Phạm Như Cương
(Tiếp theo)
Từ năm 1957, sau khi đi học ở Trường Đảng Cao cấp Trung Quốc về, tôi được Ban Bí thư điều về công tác ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương, được phân công làm tổ trưởng bộ môn Triết học Mác-Lênin, đến năm 1959 thì được bổ nhiệm chính thức làm Trưởng khoa Triết học khi Trường Nguyễn Ái Quốc chuyển từ việc dạy các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về đường lối, chính sách sang mở các lớp học dài hạn (18 tháng) về các bộ môn cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin với sự giúp đỡ của các giáo sư Liên Xô, Trung Quốc. Trong những lần gặp gỡ làm việc với cán bộ nhà trường, bao giờ đồng chí Trường Chinh cũng nhắc nhở cần tranh thủ học tập các giáo sư hai nước bạn để sớm tiến đến tự đảm nhiệm được việc giảng dạy, cần thực hiện tốt phương châm liên hệ lý luận với thực tế trong giảng dạy, khuyến khích các học viên dùng lý luận tiếp thu được để tổng kết thực tế công tác, khuyến khích đội ngũ giảng dạy của nhà trường (lúc này chủ yếu còn làm công tác phụ đạo, trợ giảng) coi trọng việc tập dượt nghiên cứu khoa học.
Năm 1964, sau khi đi học ở Trường Đảng Cao cấp Liên Xô về, tôi được Ban Bí thư Trung ương Đảng cử làm Viện trưởng Viện Triết học. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, mới mẻ đối với tôi, nhất là trong tình hình quan hệ giữa các đảng cộng sản và trong phong trào cộng sản quốc tế hồi đó và tác động của tình hình đó vào nội bộ Đảng ta và đội ngũ cán bộ. Việc đầu tiên quan trọng nhất mà tôi phải làm là xác định rõ phương hướng chính trị - tư tưởng và phương hướng hoạt động khoa học của Viện lúc đó. Nhận lời mời của Viện, đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Trường Chinh đã đến phát biểu, cho những ý kiến chỉ đạo. Theo phong cách làm việc của mình, đồng chí Trường Chinh đã chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng bài nói của mình từ nội dung, kết cấu đến văn phong, ngôn ngữ. Bài nói về sau đã được đăng trên Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng Sản).
Năm 1968 tôi được đồng chí yêu cầu giúp việc, chuẩn bị cho việc viết bài Đời đời nhớ ơn Các Mác và đi theo con đường Các Mác đã vạch ra. Những đồng chí đã quen giúp đồng chí viết cười bảo tôi: "Giúp cụ viết không dễ đâu nhé. Cụ đòi hỏi sự chuẩn xác, chặt chẽ không chỉ trong ý tứ, cấu trúc, mà cả trong văn phong, ngôn ngữ, cụ chữa từng dấu chấm, dấu phẩy, từng gạch nối đấy".
Có thể không ít người cho rằng đấy là một sự cẩn trọng quá mức cần thiết. Nhưng xét vấn đề một cách nghiêm túc về thái độ trách nhiệm của người viết đối với độc giả thì đây là một thái độ mẫu mực mà mỗi chúng ta cần học tập. Ta biết các bản thảo của Mác đã được sửa đi sửa lại nhiều lần, lúc Mác còn sống mới xuất bản được Phần I bộ Tư bản, còn Phần II, Phần III chỉ được xuất bản sau nhiều năm với sự sửa chữa, biên tập của Ăngghen.
Bản Di chúc của Hồ Chủ tịch được khởi thảo lần đầu tiên vào tháng 5-1965, và trong những năm còn lại cứ đến tháng năm, Người lại sửa chữa, viết thêm. Trong hồi ký của mình, đồng chí Vũ Kỳ (Thư ký riêng của Hồ Chủ tịch) cho chúng ta biết là Bác Hồ đã suy nghĩ về việc này từ đầu những năm 1960, sau khi đi dự Hội nghị đại biểu các đảng cộng sản và công nhân quốc tế từ Mátxcơva trở về.
Dĩ nhiên, hai trường hợp trên đây ở Các Mác và Bác Hồ là những ngoại lệ về những bản thảo cực kỳ quan trọng, nhưng thái độ cẩn trọng của đồng chí Trường Chinh trong khi viết là điều chúng ta cần và có thể học tập được.
Phần tôi tham gia viết bản thảo bài Đời đời nhớ ơn Các Mác và đi theo con đường Các Mác đã vạch ra đã được sửa chữa khá nhiều. Qua việc sửa chữa của đồng chí, tôi đã học tập được nhiều điều bổ ích ở một cây bút thực sự là bậc thầy trong văn chính luận và viết về lý luận. Phải thành thật nhận rằng cho cả đến ngày nay không phải bao giờ tôi cũng đã thực hiện được nghiêm túc bài học của đồng chí Trường Chinh, thường đổ lỗi cho khách quan "vì mình quá bận, công việc quá nhiều". Đây là một khuyết điểm cần phấn đấu khắc phục.
Nhưng sẽ là một sai lầm nếu cho rằng đồng chí Trường Chinh chỉ quen "dạy dỗ, sửa người". Là một người có tri thức uyên bác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, một người lãnh đạo có tầm nhìn vừa bao quát, vừa sâu sắc, đồng chí đồng thời là một người khiêm tốn, biết lắng nghe ý kiến của người khác, kể cả của cấp dưới và những người giúp việc cho mình.
Trong bài viết của Trần Thanh in trong cuốn Trường Chinh và cách mạng Việt Nam có những đoạn viết rất hay về phẩm chất này của đồng chí Trường Chinh:
Đồng chí thường nói với những người cùng làm việc: "Vấn đề này mình chưa rõ, nói cho mình nghe", "vấn đề này mình chưa đọc, đọc giúp mình", hoặc "xem lại hộ mình ý kiến này của Mác để hiểu cho thật chính xác"; nhất là câu nói sau đây của đồng chí: "Nếu người lãnh đạo có khi nào đó không tỉnh thì những người trợ thủ không được đam mê. Anh em hãy thẳng thắn nêu ý kiến, chúng ta cần trao đổi. Nếu ngại, sợ không dám nói thì không giúp được cho lãnh đạo".
(Còn nữa)