Đinh Nho Liêm
Đầu năm 1947, lúc kháng chiến còn gay go, đang là uỷ viên Thường vụ tỉnh Hà Tĩnh, tôi được điều động lên Việt Bắc, công tác ở Văn phòng Trung ương, trực tiếp làm thư ký riêng cho đồng chí Tổng Bí thư. Văn phòng Trung ương do đồng chí Lê Văn Lương phụ trách, gọn nhẹ, sẵn sàng di chuyển nhanh, cả vào đêm lúc cần. Bộ phận giúp đồng chí Trường Chinh có năm người: đồng chí Yên Bình, nay là bác sĩ chuyên khoa tim mạch, đồng chí Bảy, cấp dưỡng (đã mất), đồng chí Lương, liên lạc, một đồng chí bảo vệ và tôi. Chúng tôi cùng đồng chí Trường Chinh ở chung một nhà sàn, mỗi người một góc. Thức ăn là rau cơm độn sắn. Mùa rét đắp chăn sui, nằm gần bếp lửa. Đúng như thơ Tố Hữu:
"Thương nhau, chia củ sắn lùi,
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng".
Mua được con gà, con vịt, đồng chí Bảy làm ruốc bông hay kho mặn để thủ trưởng ăn dần, vì đồng chí bị bệnh đường ruột, nhưng thường đồng chí chia cho anh em cùng ăn, mặc dù mọi người can ngăn. Thật đúng với chữ "Nhân" mà đồng chí lấy làm bí danh.
Tháng 3-1947, từ thực tiễn những ngày đầu kháng chiến, tham khảo kinh nghiệm các nước đã kháng chiến, đồng chí Trường Chinh viết một loạt bài về kháng chiến theo đặc điểm cụ thể của Việt Nam. Tôi được đồng chí giao cho sắp xếp lại thành chương mục, để chuẩn bị in thành sách. Sau này quyển Kháng chiến nhất định thắng lợi ra đời, làm kim chỉ nam cho kháng chiến trong cả nước. Nửa cuối năm 1947, khi thực dân Pháp đánh lên Việt - Bắc, đồng chí soạn thảo Chỉ thị "Chúng ta hãy phá tan cuộc tấn công Thu - Đông của giặc Pháp". Đồng chí nêu chủ đề, những ý chính về âm mưu địch, chủ trương của ta, các biện pháp cần thiết. Tôi chấp bút, đồng chí sửa lại rất công phu, nội dung súc tích, lời văn mạch lạc, rõ ràng, chính tả cẩn thận, đúng như bí danh sau này của đồng chí "Thận". Có đoạn văn đanh thép, thành chân lý: "Con đường đã vạch. Phải tự tin ở mình. Muốn tự do, độc lập phải kiên quyết kháng chiến". Sau khi các đồng chí trong Thường vụ Trung ương và Bác đã thông qua thành văn bản chính thức, đồng chí Yên Bình đánh máy. Tự đồng chí sửa một bản, giao cho tôi theo bản đó mà sửa mấy chục bản khác. Tôi không phấn khởi lắm với việc làm này, đề nghị để đồng chí Yên Bình sửa và nói: "Ở tỉnh, công việc tôi làm khác, không bao giờ phải sửa bản đánh máy". Đồng chí nghiêm khắc nói: "Anh không rõ tầm quan trọng của việc sửa chính xác các bản chỉ thị này để gửi các ngành, các liên khu. Sai một ly đi một dặm". Sau đó, đồng chí đã động viên tôi, nói rõ càng làm càng tiến bộ, đồng chí đã thân ái, giúp tôi yên tâm làm việc. Sau này, tôi vận dụng bài học đó trong việc viết các văn kiện ngoại giao.
Sau khi thực dân Pháp thất bại trong cuộc tấn công mùa đông 1947, công việc của đồng chí bao gồm nhiều lĩnh vực hơn. Có thêm các đồng chí Xuân Trường, Thép Mới, Quang Đạm, v.v.,về giúp đồng chí Trường Chinh. Đầu năm 1948, do tôi bị sốt rét và kiết lỵ, nên Thường vụ Trung ương cho về Hà Tĩnh công tác. Một năm công tác, giúp việc đồng chí Trường Chinh, làm cho tôi tiến bộ nhiều về năng lực, về tác phong cẩn thận, về đạo đức công tác.
*
Năm 1982, được bầu là Uỷ viên Trung ương tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng và được cử làm Đại sứ ở Liên Xô, tôi có nhiều dịp gặp đồng chí trong hoàn cảnh mới. Mỗi lần tôi về nước, đồng chí gọi đến yêu cầu tôi báo cáo kỹ thuận lợi và khó khăn của bạn, những vấn đề bạn đang phải giải quyết. Lúc bấy giờ, đồng chí căn dặn tôi làm tốt việc tranh thủ Liên Xô giúp ta xăng dầu, sắt thép, phân bón, lương thực, v.v., và phải chân thành cảm ơn bạn. Đồng chí cùng Bộ Chính trị tập trung suy nghĩ để đưa nước ta ra khỏi khó khăn, đánh lùi từng bước âm mưu của địch nhằm cô lập và bao vây Việt Nam.
