Trần Lâm
(tiếp theo)
Trương Hữu Lợi kể tiếp: "Sau khi trả bài phóng sự, đồng chí Trường Chinh giữ tôi lại để hỏi kỹ thêm về tình hình thực tế ở nông thôn dưới con mắt của nhà báo. Đồng chí nói: "Sắp có cuộc họp của Ban Bí thư bàn về vấn đề cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp. Đồng chí là phóng viên đi sát thực tế hãy kể cho nghe về những điều mắt thấy tai nghe và những suy nghĩ của đồng chí về những điều đó. Kể sự thật để giúp cho tôi nắm bắt thêm được tình hình thực tế".
Trương Hữu Lợi rất xúc động trước thái độ thực sự cầu thị và lời lẽ chân thành của một đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta. Anh đã báo cáo một số nét nổi bật nhất về tình hình "dong công, phóng điểm" ở đa số các hợp tác xã đã làm cho xã viên chán nản, không có hứng thú phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất. Người ta phàn nàn là với kiểu phân phối theo chủ nghĩa bình quân thì không công bằng, chỉ khuyến khích kẻ lười, người kém. Đời sống nông dân còn rất nghèo, càng ở vùng sâu, vùng xa càng cực khổ mọi bề. Thấy đồng chí Trường Chinh nghe rất chăm chú không hề ngắt lời, phóng viên đã mạnh dạn báo cáo với đồng chí về những lời phàn nàn, kêu ca của xã viên đối với tình hình quan liêu, hống hách và cả hiện tượng tham ô của một số cán bộ xã và hợp tác xã. Xã viên biết nhưng không nói, vì nể nang, hoặc vì sợ bị trù úm.
Câu chuyện của Trương Hữu Lợi giúp cho tôi khẳng định được rõ hơn tính cách và con người của đồng chí Trường Chinh.
Ít lâu sau, cả nước vui mừng được đọc trên các báo toàn văn bản "Chỉ thị 100" của Ban Bí thư Trung ương Đảng về vấn đề khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động. "Chỉ thị 100" đánh dấu một bước chuyển biến rất quan trọng trong quản lý hợp tác xã nông nghiệp và trong việc hình thành đường lối đổi mới kinh tế.
Sau này, trong quá trình phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, "Chỉ thị 100" đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thành "Khoán 10" để phù hợp với tình hình thực tế kinh tế đất nước.
*
Về đường lối phát triển kinh tế trong thời kỳ đổi mới, đồng chí Trường Chinh đã có đóng góp to lớn và có vai trò quyết định trong việc chuẩn bị Dự thảo báo cáo của Bộ Chính trị đưa ra Hội nghị Trung ương lần thứ chín, khoá V để trình Đại hội Đảng lần thứ VI vào tháng 12-1986. Bản Dự thảo báo cáo chính trị do đồng chí Trường Chinh trình bày tại Đại hội VI đã nhìn thẳng vào sự thật, nêu những vấn đề bức xúc nhất cần giải quyết. Trong các vấn đề về kinh tế, nổi bật nhất là phân tích sâu sắc tác hại của cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp - nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng kinh tế trì trệ trong nhiều năm qua. Về công tác tổ chức cán bộ, lần đầu tiên Báo cáo chính trị đã đề cập tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái nghiêm trọng về phẩm chất, đạo đức và phân tích tính chất bức xúc của cuộc vận động đấu tranh chống tham nhũng, chống quan liêu, lãng phí để làm trong sạch bộ máy công quyền các cấp, từ Trung ương đến cơ sở.
Bản Báo cáo chính trị sau khi được Đại hội VI của Đảng thông qua, đã được đông đảo cán bộ và nhân dân đánh giá rất cao. Có nhà báo đã ví Đại hội VI do đồng chí Trường Chinh chủ trì là một "Hội nghị Tân Trào thời Đổi mới".
Tại Đại hội này, do tuổi cao, sức yếu, đồng chí Trường Chinh đã không tham gia Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương giao trách nhiệm làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Trên cương vị mới này, đồng chí tiếp tục có những cống hiến quan trọng cho Đảng và phục vụ Đảng, nhân dân cho đến ngày qua đời - ngày 30-9-1988./.