Hà Xuân Trường
Lần đầu tiên tôi được gặp đồng chí Trường Chinh là vào tháng 10- 1946 tại khóa I lớp bồi dưỡng chính trị lấy tên Nguyễn Ái Quốc mở tại Hà Đông. Đồng chí là người giảng chính về những Nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đoàn cán bộ của Đảng bộ Hà Tĩnh tham gia lớp học gồm bốn người đều có ấn tượng tốt đẹp về lớp học và các "giáo sư đỏ" - danh từ mà học viên gọi thân mật các giảng viên. Đặc biệt đối với đồng chí Trường Chinh, người có nhiều buổi "lên lớp" hơn cả với một phương pháp sư phạm rõ ràng, mạch lạc, rất dễ nhớ, dễ ghi. Trước khi giới thiệu bài mới, đồng chí hỏi học viên có ai thắc mắc điều gì đồng chí sẽ giải đáp; tiếp đó đồng chí chỉ định vài ba học viên trả lời câu hỏi kiểm tra.
Thật không ngờ, chỉ hơn nửa năm sau, tôi được Trung ương điều động ra Việt Bắc giúp việc cho đồng chí Trường Chinh. May mắn cho tôi được gần gũi đồng chí một thời gian khá dài và được đồng chí dìu dắt làm báo, làm văn từ những năm đầu vào nghề đến lúc trưởng thành. Sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trường Chinh lớn lao bao quát nhiều lĩnh vực. Tôi xin ghi lại một số điều cảm nhận của tôi đối với đồng chí Trường Chinh trên hai lĩnh vực báo chí và văn hóa - văn nghệ.
Làm báo với nhà báo Trường Chinh
Trường Chinh là cây bút xuất sắc của báo chí cách mạng từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Trường Chinh là một nhà báo bậc thầy, người kế tục sự nghiệp báo chí Nguyễn Ái Quốc, tạo nên một văn phong chính luận cách mạng cho nền văn học nước nhà. Sau khởi nghĩa, người ta thường thấy một anh "morátxiê" (người chữa bản in thử) người tầm thước, trán cao, mặc chỉnh tề, chiều nào cũng nằm dài trên bàn của Nhà in Lê Văn Tân phố Hàng Bông sửa bài cho báo Cờ Giải Phóng. Sau này người ta mới biết đó là Đặng Xuân Khu, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương khi ông chủ trì cuộc họp báo tuyên bố "giải tán Đảng" (một chiến thuật của Đảng lúc bấy giờ).
Từ những năm 40 thế kỷ XX cho đến sau này, đồng chí Trường Chinh là người trực tiếp phụ trách công tác tư tưởng và văn hóa của Đảng, đồng thời chịu trách nhiệm trực tiếp những cơ quan ngôn luận của Đảng như các báo Cờ Giải Phóng, Sự Thật, Nhân Dân, Tạp chí Tiên phong, Tạp chí Sinh hoạt nội bộ, Tạp chí Học tập (Tạp chí Cộng sản).
Một tháng đi bộ từ Hà Tĩnh, tháng 5-1947 tôi tới cơ quan Trung ương Đảng. Tôi được phân công làm thư ký riêng cho Tổng Bí thư, thường trực Tiểu ban Tuyên truyền, ủy viên Ban biên tập báo Sự Thật. Mấy tháng sau, nhiệm vụ thư ký riêng chuyển sang đồng chí Trần Quang Huy, tôi cùng với Thép Mới, Quang Đạm, Phan Kế An tập trung làm báo Sự Thật. Tôi nhớ buổi gặp gỡ làm việc đầu tiên với đồng chí Trường Chinh. Tôi trình bày công việc của tôi ở địa phương là viết bài cho đài truyền thanh của thị xã và gửi xuống cơ sở, viết tài liệu huấn luyện theo Chương trình Việt Minh, tôi chưa từng viết báo in. Để tạo lòng tin cho tôi, đồng chí cười và thân mật nói: hãy bắt tay vào làm, vừa làm vừa học, cần có chí và tính đảng mọi việc sẽ tốt. Đồng chí đưa cho tôi bản đánh máy "Mười tám điều tự răn trong khi viết văn" để nghiên cứu và thực hiện. Bản "tự răn" này đồng chí vừa thảo cách đây không lâu theo ba phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng của Đề cương Văn hóa Việt Nam mà đồng chí đã thảo năm 1943:
"Dân tộc hóa:
Không dùng một chữ nước ngoài nếu không cần thiết.
Không viết một câu theo cách đặt câu của nước ngoài nếu không cần thiết.
Không dùng điển tích nếu không có ích lợi gì.
Không được xa rời truyền thống văn chương quý báu của dân tộc.
Không được coi thường vốn văn học của dân tộc.
Không được miệt thị cái hay của văn học, nghệ thuật nước ngoài.
Khoa học hóa:
Không viết một câu sai ngữ pháp Việt Nam.
Không dùng một chữ thừa, trừ trường hợp cố ý nhắc lại để nhấn mạnh.
Không viết một câu mà người đọc có thể hiểu lầm hóa hai cách.
Không làm cho văn của ta và lời nói của nhân dân xa cách nhau.
Không được viết lộn xộn.
Không được dùng câu sáo cũ ở trong nước và của nước ngoài (chớ lầm sáo cũ với phương châm, ngạn ngữ).
Đại chúng hóa:
Không sợ dùng những tiếng thường dùng của quần chúng.
Không viết một câu mà người đọc bình thường không hiểu được.
Không được viết chỉ để cho một ít "thượng lưu trí thức" xem mà thôi.
Không được viết dài dòng và dẫn sách vở một cách vô ích để lòe thiên hạ.
Không được vì muốn phổ cập mà sao lãng việc nâng cao trình độ của quần chúng nhân dân.
Không được vì đại chúng hóa mà viết một cách thô tục, khiếm nhã".
(Còn nữa)