Suy nghĩ, cảm nhận của một người học trò nhỏ về một người thày lớn (kỳ 3)

06:06, 14/06/2018

Phạm Như Cương

(Tiếp theo)

    Tôi muốn nói ở đây sự cảm nhận trực tiếp của cá nhân mình về đức tính đó của đồng chí Trường Chinh.

    Như chúng ta đều biết, đồng chí Lê Duẩn qua đời vào tháng 7- 1986 và đồng chí Trường Chinh được cử thay đồng chí Lê Duẩn ở cương vị Tổng Bí thư. Lúc này, việc chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã ở giai đoạn cuối và đang ở trong một tình hình khó khăn: Dự thảo Báo cáo chính trị lần đầu đưa ra lấy ý kiến chưa đáp ứng yêu cầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên nhiều vấn đề cơ bản, quan trọng. Trong khi tham gia thảo luận bản Dự thảo đó, tôi có phát biểu: nền kinh tế nước ta lúc đó đang như một chiếc xe ô tô mà bốn bánh đang quay tít trong bùn lầy, càng quay càng lún sâu hơn.

    Bởi vậy, điều có phần bất ngờ đối với tôi là cùng với một vài anh em khác tôi được bổ sung thêm vào Tổ biên tập văn kiện để có dịp trực tiếp đóng góp ý kiến của mình vào quá trình hoàn thiện bản Dự thảo Báo cáo chính trị sẽ được trình ra Đại hội Đảng.

    Tổ làm việc thường xuyên với các đồng chí tổ trưởng, tổ phó. Các đồng chí đó thay mặt Tổ báo cáo công việc và nhận ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trường Chinh. Nhưng khi cần thiết, đồng chí cũng gặp trực tiếp từng nhóm hoặc tổ viên. Riêng tôi tham gia vào nhóm về chính sách xã hội và nhóm về chính sách khoa học - kỹ thuật. Hồi đó, Đảng ta bắt đầu chú ý nhiều hơn đến các vấn đề xã hội và các chính sách xã hội, nên trong Báo cáo chính trị đã trình bày chính sách xã hội thành mục riêng, trong đó riêng tôi được phân công đi sâu vào vấn đề dân tộc, vấn đề cơ cấu giai cấp, vấn đề tôn giáo, vấn đề khoa học xã hội.

    Sau khi xem các phần trong dự thảo báo cáo và nghe tổ trưởng, tổ phó báo cáo, một hôm đồng chí Trường Chinh gọi anh em chúng tôi lên báo cáo thêm về các chính sách xã hội. Điều vui mừng lớn của chúng tôi là những ý kiến được chuẩn bị trong dự thảo về vấn đề dân tộc và cơ cấu giai cấp được đồng chí chấp thuận về cơ bản, và chỉ dẫn thêm một đôi chỗ cần sửa chữa. Vào cuối buổi họp mặt hôm đó, đồng chí nói: Hiện nay có nhiều vấn đề mới mà chúng ta cần nắm bắt cho kịp. Các đồng chí cố gắng đọc. Tôi hiện nay không còn đọc được nhiều, có những vấn đề đọc mà không hiểu hết. Các đồng chí đọc rồi nói lại cho tôi nghe với, và nắm bắt được vấn đề gì mới thì cứ viết để những anh em khác cùng được biết.

    Một sự khiêm tốn chân thật của một đồng chí lãnh đạo cao nhất ý thức được sự hạn chế không tránh khỏi của mình vào lúc tuổi đã cao, một sự tin cậy và khuyến khích lứa tuổi đàn em vươn tới thật đáng quý biết bao, và là bài học lớn cho bất cứ ai ở vào cương vị lãnh đạo. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy không phải ai cũng có được sự vô tư trong sáng, sự tự vượt lên trên mình tưởng như bình thường, giản dị ấy.

