Hà Xuân Trường
(tiếp theo)
"Phục vụ kịp thời không có nghĩa là giới hạn văn nghệ trong việc tuyên truyền thời sự sốt dẻo hàng ngày như tuyên truyền báo chí. Hãy chấm dứt tình trạng bắt văn nghệ sĩ phải đem xã luận ghép thành văn, hoặc phải "hát" gượng những khẩu hiệu chính trị khô khan".
"Đảng kiên quyết phản đối mọi biểu hiện của chủ nghĩa hẹp hòi, bè phái, của chủ nghĩa quan liêu thường dùng mệnh lệnh trong lãnh đạo văn nghệ. Đảng chủ trương tôn trọng tính độc lập của tổ chức văn nghệ, tôn trọng tự do sáng tác của văn nghệ sĩ, song Đảng tự nhận có trách nhiệm giúp anh chị em văn nghệ sĩ càng ngày càng rõ đường lối cách mạng do Đảng vạch ra là đúng, lý tưởng của Đảng là cao đẹp nhất".
Về văn nghệ gắn bó với cuộc sống, đồng chí viết:
"Đi sâu vào quần chúng để tích lũy những cảm xúc lấy trong cuộc sống hàng ngày của quần chúng, những nhận xét về người và việc tổng hợp lại thành nhận xét khái quát. Lúc đó tác phẩm sẽ bật ra như hoa nở trên cành khi mùa xuân đến. Không phải hoa tầm thường, mà hoa thơm, hoa đẹp... Văn nghệ sĩ tách rời cuộc sống thì văn chẳng ra văn, thơ chẳng thành thơ, nhạc không ra nhạc, họa bất thành họa, vì chẳng truyền cảm cho ai hết".
Tác giả gắn quan điểm về cuộc sống, về quần chúng với phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa.
"Phương pháp đó xuất phát từ thực tế, miêu tả cuộc sống thực tế của quần chúng".
"Hiện thực không đứng ỳ một chỗ, nó luôn luôn phát triển, luôn luôn chuyển động. Cho nên tả đúng không phải là tả sự vật chết, mà tả sự vật đang phát triển".
"Hiện thực xã hội chủ nghĩa không cấm người ta mơ ước. Văn nghệ không mơ ước khác nào con chim không cánh, cái thuyền không buồm".
"Không tưởng tượng làm sao được? Xuất phát từ đời sống thực tế và dựa vào quy luật phát triển khách quan của sự vật, trí tưởng tượng của ta có thể đi trước hiện thực một vài bước và nâng cao đời sống thực tế vươn lên. Sứ mệnh của văn học, nghệ thuật không phải chỉ thu hẹp trong việc ghi chép, biểu hiện đời sống một cách trung thực, mà còn phải mở cái màn của tương lai cho tâm hồn của con người vút lên. Trong tác phẩm Phaoxtơ, cuối thế kỷ XVII, Gớt đã đoán trước loài người thế nào cũng có ngày phải lao mình vào khoảng không vũ trụ, mặc dù có phải chạm trán với cõi hư vô".
"Phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa là phương pháp sáng tác tốt nhất, nhưng không phải duy nhất... Điều đó có nghĩa là phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa thu hút và bao dung tất cả những yếu tố tích cực của những phương pháp khác, chẳng hạn như phương pháp lãng mạn, phương pháp tượng trưng. Chủ trương ấy nhằm khuyến khích văn nghệ sĩ ta sáng tạo, tìm ra những cái mới làm cho phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa phát triển và phong phú thêm. Nó hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta dung hòa các trường phái nghệ thuật hoặc đề xướng thuyết chung sống hòa bình giữa các khuynh hướng tư tưởng đối lập". Đồng chí cho "những hình tượng nghệ thuật là tiếng nói kỳ diệu của tâm hồn".
Trong các bài phát biểu về văn nghệ, đồng chí đều phân tích công tác phê bình. Quan điểm rõ ràng là "một nền văn nghệ mà công tác lý luận và phê bình yếu ớt, kém tính chiến đấu thì không phát triển nhanh được".
Tính đảng là tất yếu đối với văn nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa, và đối với tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Trường Chinh không đồng nhất tính đảng của văn nghệ sĩ với tính đảng của tác phẩm, vì không phải bao giờ cái này cũng là nguyên nhân của cái kia. Tác phẩm còn là kết quả của tài năng "không phải chỉ có những người đảng viên mới cần có tính đảng vô sản, mà mọi người văn nghệ sĩ, kể cả những văn nghệ sĩ ngoài Đảng, nếu thật tiến bộ, cũng cần rèn luyện cho mình một tính đảng vô sản vững vàng". "Tác phẩm có tính đảng còn là một tác phẩm mang tính nghệ thuật cao. Tính đảng của một tác phẩm văn nghệ của ta chính là ở nội dung tư tưởng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội được thể hiện dưới những hình thức nghệ thuật phong phú, sinh động và trong sáng phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân, gây lòng tin tưởng đối với Đảng ta và chế độ ta".
Mỗi lần nhắc đến tính cách người Việt Nam, ông như bị hút vào một sức quyến rũ khó dứt:
"Tính cụ thể và hoàn cảnh lịch sử - xã hội đó trước hết phải thể hiện ở đâu? Ở tính dân tộc và tính thời đại. Miêu tả những con người mới của Việt Nam phải hệt Việt Nam, ném vào bất cứ một nước anh em nào cũng không thể lẫn được như thế mới hiện thực... Đó là tâm hồn và tính cách của người Việt Nam. Tâm hồn và tính cách ấy như thế nào? Cái gì là những nét độc đáo trong phẩm chất của người Việt Nam? Phải chăng là những đức tính như kiên cường, khôn khéo, cần cù, giản dị, v.v.. Những đức tính ấy do điều kiện kinh tế, địa lý và lịch sử sinh ra, do rèn luyện lâu đời trong đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc và đấu tranh với tự nhiên mà được bồi dưỡng nên. Trong tâm hồn người Việt Nam, nó không tách rời ra mà biết họp lại. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta thấy nhiều đức tính của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quang Trung và của nhiều nhân tài khác trong lịch sử lại được kết tinh và nâng cao trong Hồ Chủ tịch".
(Còn nữa)