Trong các năm 1982, 1984 và 1985, đồng chí được Bộ Chính trị cử đi dự lễ tang của ba Tổng Bí thư Liên Xô: Brêgiơnép, Anđrôpốp, Trécnencô. Tôi đứng sau đồng chí, tại Hồng trường. Tuyết rơi lả tả, thỉnh thoảng đồng chí lại cất mũ khi cử nhạc tang, đồng chí tỏ rõ sức chịu đựng của một nhà lãnh đạo đã trên 75 tuổi, đại diện xứng đáng cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, đem tình cảm sâu đậm và chân tình chia buồn với nhân dân và Đảng Cộng sản Liên Xô. Trong các dịp đó, đồng chí gặp gỡ một số người đứng đầu các nước và các Đảng, trao đổi và biết thêm nhiều điều bổ ích. Năm 1986, sau khi đồng chí Lê Duẩn qua đời, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí sang Liên Xô hai lần: thăm chính thức và dự Hội nghị các vị đứng đầu Hội đồng Tương trợ kinh tế. Những cuộc đi thăm và dự Hội nghị ấy làm cho đồng chí thấy được Liên Xô và các nước Đông Âu cũng đang tìm cách thoát khỏi khó khăn về kinh tế. Những buổi đẹp trời, đồng chí bảo tôi và một vài đồng chí khác cùng dạo trong vườn ở biệt thự 57 trên đồi Lênin. Đồng chí nêu vấn đề để cùng suy nghĩ và trao đổi. Trung Quốc đang cải cách, Liên Xô bắt đầu cải tổ do đồng chí Anđrôpốp đề xướng. Việt Nam rút kinh nghiệm, nhưng làm gì cho phù hợp với tình hình cụ thể của nước ta? Đồng chí lại căn dặn tôi, từ địa bàn Liên Xô và nhìn rộng ra, cần làm gì về ngoại giao để đưa nước ta ra khỏi thế bị cô lập và bao vây. Trong buổi đồng chí nói chuyện với các sinh viên, nghiên cứu sinh, cán bộ các ngành của Việt Nam tại Hội trường Đại học Lômônôxốp, mọi người thấm thía những lời tâm huyết, mong sao nước ta sớm ra khỏi khủng hoảng và ghi nhớ lời khuyên của đồng chí cố gắng học để về nước đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc.
Từ đòi hỏi của thực tiễn và do cá nhân đồng chí suy nghĩ lâu dài, sâu sắc, đã hình thành quan điểm về đổi mới, được thể hiện trong Báo cáo chính trị do đồng chí trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng ngày 15-12-1986. Báo cáo có những đoạn mở đầu cho phong cách mới và khởi động cho đổi mới: "Thái độ của Đảng ta trong việc đánh giá tình hình là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật". "Để tăng cường sức chiến đấu và năng lực tổ chức thực tiễn của mình, Đảng phải đổi mới về nhiều mặt: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo".
Nghị quyết Đại hội VI của Đảng được thông qua trên cơ sở Báo cáo chính trị là một mốc son chói lọi trong tiến trình cách mạng của Đảng. Đó là kết quả tập thể, nhưng công lao lớn là thuộc về đồng chí Trường Chinh. Với ý thức trách nhiệm cao, đồng chí đã suy nghĩ nhiều năm, kết hợp thực tiễn nước ta với tình hình quốc tế, từ hoạt động ở trong nước đến những chuyến đi ra nước ngoài. May mắn thay cho tôi được làm nhân chứng của những sự kiện lịch sử đó.
Trong đầu óc của nhà lãnh đạo lâu năm, trên gốc cây đại thụ bắt rễ khá sâu, mọc lên chồi xanh tươi của đổi mới. Từ hoạt động bí mật, qua Cách mạng Tháng Tám đến đổi mới, qua hơn 40 năm có lúc gay go, phức tạp, trí tuệ Trường Chinh đã phát triển lên tầm cao và sâu, giải đáp yêu cầu cách mạng lúc hiểm nghèo và nguyện vọng tha thiết của nhân dân.
Tuy bận rộn trăm công nghìn việc, đồng chí vẫn nhớ cho tôi hai cuốn Tuyển tập Trường Chinh và về Văn hoá - Nghệ thuật, với lời nói chân tình: "Đây là kỷ niệm các thời kỳ anh gắn bó thuỷ chung với tôi, dù bất cứ hoàn cảnh nào!".
Mấy chục năm qua, tôi cố gắng học những đức tính của nhà lãnh đạo xuất sắc, một trong những học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng đường lối cách mạng và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối đó. Một con người cần, kiệm, liêm chính, nhân, trí, dũng, sở dĩ tôi được như ngày nay, là do tự rèn luyện và học tập các đồng chí lãnh đạo, trong đó có đồng chí Trường Chinh mà tôi biết ơn suốt đời. Hình ảnh sáng ngời của đồng chí mãi mãi ghi sâu trong tâm trí tôi!