị bắt bớ, giam cầm...
Bao người như Đặng Đoàn Bằng, Đặng Tử Mẫn... những cánh tay đắc lực của cụ Phan Bội Châu đã chiến đấu đến phút cuối cùng và bỏ mình nơi đất khách.
Bao ông cử, ông nghè đã không chịu làm quan với Pháp hoặc bỏ quan về làng dạy học.
Bao nhiêu người ở ngay trong gia đình Trường Chinh đã nêu tấm gương học giỏi và yêu nước, nếu không lên đường chiến đấu thì cũng ở nhà dạy học, làm thuốc và nhất là viết sách.
Trường Chinh, ngay từ tuổi ấu thơ đã sống trong không khí văn học của gia đình. Trường Chinh đã ít nhiều làm quen với Tứ thư, Ngũ kinh, thuộc những thơ Đường, thơ Tống và qua cha anh của mình tiếp xúc với văn học và sử học nước nhà. Tiếp thu truyền thống của quê hương và gia đình là tinh thần yêu nước, là cuộc sống trí tuệ và liêm khiết, Trường Chinh đã không dừng lại ở đó. Không lặp lại con đường thất bại của cha anh, ông đã quyết định đi theo một hướng khác.
Nho giáo vẫn là đạo lý, là nếp sống từ nhiều đời của gia đình, nhưng Trường Chinh đã nhìn rõ sự bất lực của Nho giáo và không thể chấp nhận hệ tư tưởng chính thống ấy của chế độ phong kiến mà ông thường xuyên phê phán và kiên quyết đánh đổ. Ông lên án nội dung cơ bản của Nho giáo nhưng ông không đổ chậu nước tắm và đổ luôn cả đứa trẻ con. Ông giữ lại những nhân tố hợp lý của Nho giáo như tinh thần hiếu học, như thái độ trọng nghĩa khinh tài, như cuộc sống thanh đạm và liêm khiết, coi đó là công cụ đã được Việt Nam hóa để chuyển tải và duy trì những truyền thống của chính bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Sau đây chúng ta sẽ hiểu thêm vì sao con người bài phong một cách triệt để ấy lại có một tác phong ung dung tự tại, như một nhà Nho, lại thận trọng trong lời nói, việc làm, trong mọi cử chỉ và trong mọi ứng xử hàng ngày.
(còn nữa)