Thép Mới
Ngày 5-10-1988, cả nước tiễn đưa đồng chí Trường Chinh về Nghĩa trang Mai Dịch. Để tỏ lòng tưởng nhớ anh, tôi xin kể về chính ngày này bốn mươi mốt năm về trước, vào năm anh tròn bốn mươi tuổi.
Để hiểu câu chuyện tôi sẽ kể, xin phép nói đến mối quan tâm đặc biệt của anh đối với công tác vận động sinh viên và trí thức trẻ, nằm trong sự chăm lo thường xuyên ở anh về đào tạo con người cho phong trào. Tôi nghĩ ít có đồng chí lãnh đạo nào để công dìu dắt, rèn dạy trực tiếp đông đảo các lớp cán bộ như anh.
Sau những ngày tràn đầy phấn khởi Tháng Tám năm 1945, từ khi thực dân Pháp trở lại xâm lược miền Nam và quân đội Tưởng Giới Thạch nhân danh Đồng minh tràn vào chiếm đóng nước ta từ vĩ tuyến 15 trở ra thì phong trào sinh viên và trí thức ở Thủ đô không tránh khỏi phân hoá ngày càng sâu sắc. Anh Trường Chinh, với bút danh Tân Trào đã viết hai bài báo liên tiếp đăng trên báo Sự Thật, lời văn thống thiết, kêu gọi sinh viên Việt Nam kiên định cách mạng, đoàn kết chung quanh ngọn cờ cứu nước vào tháng 12- 1945. Chính vào những ngày hết sức căng thẳng đó, anh đã chỉ thị cho những sinh viên gần Đảng tập hợp tất cả anh chị em ngả về cách mạng vào một tổ chức sinh viên cứu quốc không công khai. Đoàn sinh viên cứu quốc mới thành lập đó được trưởng thành trong những cuộc phản biểu tình, giương cao cờ đỏ sao vàng, chống lại những cuộc biểu tình phản cách mạng, núp bóng quân đội Tưởng, mang cờ sao xanh. Những cuộc đụng độ khá quyết liệt hầu như ngày nào cũng diễn ra trên đường phố Hà Nội, những ngày cuối tháng 2-1946. Nhà thơ Xuân Diệu bị bọn chúng đánh và quăng xe đạp của anh xuống Hồ Gươm là trong chính những ngày đó.
Điều hôm nay chúng ta khó mà tưởng tượng nổi là suốt mùa hè năm đó, những tháng Bác Hồ qua Pháp vận động ngoại giao và tiến công hoà bình, thì anh Trường Chinh là người quán xuyến mọi công việc của Đảng ở nhà. Vậy mà anh vẫn thu xếp được thời giờ, mỗi tuần hai buổi thứ năm và chủ nhật, mở lớp trực tiếp huấn luyện chính trị và bồi dưỡng lý luận cho trí thức trẻ của phong trào. Với kinh nghiệm vận động quần chúng sâu sát, anh đã chỉ thị cho chúng tôi hết sức chăm lo ổn định đời sống cho số anh em sinh viên túng thiếu. Sáng kiến tuổi trẻ bấy giờ cũng khá năng động. Chúng tôi tổ chức Trường tư thục Phan Chu Trinh tại Thủ đô để thu hút số bạn trẻ tham gia Cách mạng Tháng Tám, nay muốn trở về đi học, tha thiết mong có nhà trường theo tinh thần mới. Anh em trong đoàn sinh viên cứu quốc và nhiều nhà trí thức lớn của đất nước lúc bấy giờ tham gia giảng dạy, vừa phát huy ảnh hưởng tinh thần Việt Minh trong thế hệ trẻ, vừa có phương tiện sinh sống ổn định, chân chính và cao quý, để yên tâm hoạt động cách mạng.
