Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói về người bạn chiến đấu thân thiết của mình rằng: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là gương mẫu đạo đức cách mạng, suốt đời cần kiệm, liêm chính; suốt đời hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.
Những di sản ở Cù lao Ông Hổ
Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888-1980), được gọi thân mật là Bác Tôn, đã đi vào lịch sử với tư cách nhà cách mạng hàng đầu Việt Nam thế kỷ XX, có nhiều công lao to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Ông cũng trở thành nhân vật truyền niềm cảm hứng cho nhiều văn nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị.
“Đó là tấm gương thực hành đạo đức cần kiệm cho nước, cho dân; tấm gương khiêm tốn, giản dị, liêm khiết, trung thực, chân thành, ghét thói xu nịnh, cơ hội, bè phái; tấm gương nói ít làm nhiều, luôn chí công vô tư và đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết” - theo lời Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Hà Nội 10 năm trước.
Khi về với Thành phố Long Xuyên, ai cũng mong một lần sang cù lao Ông Hổ giữa lòng sông Hậu để dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Lần đầu được về cù lao Ông Hổ là cuối năm 2000, tôi đặc biệt ấn tượng với ngôi nhà thời ấu thơ của Bác Tôn xây cất từ năm 1887, có cấu trúc theo kiểu nhà sàn truyền thống ở nông thôn Nam Bộ. Ngôi nhà gồm 3 gian 2 chái, được làm bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, có diện tích 156m2 (ngang 12m, dài 13m). Năm 1984, Bộ Văn hóa - Thông tin đã quyết định công nhận ngôi nhà là Di tích Lịch sử cấp quốc gia.
Ngôi nhà độc đáo này hiện nay nằm trong Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng được khởi công xây dựng từ tháng 5-1997, với nhiều công trình như cột cờ, đền thờ, nhà và khuôn viên trưng bày hiện vật… Khu lưu niệm đã được Thủ tướng ký quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt ngày 10-5-2012. Khu lưu niệm rộng rãi, thoáng mát, bình dị như tính cách khiêm nhường, giản dị của vị lãnh tụ cách mạng lúc sinh thời. Ở đây, chúng ta sẽ được ngắm nhìn hơn 200 hiện vật, trong đó có chiếc ca nô mang tên Giải Phóng do chính Bác Tôn điều khiển đưa ông và các đồng chí của mình từ nhà tù Côn Đảo trở về đất liền.
Một thời điểm lịch sử khác cũng sống lại qua hình ảnh chiếc máy bay YAK-40, ký hiệu VNA.452, đã đưa vị nguyên thủ quốc gia từ Hà Nội vào Sài Gòn chủ trì đại lễ mừng chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 15-5-1975. Bên cạnh là chiếc tàu Giang cảnh từng đưa ông từ bờ sông Hậu phía Long Xuyên về thăm nhà ở cù lao Ông Hổ vào tháng 10-1975. Ngoài ra còn có nhiều vật dụng giản dị sinh thời Bác Tôn đã sử dụng như đôi giày, bộ quần áo, xe đạp, cối xay tiêu...
Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến thăm gia đình Thiếu tướng Tô Ký ở Hà Nội vào dịp Tết Nguyên đán 1970. Ảnh: Tư liệu |
Ký ức về Công hội Đỏ
Nói tới cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chúng ta không thể không nhắc đến Công hội Đỏ - tổ chức tiền thân của Tổng LĐLĐ ngày nay. May mắn, chúng tôi có nhiều dịp tiếp xúc và ghi lại những ký ức sống động sinh thời của nhà cách mạng Dương Quang Đông, thường được gọi thân mật Năm Đông, thuộc cấp và bạn chiến đấu thân thiết của Bác Tôn…
Cách mạng Tháng Mười năm 1917 thành công, nước Nga Xô Viết non trẻ đã bị 13 đế quốc bao vây tấn công. Đế quốc Pháp cử thiết giáp hạm tới Sevastopol ở Hắc Hải để đánh chiếm thành phố cảng quan trọng này. Binh sĩ trên chiến hạm của Pháp bàn chuyện phản chiến ủng hộ cách mạng Nga. Bác Tôn lúc đó là người Việt Nam duy nhất có mặt trên chiến hạm, đang làm lính thợ máy, đã xung phong kéo lá cờ đỏ búa liềm trắng lên đỉnh cột cờ để báo tin phản chiến. Sự kiện lịch sử đó diễn ra ngày 20-4-1919.
Tin tức từ nước Pháp lan truyền về Việt Nam, ngay lập tức báo Thần Chung ở Sài Gòn, do Trần Huy Liệu làm chủ bút, đã đăng tin nóng trên gây chấn động dư luận. Người công nhân dũng cảm Tôn Đức Thắng trở thành thần tượng của nhiều thanh niên trong nước.
Dương Quang Đông mơ ước được gặp thần tượng của mình. Ông tình cờ quen Tôn Đức Nhung, em ruột của Tôn Đức Thắng, được nghe nhiều câu chuyện thú vị, ông càng nóng lòng. Và điều đó đã trở thành hiện thực khi ông Hai Thắng - tên gọi thân mật của Tôn Đức Thắng - xuất hiện tại cảng Ba Son trên chiến hạm Lamotte Picquet, cùng những người lính thợ An Nam trong quân đội Pháp tham gia Chiến tranh Thế giới thứ Nhất trở về quê hương cuối năm 1919.
