Ngã ba Ðồng Lộc thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh là địa danh đã đi vào huyền thoại; là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Hôm nay, Ngã ba Ðồng Lộc đã trở thành một “địa chỉ đỏ”, mảnh đất thiêng liêng để hàng triệu con người tìm về một thời hào hùng của dân tộc...
Tượng đài Chiến thắng và Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: PV |
Một ngày đầu tháng bảy, miền Trung nắng như đổ lửa, CCB Trần Ðại Tôn cùng con gái và hai cháu ngoại vượt chặng đường gần 500km từ huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc vào thăm Khu di tích Ngã ba Ðồng Lộc. Vẫn đôi dép rọ và chiếc áo lính, ông Tôn dẫn con cháu lần lượt đến tìm hiểu từng di tích, nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của những người con không tiếc máu xương của mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Dưới chân núi Mũi Mác, những tán thông xanh đung đưa trong gió, bên các bia mộ 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong (TNXP), CCB Trần Ðại Tôn rơm rớm nước mắt. Ông kể: “Cách đây ngót 10 năm, tôi đã cùng đoàn CCB vào thăm Ðồng Lộc. Hôm nay, Ðồng Lộc đẹp, xanh và nhiều du khách đến thăm quá. Mặc dù tôi không trực tiếp chiến đấu ở ngã ba huyền thoại này nhưng những chiến công, sự hy sinh và cả sự bất khuất, kiên cường của con người nơi đây đã in đậm trong tim chúng tôi. Bởi thế, hôm nay tôi đưa gia đình vào đây để con cháu hiểu rõ những chiến công của cô Rạng, cô Xuân, cô Cúc...; hiểu thế nào là giá trị của độc lập, tự do mà sống cho xứng đáng với thế hệ cha anh”.
Ngã ba Ðồng Lộc cách trung tâm Thành phố Hà Tĩnh 20km, nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi, là nơi giao nhau của 3 tuyến đường Lạc Thiện - Khe Giao - Ba Giang. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nơi đây được ví như “túi bom”, “tọa độ lửa” khi hằng ngày giặc Mỹ đã trút hàng trăm tấn đạn bom xuống ngã ba này nhằm ngăn chặn sự chi viện của ta từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Ðể bảo đảm giao thông thông suốt, hàng trăm, hàng nghìn chàng trai, cô gái ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi trên khắp mọi miền Tổ quốc đã gửi lại tuổi thanh xuân tươi đẹp nơi ngã ba này, đặc biệt là sự hy sinh anh dũng của 10 nữ TNXP vào ngày 24-7-1968. Chiến tranh đã lùi xa, bao mất mát đau thương cũng lùi vào quá khứ, giờ đây Ðồng Lộc trở thành “địa chỉ đỏ”, nơi thắp sáng ngọn lửa yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Ngày 9-12-2013, Ngã ba Ðồng Lộc được Nhà nước công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Trong trang phục màu xanh, mũ tai bèo, đôi dép cao su, anh Ðào Anh Tuân, Phó trưởng ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Ðồng Lộc đưa tôi đi tham quan và giới thiệu cụ thể từng điểm di tích. Anh Tuân chỉ tay vào Tượng đài Chiến thắng Ðồng Lộc, nơi ấy ngày xưa chi chít hố bom. Tượng đài được khánh thành vào giữa tháng 7-1998, là biểu tượng của sức mạnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần vươn lên, đạp bằng mọi gian nan, nguy hiểm của lực lượng TNXP, bộ đội, công nhân giao thông, công an, dân quân du kích. Nằm ngay chính giữa ngã ba là cột biểu tượng lưu niệm của ngành giao thông vận tải. Cứ thế, với chất giọng xứ Nghệ đặc trưng, anh Tuân lần lượt giới thiệu cho chúng tôi từ nhà bia tưởng niệm, nhà truyền thống TNXP toàn quốc; khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP; phòng trưng bày truyền thống Ngã ba Ðồng Lộc; cụm tượng 10 nữ liệt sĩ TNXP cho đến Tháp chuông Ðồng Lộc trên đỉnh đồi Mũi Mác… Từng di tích gắn liền với những câu chuyện chiến đấu kiên cường, bất khuất của hàng vạn người con để “mạch máu” giao thông được thông suốt.
Về với Ðồng Lộc, ấn tượng đầu tiên với du khách là những thuyết minh viên trong trang phục màu xanh người lính, mũ tai bèo, đôi dép cao su, luôn nở nụ cười tươi, đón chào niềm nở và họ sẽ dẫn du khách đến với những câu chuyện đầy cảm động về những chiến công, những con người đã từng sống và chiến đấu quên mình tại vùng đất máu lửa này. “Viếng thăm Ðồng Lộc chiều nay/ Lặng nghe em kể, cách rày nhiều năm/ Em như tỏa ánh trăng rằm/ Bình minh thức dậy, con tằm ra tơ/ Khi cao như sóng xô bờ/ Xuống trầm lắng lại như chờ đợi ai/ Lúc dồn dập, lúc khoan thai/ Ðàn cầm dìu dặt vọng ngoài sơn khê”. Ðó là những vần thơ mà một du khách đã viết tặng những thuyết minh viên ở Ngã ba Ðồng Lộc. Hay như sinh viên Trường Ðại học Sư phạm Hà Nội đã viết thư gửi họ: “Làm một bức tượng phải dùng cưa, bào, đục, nhưng anh chị dùng lời nói làm nên bức tượng vô hình đọng lại trong tim chúng em về một Ngã ba Ðồng Lộc huyền thoại. Ðể chúng em hiểu thế nào là độc lập, tự do và đặt ra trách nhiệm của mình là phải sống sao cho xứng đáng với những mất mát, hy sinh của các thế hệ cha anh…”.
Tên đất, tên người ở Ngã ba Ðồng Lộc đã đi vào sử sách, lưu danh mãi đến muôn đời sau. Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh trên “tọa độ chết” năm xưa, ai đã một lần qua Ngã ba Ðồng Lộc sẽ đọng lại trong tim những giai điệu sâu lắng nhất. Ngã ba Ðồng Lộc đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, để bất kỳ ai lớn lên đều thấy mình phải sống sao cho xứng đáng với những gì mà thế hệ cha anh để lại./.
Nguyễn Chí Hòa