Từ đầu tháng 12-1946, cả nước chuẩn bị đi vào toàn quốc kháng chiến. Anh Trường Chinh bận biết chừng nào mà vẫn không quên chỉ đạo chúng tôi bố trí công tác cho từng bạn sinh viên xung phong đi theo kháng chiến. Và điều chúng tôi không ngờ nhất là anh bảo chúng tôi chọn trong sinh viên và trí thức trẻ một người có đủ năng lực làm thư ký riêng cho anh trong giai đoạn mới. Tuổi thanh niên lúc đó rất công bằng. Chúng tôi nhất trí tiến cử Chủ tịch Tổng hội sinh viên Việt Nam đương nhiệm của chúng tôi là anh Lê Văn Rạng, một người không chính thức trong tổ chức Việt Minh nhưng là một sinh viên học về khoa học, trình độ văn hoá chung sâu và rộng, biết nhiều ngoại ngữ, có vốn cổ học uyên bác và đĩnh đạc nhất trong lứa chúng tôi bấy giờ. Anh Trường Chinh, căn cứ thực tế mà chúng tôi trình bày, chấp nhận và tin dùng vào trong công việc nhiều phần cơ mật để làm việc bên cạnh anh từ Hà Nội khói lửa, trải qua nhiều chặng dừng chân, lên đến chiến khu Việt Bắc.
Theo tôi được biết, chính anh Rạng đã góp phần chuẩn bị tư liệu cho anh Trường Chinh viết tác phẩm quan trọng: Kháng chiến nhất định thắng lợi. Chính sách cán bộ của anh Trường Chinh không chỉ chú ý sử dụng mà còn chăm lo đào tạo, bồi dưỡng lâu dài, tạo điều kiện cho cán bộ có triển vọng được rèn luyện và phát triển tài năng trong công tác thực tế. Chỉ mấy tháng sau, đồng chí Chủ tịch Tổng hội sinh viên của chúng tôi được cử đi làm Chủ tịch Khu 14, tức là khu Tây Bắc, đã bị thực dân xâm lược chiếm đóng cả hai tỉnh Sơn La và Lai Châu. Buổi tiễn anh Rạng lên đường, lần đầu tiên tôi được nghe nói về địa danh Điện Biên Phủ. Đó là vào tháng 5-1947.
*
Có lẽ từ kinh nghiệm làm việc với anh Rạng mà anh Trường Chinh càng thấy rõ khả năng cách mạng của trí thức dân tộc. Do anh đề xuất, Thường vụ Trung ương thông tri cho các địa phương chọn hết thanh niên có bằng tú tài đưa lên Việt Bắc để tham gia học tập và huấn luyện tập trung. Đó là Trường ngoại ngữ, trường cao học đầu tiên của chiến khu. Học viên là đông đảo trí thức trẻ, một số anh em đã từng ra làm tri huyện hay công chức cao cấp, nhiều người là kỹ sư hay kiến trúc sư đã hành nghề. Trường ngoại ngữ do anh Nguyễn Khánh Toàn làm hiệu trưởng, đặt tại xã Văn Lăng, dưới chân Đèo Khế nổi tiếng, mượn một nhà sàn rất lớn của đồng bào làm giảng đường.
Phải, buổi chiều đó cũng là ngày 5-10 như hôm nay, anh Trường Chinh đến Trường ngoại ngữ giảng bài về duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, một bài giảng cơ bản tạo điều kiện cho anh em củng cố sự chuyển biến trong ý thức hệ, xây dựng niềm tin khoa học về kháng chiến nhất định thắng lợi. Vừa vào giờ giảng thứ hai thì bốn chiếc máy bay Xpítphai của giặc Pháp đến quần chung quanh bầu trời Văn Lãng và chắc chắn là có chỉ điểm, chúng bổ nhào xuống giảng đường của Trường ngoại ngữ mà ném bom và bắn phá dữ dội. Nhà sàn bốc cháy, tường và sàn đổ từng mảng. Giảng viên và học viên nhảy qua cửa sổ tránh máy bay. Anh Trường Chinh nép vào bụi cây, hai sinh viên nằm đè lên anh, lấy thân mình che đạn cho Tổng Bí thư của Đảng. Một trong hai người hy sinh, đó là anh Phạm Đức Khang, bí thư chi bộ nhà trường, sinh viên khoa học, con một vị quan trong chế độ cũ tham gia phong trào từ hồi Mặt trận Dân chủ ở Nam Định.
(còn nữa)