Ngày 5 tháng 10 năm 1947 (kỳ 2)

06:08, 23/08/2018

Thép Mới

(tiếp theo)

    Khi máy bay đã bay đi thì nhà sàn cháy rụi. Trận bom ác liệt đầu tiên trong đời làm anh em sinh viên không khỏi hoang mang, dao động, phải nói là khiếp đảm nữa, giữa cảnh tàn phá ít ai trông thấy bao giờ. Các lán của sinh viên cũng đều bốc cháy, ba lô, quần áo, chăn màn mất hết. Chính giữa lúc đó, anh Trường Chinh bình tĩnh nhất, tự anh đứng ra tổ chức mọi người giải quyết hậu quả trận bom. Chính anh cũng đi khiêng xác của những anh em bị tàn sát và cáng những anh em bị thương, với kinh nghiệm dày dạn của người hoạt động cách mạng quen với gian nguy, chỉ ra cho anh em những việc cần làm để cấp cứu lấy người trước hết.

    Các đơn vị bộ đội đóng ở chung quanh thuộc Trung đoàn Thủ đô và cả trại hàng binh Âu - Phi đóng ở gần đó cũng băng rừng đến cứu, nhờ đó mà giải quyết hậu quả rất nhanh. Anh Trường Chinh nhờ anh em bộ đội khiêng gấp anh em bị thương đến quân y viện và có anh em hàng binh cũng xung phong làm việc đó. Hưởng ứng lời kêu gọi của anh Trường Chinh, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô chạy về đơn vị mang chăn màn quần áo đến ủng hộ các bạn sinh viên bị nạn. Đồng chí Tổng Bí thư của Đảng, như một người anh lớn, thăm hỏi, động viên từng anh em, nhờ anh em bộ đội giúp nhà trường chôn cất chu đáo anh em tử nạn, giải quyết cho anh em học viên bữa ăn tối, rồi mới về khu nhà của ban giám hiệu bàn công việc.

    Sáng sớm hôm sau, anh Trường Chinh cùng ban giám hiệu ra họp mặt với toàn thể anh em sinh viên còn lại tập hợp ở bìa rừng, động viên anh em nêu quyết tâm hoàn thành khoá học, không vì một lần thử thách mà nản chí, ngã lòng, tỏ rõ khí phách của người trí thức nhân dân. Đồng chí Tổng Bí thư của Đảng hứa sẽ quan tâm theo dõi, tạo mọi điều kiện cho lớp học vượt lên trên mọi khó khăn, trở ngại, biến căm thù thành nghị lực, đạt tới kết quả mỹ mãn nhất. Anh hứa với nhà trường và toàn thể học viên là buổi bế giảng thế nào anh cũng thu xếp công việc đến dự, chia tay với những bạn trẻ đã cùng anh sống những giờ phút hiểm nghèo.

    Tôi từ cơ quan của Trung ương đóng cách xa đó ba mươi kilômét, đêm hôm đó được tin về trận bom thì anh Hoàng Quốc Việt và anh Lê Văn Lương bảo tôi đạp xe băng rừng xuống ngay Văn Lãng đón anh Trường Chinh. Đến nơi thì gặp anh ngay lúc anh vừa từ biệt các bạn sinh viên.

    Anh vừa đi vừa bảo tôi lấy giấy ra ghi ý kiến của anh, dự thảo một thông tri của Thường vụ Trung ương cho tất cả các cơ quan các cấp về kinh nghiệm đề phòng, đối phó và giải quyết hậu quả những trận bắn phá và ném bom chắc chắn ngày càng tăng của giặc Pháp. Sau này, nhiều lần biết những trận bom ác liệt, nhất là trong thời chống Mỹ, đặc biệt là 12 ngày đêm của Hà Nội thân yêu chống trả bom B.52, tôi lại nhớ đến văn kiện đầu tiên về kinh nghiệm phòng không, rút ra từ xương máu nóng hổi, mà tôi được vinh dự chép bản dự thảo trong một hoàn cảnh ít có.

    Dự thảo thông tri sau khi anh Trường Chinh xem lại được gửi qua anh em giao liên đưa về ngay Văn phòng Trung ương. Còn tôi thì đèo anh Trường Chinh từ Văn Lãng về huyện lỵ Đại Từ để anh vào dự hội nghị thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, do anh Tố Hữu được phân công chuẩn bị; cuộc họp tôi nhớ có mặt cả tướng Nguyễn Sơn và lần đầu tiên tôi được gặp bác Ngô Tất Tố, ngoài những anh em đã quen biết cũ ở Hà Nội. Anh Trường Chinh vào họp với anh em, bình tĩnh như không có gì xảy ra và không nói gì về chuyện hôm trước anh gặp nạn để hội nghị khỏi lạc hướng luận bàn.

    Sau bữa cơm trưa, đợi anh Trường Chinh đi ngả lưng ở nhà một đồng bào cơ sở yên tĩnh, tôi mới mạn phép anh tường thuật tin sốt dẻo cho các thành viên của hội nghị nghe. Tôi ngắm nhìn anh Nguyễn Sơn, không có râu hùm nhưng hàm én, trông như Từ Hải, rất chăm chú nghe câu chuyện của tôi, mắt long lanh một niềm thán phục. Các bạn văn nghệ khác, nhất là anh Nguyễn Huy Tưởng, trầm trồ bàn tán rất hăng. Và anh Nguyễn Công Mỹ, một nhà văn hoá đi trước, nay đã mất (anh Mỹ là em anh Nguyễn Công Hoan và anh đồng chí Lê Văn Lương), nằm cạnh tôi thủ thỉ: "Văn học tiến bộ thế giới gọi như thế là chủ nghĩa anh hùng cách mạng đấy". Lần đầu tiên, tôi nghe nói đến mấy tiếng chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

    Họp xong cuộc hội nghị thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam thì ngay tối hôm đó, ôtô của bên quân sự đón anh lên thị xã Bắc Cạn để kịp sớm mai giảng bài ở Trường lục quân Trần Quốc Tuấn.

    Sau này tôi được nghe kể lại là xe hơi quân sự đưa anh đến cơ quan tỉnh bộ Việt Minh Bắc Cạn thì trời đã gần sáng. Anh vừa ngả lưng qua loa để bảy giờ sáng sang Trường lục quân giảng bài thì hơn sáu giờ sáng, trời chưa hết tan sương, Tây đã ào ào kéo đến, hàng đoàn máy bay nhảy dù xuống chiếm thị xã Bắc Cạn, cùng một lúc nhảy dù xuống chiếm Chợ Mới và thị xã Cao Bằng, cùng nằm trên trục đường quốc lộ số 3 và phía sông Lô, chúng cũng nhảy dù xuống thị xã Việt Trì, mở cả hai gọng kìm bao vây toàn bộ Việt Bắc.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com