    Nói lên ở đây lòng kính trọng và kỷ niệm sâu sắc về một phẩm chất cao quý thuộc về phong cách của người lãnh đạo (gần đây càng ngày ta càng hiểu sâu hơn, đầy đủ hơn về tầm quan trọng của vấn đề phong cách trong sự nghiệp của người lãnh đạo) hoàn toàn không có nghĩa là xem nhẹ, đánh giá thấp vai trò, bản lĩnh trí tuệ của người lãnh đạo. Đảng ta, nhân dân ta, cả ở miền Bắc và miền Nam, mãi mãi ghi nhận sự cống hiến cực kỳ lớn lao của đồng chí Trường Chinh với tư cách người đã có công đầu trong việc khởi xướng, tạo nên bước ngoặt mở đầu cho quá trình Đổi mới của nước ta. Bản "Kết luận của Hội nghị Bộ Chính trị đối với một số vấn đề thuộc về quan điểm kinh tế" là một sự đổi mới tư duy kinh tế đầu tiên rất cơ bản của Đảng ta. Cùng với nó, các tư tưởng chỉ đạo quan trọng khác của đồng chí Trường Chinh đã làm cho Dự thảo Báo cáo chính trị được tu chỉnh lại trở thành một văn kiện có ý nghĩa lịch sử cho việc chuyển đổi mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tuy sau Đại hội VI, đồng chí không còn tiếp tục ở cương vị Tổng Bí thư, cương vị mà đồng chí đảm nhiệm trước Đại hội VI chỉ hơn nửa năm, nhưng đồng chí vẫn đích thực là người đã chèo lái cho con thuyền cách mạng Việt Nam đi vào quỹ đạo của Đổi mới.

    Việc này làm tôi nhớ lại một việc khác vào năm 1980 (lúc này tôi đang là Phó Chủ nhiệm uỷ ban Khoa học Xã hội). Trong một lần được gọi lên làm việc, sau lúc đã xong công việc, đồng chí Trường Chinh hỏi tôi: Anh có ý kiến như thế nào về quan điểm làm chủ tập thể?

    Thoạt đầu tôi trả lời một cách chung chung: Thưa anh, Báo cáo chính trị tại Đại hội IV đã trình bày đầy đủ về vấn đề này, đồng chí Lê Duẩn và nhiều cán bộ nghiên cứu đã viết, đã nói về vấn đề này, Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, trong mấy năm nay đều xem đây là một trong những bài giảng quan trọng nhất...

    Nghe tôi nói xong, đồng chí Trường Chinh mỉm cười và ôn tồn nói: Những điều đó tôi đã biết cả. Nhưng tôi muốn biết ý kiến của cá nhân đồng chí với tư cách là một người nghiên cứu, mà lại nghiên cứu về triết học. Cứ nói một cách thẳng thắn, thoải mái ý nghĩ thật của mình không có gì phải ngại...

    Được lời như cởi tấm lòng và thế là tôi đã trình bày với đồng chí tất cả những suy nghĩ, băn khoăn của mình lâu nay về vấn đề làm chủ tập thể.

    Đồng chí chăm chú lắng nghe. Nghe xong đồng chí nói: Đúng là còn nhiều mặt, nhiều khía cạnh cần được nghiên cứu sâu hơn. Các đồng chí tiếp tục nghiên cứu thêm để đóng góp với Đảng.

    Trong Báo cáo chính trị trình bày ở Đại hội VI, đồng chí Trường Chinh đã nói: "Thái độ của Đảng ta trong việc đánh giá tình hình là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Đây là một kết luận, một bài học rất cơ bản, luôn luôn có ý nghĩa thời sự đối với Đảng cầm quyền.

    Bác Hồ trước kia vẫn thường căn dặn cán bộ lãnh đạo "Đừng để cho bọn vu vơ bưng bít sự thật". Trong dịp đi về các địa phương để thâm nhập, xem xét tình hình cụ thể, lắng nghe, trao đổi ý kiến với cán bộ và quần chúng bình thường, đồng chí đi đến một nhận định: "Chúng ta đang ở trong tình trạng nói dối phổ biến, nhưng không ai tự nhận mình nói dối cả".

    Bưng bít sự thật, che giấu khuyết điểm làm cho dân xa Đảng, đường lối, chủ trương của Đảng không giải quyết đúng những vấn đề bức thiết của quần chúng, làm cho khẩu hiệu "Lấy dân làm gốc" chỉ còn là một ngôn từ mỉa mai, lừa bịp.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com