Những kỷ niệm sâu sắc về đồng chí Trường Chinh (kỳ 5)

07:07, 05/07/2018

Trần Lâm

(tiếp theo)

    Đồng chí Trường Chinh cùng mọi người đều cười ồ. Đồng chí Trường Chinh nói: "Như vậy là các cậu mắc tội dối cha, lừa chú". Rồi đồng chí nói về vấn đề tuyên truyền người tốt, việc tốt, vấn đề chọn điển hình trong phong trào sản xuất, chiến đấu, nhất nhất phải chính xác, không được bịa, không thổi phồng, không gán cho điển hình những ý nghĩ cao siêu mà người ta không có. Đó là bảo đảm tính chân thật.

    Về đến cơ quan, tôi kể lại nội dung cuộc họp với anh chị em, trao đổi ý kiến để mở rộng vấn đề, rút kinh nghiệm cho việc thông tin những chủ đề khác cũng phải lấy việc bảo đảm tính chân thật làm hàng đầu. Chúng tôi cũng nhắc nhau không được quên lời Bác dặn mà đồng chí Trường Chinh thường nhắc nhở "thắng mười chỉ nói bảy, để tránh gây tâm lý chủ quan khinh địch".

    Từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc chuyển sang thời kỳ khôi phục kinh tế, rồi xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, vừa làm nghĩa vụ thiêng liêng chi viện sức ngươi, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam.

    Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Trải qua một thời kỳ theo cơ chế bao cấp, Đảng ta đã từng bước đổi mới nền kinh tế sang cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong suốt quá trình này, với cương vị là Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam và tham gia Ban Chấp hành Trung ương hai khoá IV và V, từ năm 1976 đến năm 1986, tôi có dịp nhiều lần gặp đồng chí Trường Chinh mỗi khi có những sự kiện rất quan trọng trên thế giới và trong nước. Đặc biệt là khi xuất hiện chủ nghĩa xét lại hiện đại của Nikita Khơrutsốp ở Liên Xô, đồng chí Trường Chinh đã chỉ đạo rất sát sao công tác tư tưởng, ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của chủ nghĩa xét lại vào Việt Nam. Bản thân tôi đã tiếp thu được lập trường nguyên tắc của Đảng ta do đồng chí Trường Chinh truyền đạt một cách đầy tính thuyết phục. Nhờ đó công tác tuyên truyền đối nội và đối ngoại của Đài bảo đảm đúng lập trường, quan điểm, đúng đường lối và sách lược của Đảng ta trong bối cảnh tình hình quốc tế hết sức phức tạp. Đặc biệt rắc rối là khi mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Liên Xô xuất hiện trên các chương trình phát thanh của hai đài phát thanh Mátxcơva và Bắc Kinh, cả hai đài đều có chương trình phát thanh bằng tiếng Việt Nam được Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển tiếp trên làn sóng chính của đài. Việc tiếp âm trực tiếp hai chương trình trên là do sự thoả thuận vào cuối năm 1958 giữa Chính phủ ta với Chính phủ Liên Xô và Chính phủ Trung Quốc, khi Liên Xô viện trợ không hoàn lại cho ta một máy phát thanh bằng sóng trung công suất lớn 150 KW đặt ở Mễ Trì và Trung Quốc viện trợ cho ta một số máy phát bằng sóng ngắn 15KW, để truyền các chương trình phát thanh cho miền Nam và ra nước ngoài.

    Vào cuối năm 1959, Đài phát thanh Bắc Kinh phát bài "Chủ nghĩa Lênin muôn năm" công khai công kích Liên Xô và Đài Mátxcơva đáp lại cũng công kích Trung Quốc. Tôi cấp tốc xin gặp đồng chí Trường Chinh để báo cáo và xin phép cho cắt các buổi tiếp âm hai chương trình này trên làn sóng của ta. Đồng chí Trường Chinh tán thành và hỏi tôi làm thế nào để cắt được âm mà bạn không trách mình được. Tôi trình bày kế hoạch đi Liên Xô trước rồi khi về, qua Bắc Kinh, sẽ làm việc với lãnh đạo Đài phát thanh Trung Quốc. Vốn là người hết sức thận trọng, nhất là trong vấn đề quan hệ quốc tế, rất phức tạp và tế nhị lúc bấy giờ, đồng chí Trường Chinh yêu cầu tôi trình bày thật cụ thể cách đặt vấn đề với từng đài quốc gia của bạn. Sau khi nghe, đồng chí khen là tốt, bảo cứ thế mà làm.

    Lần ấy tôi đi giải quyết ổn thoả, không gây phản ứng bất lợi nào của các bạn. Lãnh đạo hai đài đều nói điều đó là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Khi trở về, tôi báo cáo ngay với đồng chí Trường Chinh và Thủ tướng Chính phủ rồi cắt bỏ việc tiếp âm trực tiếp hai chương trình của các đài ấy.

*

    Trong thời kỳ từ năm 1976 đến năm 1986, về đồng chí Trường Chinh, có hai luồng ý kiến trái chiều nhau xung quanh "sự kiện Kim Ngọc", "sự kiện khoán chui" và "sự kiện mở đầu thời kỳ đổi mới". Một luồng dư luận coi đồng chí Trường Chinh là người "bảo thủ", "không ủng hộ khoán mới trong nông nghiệp" và "không mặn mà với đổi mới". Luồng dư luận ngược lại cũng có đầy đủ lý lẽ để bác bỏ những nhận định trên. Tôi xin trình bày ý kiến của bản thân theo sự hiểu biết của mình trong quá trình chỉ đạo công tác tuyên truyền nông nghiệp trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Trước khi viết về vấn đề này tôi đã cẩn thận mời đến nhà tôi hai anh Trần Ngọc Thụ và Trương Hữu Lợi, là hai người rất say sưa với diễn biến của vấn đề khoán trong nông nghiệp. Một người nguyên là Trưởng phòng Nông nghiệp của Đài nay đã nghỉ hưu, một người nguyên là phóng viên lăn lộn với phong trào hợp tác hoá, khoán cũ, khoán mới. Cả hai đều là những người bạn chí cốt của nông dân.

    Cả ba chúng tôi đều nhất trí đánh giá Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phú lúc đó, đồng chí Kim Ngọc, là một người có tâm huyết với nông dân, rất thông cảm với cuộc sống vất vả và thiếu thốn của nông dân. Đồng chí là một cán bộ lãnh đạo tỉnh rất năng động, rất nhạy bén với cái mới, ngày đêm băn khoăn về tình trạng trì trệ của hợp tác xã nông nghiệp vào những năm cuối của thập kỷ 60 thế kỷ XX. Đồng chí hiểu rõ nguyên nhân của sự trì trệ ấy không phải là do nông dân lười, mà chủ yếu là do cơ chế quản lý hợp tác xã "dong công, phóng điểm", phân phối thu nhập "theo chủ nghĩa bình quân", người lao động giỏi và kém đánh đồng như nhau "thằng còng làm, thằng ngay ăn", v.v.. Để gỡ tình trạng này, năm 1967, Bí thư Kim Ngọc làm thí điểm cơ chế khoán sản phẩm cho hộ nông dân xã viên: giao đất và công cụ sản xuất, giao mức khoán sản phẩm phải nộp hợp tác xã cho từng hộ xã viên tuỳ theo từng loại ruộng. Hộ nào làm giỏi, vượt mức khoán cao thì được hưởng nhiều hơn người làm kém. Sáng kiến này được bà con xã viên nhiệt liệt hưởng ứng.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com