Phạm Như Cương
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đi vào lịch sử với tư cách người mở đường khai lối, người thầy, lãnh tụ vĩ đại của Đảng và của dân tộc, người mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Người là linh hồn, là biểu tượng cho tinh hoa, khí phách của dân tộc Việt Nam. Nhân dân thế giới kính trọng, yêu quý Người như một vĩ nhân của nhân loại.
Người đã đào tạo, dẫn dắt, rèn luyện, hình thành nên một đội ngũ những học trò, những chiến hữu xuất sắc cùng với Người chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt mọi thác ghềnh, bão tố đi đến bến bờ thắng lợi.
Trong số những học trò và chiến hữu đó, theo tôi, có hai người là đồng chí Trường Chinh và đồng chí Lê Duẩn xứng đáng được xem là những người có đóng góp ở tầm kiến trúc sư tham gia cùng với Hồ Chí Minh xây dựng quan điểm lý luận, đường lối cách mạng của Đảng ta.
Vào dịp kỷ niệm lần thứ 95 ngày sinh của đồng chí Trường Chinh, tôi muốn ghi lại đây một số suy nghĩ, cảm nhận của cá nhân.
Tôi không thuộc những cán bộ được trực tiếp dìu dắt và làm việc nhiều với đồng chí Trường Chinh. Sự tiếp xúc (gián tiếp) đầu tiên của tôi với đồng chí Trường Chinh là vào tháng 4-1945 khi hoạt động trong Việt Minh bí mật ở Đô Lương. Là một thanh niên học sinh đã tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học, bỏ dở bậc tú tài, nên ngoài phần công tác, dự một số buổi huấn luyện về chủ nghĩa cộng sản sơ giản của các đồng chí đàn anh là tù chính trị Buôn Ma Thuột, Lao Bảo về, tôi có dịp được đọc một số văn kiện, sách báo lý luận, trong đó có bài Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ, Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Theo phân công của đồng chí Nguyễn Trung Lục (hồi đó là Chủ nhiệm Việt Minh bí mật của phủ Anh Sơn, trong đó có tổng Đô Lương) tôi chép tay một số bản hai văn kiện đó để chuyển cho một số hội viên khác.
Với trình độ chính trị và vốn hiểu biết về lý luận hầu như chưa có gì, khi đọc cuốn Chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản tôi chỉ hiểu láng máng một số câu chữ, thực chất là chưa hiểu gì. Đọc hai bài của đồng chí Trường Chinh, liên hệ với những điều mình được tai nghe mắt thấy hồi còn học ở Trường Quốc học Huế, ở Trường Văn Lang khi ra Hà Nội học bậc tú tài và ở Đô Lương, nơi có một số nhân viên và binh lính Nhật điều hành việc thu thóc và canh giữ các kho thóc, tôi được sáng rõ ra nhiều điều về thời cuộc và có sự khâm phục sâu sắc về cách viết sắc sảo, đanh thép, sát đúng với thực tế của tác giả.
Vốn liếng lý luận chính trị được trang bị, đặc biệt là hai bài của đồng chí Trường Chinh, đã giúp ích tôi rất nhiều khi được cử làm diễn giả của Việt Minh trong cuộc mít tinh có tuần hành vũ trang đầu tiên trong thời kỳ tiền khởi nghĩa ở sân vận động Đô Lương.
Sau Cách mạng Tháng Tám, khi còn công tác ở địa phương tôi có dịp đọc nhiều hơn các bài viết của đồng chí Trường Chinh trên báo của Đảng, của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Văn phong chính luận chặt chẽ, khúc chiết, kết hợp lý luận với thực tiễn một cách sinh động cuốn hút lý trí và tình cảm của người đọc đã khiến tôi tiếp thu một cách dễ dàng những vấn đề được trình bày. Chưa được gặp mặt, chưa được dự một lớp huấn luyện nào có đồng chí đến giảng, nhưng thực tế đồng chí đã là người thầy quan trọng nhất khai tâm cho tôi những hiểu biết cơ bản đầu tiên về lý luận cách mạng Việt Nam, tạo ra ở tôi sự hứng thú đi vào đọc những sách báo lý luận.
Tháng 3-1946, tôi thôi công tác ở địa phương, vào bộ đội làm công tác chính trị trong quân đội. Lúc đã trưởng thành, là cán bộ chính trị cấp tiểu đoàn, rồi trung đoàn, vào những năm 1949, 1952 từ chiến trường Bình Trị Thiên tôi ra học lớp cán bộ trung cao ngắn hạn do Bộ Tổng tư lệnh tổ chức ở Việt Bắc. Ở mỗi lớp học, ngoài đồng chí Võ Nguyên Giáp, đều có Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh đến thăm, nói chuyện và giải thích thêm cho lớp học về đường lối kháng chiến kiến quốc. Đối với những cán bộ ở những chiến trường từ Bình Trị Thiên trở vào, những dịp hiếm hoi được ra Việt Bắc học tập, được gặp Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước là một niềm vinh dự và vui sướng đặc biệt. Đây là lần đầu tiên tôi được gặp Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh, được trực tiếp nghe đồng chí nói chuyện trong lớp học. Vóc người nhỏ nhắn, thanh tao trong bộ quần áo màu nâu gụ, vầng trán cao, đôi mắt sáng, giọng nói nhỏ và ấm áp, miệng luôn tươi cười, dáng đi khoan thai, đồng chí vừa khuyến khích anh em học viên nêu câu hỏi để căn cứ vào đó mà giảng giải, phân tích cho sát hợp. Khi ở trong chiến trường, mỗi chỉ thị, nghị quyết từ Trung ương gửi vào là một tư liệu quý. Chúng tôi đều tổ chức học tập, nghiên cứu kỹ lưỡng để có sự vận dụng thích hợp. Nay được nghe Bác và đồng chí Trường Chinh trực tiếp nói chuyện, giảng dạy chúng tôi chăm chú nghe, ghi chép cẩn thận để rồi khi trở về còn truyền đạt cho anh em.
Hai lớp học ở Việt Bắc, đặc biệt là những lời huấn thị của Bác Hồ, bài giảng của đồng chí Trường Chinh và đồng chí Võ Nguyên Giáp đã giúp chúng tôi hiểu sâu sắc hơn, có những thu hoạch mới mẻ về những điều đã đọc trước đây trong tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi.
(Còn nữa)