Thép Mới
(tiếp theo)
Hôm đó là ngày 7-10-1947, bắt đầu cuộc tiến công Thu - Đông đầu tiên của giặc Pháp lên căn cứ địa thần thánh Việt Bắc.
Thấy động, anh Trường Chinh chạy ra rừng, cứ theo hướng tây mà chạy miết. Anh nấp vào một ngách hầm sâu cùng nhiều đồng bào và cán bộ, kêu gọi mọi người không ai náo động để địch khỏi lùng sục đến. Anh Trường Chinh nép mình suốt ngày trong đó và đợi tôi đến, nhờ đêm không trăng, anh lăn từ trên đồi xuống khe sâu, rồi bò lách qua rừng cây rậm rạp, thoát ra khỏi vòng vây của giặc, băng mình vào rừng, nhờ đó mà thoát hiểm.
Có lẽ chính lần đó, người lãnh đạo kháng chiến đã trải qua đầy đủ nhất thực tế chiến đấu của nhân dân. Anh nhập vào dòng đồng bào tản cư, sống với du kích thị xã với con mắt của nhà lãnh đạo, hỏi chuyện người dân và người chiến sĩ bình thường. Rồi anh tìm gặp thị đội, tỉnh đội, cấp uỷ xã, huyện. Tỉnh uỷ đón anh về, mời anh tham gia hội nghị tỉnh uỷ để anh cho thêm ý kiến về kế hoạch tiến hành chiến tranh nhân dân, chiến đấu trong lòng địch và phối hợp với các địa phương khác cản phá cuộc tiến công đại quy mô của giặc Pháp.
Tình hình ở căn cứ của Trung ương Đảng trong những ngày anh Trường Chinh đi vắng giữa lúc tình hình chuyển biến đột ngột, tuy có đề phòng và có nhiều biện pháp chuẩn bị từ trước, thiếu người chủ chốt sáng suốt và quyết đoán, không khỏi có nhiều lúng túng. Anh Lê Đức Thọ đi dự hội nghị Đảng bộ Liên khu I cũng không có mặt ở nhà, anh Hoàng Quốc Việt, với sự phụ giúp của anh Lê Văn Lương là phụ trách Văn phòng, đứng ra quán xuyến mọi công việc. Vì tăng cường sự bảo vệ cho Bác Hồ trong tình hình đột biến lúc đó, anh Hoàng Quốc Việt cử đồng chí bảo vệ thân cận của mình sang tham gia bảo vệ Bác và lấy tôi là một thanh niên khoẻ mạnh, vừa làm bảo vệ, vừa giúp việc cho anh.
Mấy hôm nay, tôi được nghe nói từ hôm anh Trường Chinh mất tích, anh Hoàng Quốc Việt ngày đêm khóc rưng rức. Tôi lại nhớ đến những ngày tháng mười này cách đây bốn mươi mốt năm về trước, cả cơ quan thấp thỏm bồn chồn, lo lắng vô cùng vì chưa có tin tức gì về anh Trường Chinh. Bác Hồ cũng cho người sang hỏi thăm tin tức luôn luôn. Tôi ở gần anh Hoàng Quốc Việt, thấy anh quả là không nén được lo lắng lẫn nhớ thương. Nhiều khi anh rơm rớm nước mắt, thờ thẫn bảo tôi: "Anh Nhân - lúc đó anh Trường Chinh lấy bí danh là Nhân - có mệnh hệ nào thì thật là tổn thất không gì bù đắp nổi cho kháng chiến, cho dân tộc". Nhiều đêm tôi thấy anh Việt nằm mơ, cứ gọi tên anh Trường Chinh bằng cái tên Nghiêm thời bí mật. Nhiều đêm anh bỗng nhiên thức dậy, thảng thốt hỏi tôi: "Anh Nhân đã về rồi đấy à".
Rồi một hôm từ bên Bộ Tổng tham mưu, anh Hoàng Văn Thái báo sang là bộ đội đã bắt liên lạc được với anh Trường Chinh ở quãng đường rừng dưới Chợ Đồn và trên Nghĩa Tá. Anh Hoàng Văn Thái tự mình cưỡi ngựa cùng một đơn vị nhỏ đêm ngày băng rừng đi tìm ngay.
Hai hôm sau, rừng còn chưa sáng, trời vẫn đặc sương, anh Hoàng Văn Thái đã đưa anh Trường Chinh về cơ quan Trung ương. Anh Hoàng Quốc Việt ôm chầm lấy anh, ứa nước mắt. Việc đầu tiên mà anh Trường Chinh bảo Văn phòng làm ngay là cử người thư ký đánh máy của anh là Hoàng Yên Bình quen chữ anh nhất, đánh máy ngay dự thảo chỉ thị nổi tiếng: Chúng ta hãy phá tan cuộc tấn công Thu - Đông của giặc Pháp, mà anh vừa đi đường, vừa dự thảo.
Vừa lúc đó có người của anh Nguyễn Khánh Toàn lên báo cáo là chiều hôm đó là lễ bế giảng lớp học của Trường ngoại ngữ.
Anh Trường Chinh xem lại bản đánh máy rồi lên ngựa sang chào Bác Hồ để Bác mừng và trình Bác xem trước bản dự thảo chỉ thị của anh. Rồi anh phóng ngựa xuống Trường ngoại ngữ để kịp dự lễ bế giảng trong niềm vui, tin yêu và trìu mến sâu xa của toàn thể anh em học viên.
Người cộng sản đã nói thế nào là làm như thế.
Gần đây, ta hay nói đến lời nói đi đôi với việc làm. Muốn thực hiện được điều đó, tôi nghĩ, phải có tư duy chiến lược, có cái nhìn xa nhất quán, có rất nhiều tình cảm của con người, yêu quý con người, và nhất là nghị lực phi thường rèn giũa đến độ hoá ra bình thường.
Một nét nổi bật của phong cách anh Trường Chinh phải chăng là thư thế?