Từ đó, Năm Đông cùng các bạn công nhân thân thiết Ka Him, Mười Giao gắn chặt với mọi hoạt động của Hai Thắng ở Sài Gòn - Chợ Lớn, còn Tôn Đức Nhung được phân công về địa bàn Long Xuyên. Họ chọn đình Bình Đông nằm khuất nẻo trên cù lao rậm rạp tận Rạch Cát, làm địa điểm cất giấu tài liệu bí mật do Hai Thắng chuyển về. Đình Bình Đông còn là điểm họp mặt những người trong nhóm yêu nước, từ 4 người ban đầu dần kết nạp lên 10 người, do Hai Thắng lãnh đạo, thường xuyên nói chuyện về tình hình trong nước, thế giới cùng những bài học vỡ lòng về chính trị - xã hội…
Đó cũng chính là bối cảnh ra đời Công hội Đỏ, tổ chức bí mật chính thức được thành lập ngày 25-2-1920 tại đình Bình Đông, nhằm tương trợ và đấu tranh cho quyền lợi của công nhân, phản kháng giới chủ tư bản đế quốc bóc lột. Dương Quang Đông được Bác Tôn giao làm thư ký kiêm đội trưởng văn thư của Công hội Đỏ. Ông tham gia học khóa huấn luyện do Hai Thắng giảng dạy, rồi trở về hoạt động tại quê hương Cầu Ngang, sau đó mở rộng tổ chức Công hội Đỏ sang các địa bàn khác của tỉnh Trà Vinh. Công hội Đỏ còn phát triển mạnh ở các vùng cao su Phú Riềng, Dầu Tiếng.
Dấu mốc Ba Son
Sau bao năm bôn ba làm công nhân, lính thợ và tìm đường cứu nước, gần giữa tuổi tứ tuần Tôn Đức Thắng mới nghĩ đến chuyện lập gia đình. Người phụ nữ tâm đầu ý hợp với ông là cô giáo Đoàn Thị Giàu ở Châu Thành, Mỹ Tho. Những thành viên nòng cốt của Công hội Đỏ từ khắp nơi đã về Mỹ Tho tham dự. Điều thú vị là ngay sau đêm tân hôn, Hai Thắng đã phân công Năm Đông tuyên truyền tổ chức Công hội Đỏ tại vùng Rạch Gầm lịch sử.
Từ năm 1923, Hai Thắng tin tưởng giới thiệu Năm Đông vào làm công nhân ở quân cảng Ba Son để hỗ trợ phát triển phong trào Công hội Đỏ.
Ba Son là một địa điểm trọng yếu ở Sài Gòn, được xem là chi nhánh lớn của quân cảng Toulon ở miền Nam nước Pháp. Hàng nghìn công nhân, thợ thầy có tay nghề cao tập trung làm việc ở Ba Son. Tổ chức Công hội Đỏ đã được gây dựng ở đây do Lê Văn Lưỡng, Ngô Văn Danh, Võ Văn Nhuận phụ trách.
Cuối tháng 7-1925, chiến hạm Jules Michelet từ châu Âu trên đường sang Trung Quốc tham gia đàn áp cuộc đấu tranh của nhân dân vùng tô giới Thượng Hải, máy bị hỏng phải kéo vào ụ tàu Ba Son sửa chữa. Dưới sự lãnh đạo của Tôn Đức Thắng và Công hội Đỏ, công nhân Ba Son đã tổ chức bãi công hàng tháng trời, trì hoãn việc sửa chữa chiến hạm Jules Michelet. Cuộc đấu tranh thành công, đánh dấu bước chuyển mình của phong trào công nhân non trẻ từ tự phát sang tự giác, có tổ chức đầu tiên của công nhân Việt Nam, đặc biệt đây cũng là lần đầu thể hiện tình đoàn kết quốc tế với công nhân và người lao động Trung Quốc.
Vào tháng 4-1926, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức khóa học đầu tiên cho Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội tại Quảng Châu, Trung Quốc. Nhiều thanh niên yêu nước đã sang Trung Quốc học tập, sau 2 tháng được cử về nước hoạt động, trong đó có Phan Trọng Bình và Nguyễn Văn Lợi về Sài Gòn tìm cách bắt liên lạc với Tôn Đức Thắng. Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Nam kỳ được thành lập ngày 25-2-1927 tại hội nghị diễn ra ở nhà số 5 đường Barbier, nay là Thạch Thị Thanh. Nhiều thanh niên tiếp tục được cử sang Quảng Châu học tập.
Thời gian này thực dân Pháp tăng cường đàn áp phong trào cách mạng. Năm 1929, Tôn Đức Thắng bị Pháp bắt và đưa ra Tòa đại hình Sài Gòn xét xử, kết án 20 năm tù khổ sai, đày ra Côn Đảo. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông thoát khỏi nhà tù Côn Đảo trở về đất liền, tham gia lãnh đạo kháng chiến chống Pháp tái xâm lược Nam bộ./.
Hoàng Yến