Hà Xuân Trường
(tiếp theo)
Người đọc Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam
Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Hầu hết trí thức yêu nước không phân biệt giai cấp, tín ngưỡng, dân tộc hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chiến khu. Tháng 7-1948 tiếp tục làm nhiệm vụ của Đại hội văn hóa toàn quốc lần thứ I họp ở Hà Nội tháng 11-1946, Đại hội văn hóa toàn quốc lần thứ II họp ở Phú Thọ là Đại hội toàn quốc đầu tiên của giới văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trong những năm đầu của cuộc kháng chiến. Trường Chinh thay mặt Trung ương Đảng đọc Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam.
Đại hội tập hợp nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà văn, nghệ sĩ nổi tiếng từ khu IV trở ra, phần lớn chưa phải đảng viên. Nhiều bản tham luận sâu sắc đã được trình bày. Nhưng người ta vẫn chờ đợi bản báo cáo chính ở Đại hội và người đọc báo cáo là ông Trường Chinh. Ông Trường Chinh là người thế nào? Trình độ tri thức đến đâu? Điều họ muốn biết trước tiên là trình độ tri thức của người lãnh đạo.
Trước khi Đại hội diễn ra, Tiểu ban văn hóa đồng thời cũng là Tiểu ban trù bị Đại hội bao gồm các đồng chí: Tố Hữu, Trần Huy Liệu, Nguyễn Khánh Toàn, Bùi Công Trừng, Nguyễn Sơn, Hải Triều...., họp nghe đồng chí Trường Chinh trình bày những nét lớn của bản báo cáo. Cuộc họp thảo luận sôi nổi chung quanh hai vấn đề:
1. Có nên trình bày những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác hay không? Có ý kiến cho rằng không nên. Sợ cử tọa phật ý, cho rằng họ phải nghe những điều a b c;
2. Có nên đề ra những nhiệm vụ cụ thể hay không? Có ý kiến cho rằng viết như trong báo cáo sẽ làm cho người nghe như bị áp đặt. Đồng chí Trường Chinh giải thích sự cần thiết phải nêu như báo cáo đã chuẩn bị. Trên mặt trận tư tưởng lúc này là phải làm rõ quan điểm, lập trường của Đảng về văn hóa, văn nghệ và nhiệm vụ của trí thức phải gánh vác. Đó cũng là yêu cầu của trí thức đối với Đảng khi họ đi theo Đảng. Đại hội phải tạo được lòng tin giữa Đảng và trí thức, không nên e ngại mà phải thẳng thắn, chân tình với cách làm việc phát huy dân chủ, khuyến khích tự do tư tưởng. Bản báo cáo đã được Bác Hồ và Thường vụ Trung ương thông qua, ý kiến được trình bày trong bản báo cáo không còn là ý kiến cá nhân của đồng chí Trường Chinh. Cuối cùng Tiểu ban chấp nhận toàn bộ bản báo cáo.
Đại hội đã diễn ra đúng như dự kiến của Thường vụ Trung ương. Giới văn hóa, văn nghệ đang chờ mong sự chỉ đạo cụ thể của Đảng lãnh đạo, đang khát khao được tạo điều kiện để nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin một cách cơ bản. Vào thời điểm đó phần giới thiệu những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác là rất cần thiết.
Lúc đi cũng như lúc về các đại biểu đều phải qua bến Bình Ca (sông Lô). Mấy ngày liền vào chập choạng tối, Bình Ca rộn rịp đưa đón các đại biểu. Từ Đại hội ra về, trong một chuyến đò qua sông tôi đã được nghe những vị như Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Tấn Gi Trọng... kháo về đồng chí Trường Chinh: "Chắc ông ấy phải qua trường đào tạo ở Nga - Xô", "một bản báo cáo đầy ắp những nhận định khoa học, mới mẻ", "một văn phong sáng sủa, gãy gọn ít thấy", "một thái độ thẳng thắn", "một tinh thần chiến đấu khá căng, nhưng lại chấp nhận được"…
Sau Đại hội, Trường Chinh có viết một bài trên Tạp chí Sinh hoạt nội bộ rút kinh nghiệm công tác vận động trí thức, phê bình tác phong xa cách, thiếu tin cậy ở trí thức là chưa thật tin vào đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng có thể thuyết phục được giới trí thức đi theo Đảng.
Tiếp theo Đề cương Văn hóa Việt Nam, Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam là công trình hoàn thiện nhất, đặt cơ sở lý luận cho đường lối xây dựng nền văn hóa - văn nghệ cách mạng, và giải quyết những vấn đề thực tiễn của văn hóa nước ta trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ. Ngày nay đọc lại Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, nhiều người ngạc nhiên về tính khoa học và tinh thần cách mạng của một tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh kháng chiến bề bộn bao việc nước sôi lửa bỏng, các cơ quan chỉ đạo của Đảng phải ở trong rừng, những tài liệu tra cứu rất thiếu thốn. Bảy chương của bản báo cáo thể hiện một lối văn chính luận chiến đấu, súc tích, sáng sủa, lôi cuốn từ đầu chí cuối. Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam là một tác phẩm sáng giá của văn hóa - văn nghệ mácxít nước ta. Trong tác phẩm này, Trường Chinh đã giải quyết những vấn đề quan hệ giữa văn hóa, nghệ thuật với kinh tế chính trị, quan hệ giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Một mặt nói "kinh tế quyết định văn hóa", mặt khác khẳng định "sự chênh lệch giữa kinh tế và văn hóa là một đặc điểm của xã hội phân chia giai cấp".
Nguồn gốc và tính chất chủ nghĩa lãng mạn là một vấn đề phức tạp của văn học nước ta. Trường Chinh cho chúng ta một nhận định khá thuyết phục chứa đựng ngay trong mâu thuẫn của thực trạng xã hội đang chuyển mình: "Các nhà văn lãng mạn nước ta từ những năm 1926 - 1927 đến năm 1945 chỉ có thể sao chép một cách vụng về những nhà văn lãng mạn Pháp vì điều kiện kinh tế và xã hội đẻ ra chủ nghĩa lãng mạn Pháp không giống điều kiện kinh tế và xã hội Việt Nam trong thời kỳ đó. Nhưng văn học lãng mạn Việt Nam mọc ra được vào những năm 1926 - 1927 là vì khi đó ở Việt Nam đã bắt đầu có chủ nghĩa tư bản dân tộc và sau đó càng ngày lối sống của tư sản và tiểu tư sản thành thị càng chống lại lễ giáo phong kiến, tập quán của xã hội phong kiến Việt Nam suy tàn. Hơn nữa, vì các tầng lớp tư sản dân tộc và tiểu tư sản Việt Nam tìm thấy trong chủ nghĩa lãng mạn một tiếng thở dài chống chế độ thuộc địa".
(Còn nữa)