[links()]
Trần Lâm
(tiếp theo)
Đồng chí Trường Chinh thường phân tích cặn kẽ mọi khía cạnh của một vấn đề, kết hợp lý luận với thực tiễn, trình bày ý kiến một cách khúc chiết, nhiệt tình, lôi cuốn người nghe, vấn đề phức tạp mấy cũng trở thành mạch lạc, sáng sủa, đầy tính thuyết phục. Mỗi lần nghe đồng chí nói chuyện tôi đều tiếp nhận được một bài học sâu sắc, trí tuệ được mở mang.
Về vấn đề Đảng ta chủ động tuyên bố tự giải tán, lập Hội những người nghiên cứu chủ nghĩa Mác, đồng chí đã phân tích tình thế lúc bấy giờ, so sánh lực lượng giữa ta và địch, phân tích âm mưu của chúng quyết tâm lợi dụng tư cách là đại diện của Đồng minh để thực hiện kế hoạch thâm độc "cầm Hồ - diệt Cộng" (bắt giữ Hồ Chí Minh, tiêu diệt cộng sản). Tất cả những hành động giết người, cướp của, bắt cóc, hãm hiếp của bọn quân thổ phi và những luận điệu khiêu khích của bọn "Việt Quốc", "Việt Cách", đều nhằm thúc đẩy ta ra tay trấn áp, để tạo cớ cho Mỹ, Tưởng can thiệp lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh, thay thế bằng một chính phủ bù nhìn, biến nước ta thành một quốc gia phụ thuộc vào Tàu Tưởng và chủ của nó là Hoa Kỳ. Đồng chí Trường Chinh phân tích lập trường bất di bất dịch của Đảng là ta phải giữ cho kỳ được độc lập, tự do, bảo vệ cho kỳ được chính quyền nhân dân còn non trẻ. Nhưng so sánh lực lượng chưa cho phép ta đương đầu trực diện, cần phải vận dụng sách lược hết sức mềm dẻo để tranh thủ hoà hoãn, nhằm có thời gian củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang, tạm lùi một bước để tiến hai bước.
Chính trong bối cảnh ngàn cân treo sợi tóc như vậy mà Thường vụ Trung ương Đảng, theo đề nghị của Bác Hồ, đã ra một quyết định cực kỳ dũng cảm, cực kỳ sáng tạo là Đảng Cộng sản Đông Dương chủ động tuyên bố tự giải tán. Đây là né tránh mũi nhọn tấn công của địch. Đảng lại rút vào bí mật, vẫn tồn tại, vẫn phát triển không ngừng, vẫn lãnh đạo cách mạng cả nước trong tình hình nước sôi lửa bỏng. Sự phân tích tường tận của đồng chí Tổng Bí thư đối với tôi là một bài học đầu tiên vô cùng sâu sắc về vận dụng phương pháp duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cách mạng Việt Nam. Từ sự phân tích trên, tôi rất thông suốt việc Quốc hội ta chấp nhận bổ sung 70 đại biểu không qua cuộc bầu cử ngày 6-1-1946, chấp nhận Nguyễn Hải Thần, lãnh tụ của "Việt Cách" làm Phó Chủ tịch nước, Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh, hai lãnh tụ của "Việt Quốc", làm Bộ trưởng trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Tuy vậy, đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với đại diện Chính phủ Pháp ở Hà Nội bản Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, tôi và các cộng sự lại hoang mang. Chỉ sau khi được nghe đồng chí Trường Chinh giải thích, chúng tôi mới thật sự yên tâm. Đồng chí Tổng Bí thư vận dụng sách lược lợi dụng mâu thuẫn giữa hai kẻ thù để giải thích vấn đề cực kỳ phức tạp và khó hiểu này. Lập trường nguyên tắc của ta vẫn bất di bất dịch là bảo vệ cho kỳ được nền độc lập, tự do và chính quyền nhân dân non trẻ, kéo dài thời gian hoà hoãn bằng Hiệp định sơ bộ 6-3 để xây dựng lực lượng, nhằm khi cần thiết thì đương đầu trực diện với kẻ thù. Nhưng chúng ta không thể cùng một lúc đánh cả hai kẻ thù bằng hai nắm đấm. Phải khôn khéo dùng kẻ thù nọ đuổi kẻ thù kia, để cuối cùng chỉ còn một thì ta mới tập trung cả hai nắm đấm đối phó được.
Thế thì "chọn" kẻ thù nào ở lại? Bác Hồ và Thường vụ Trung ương Đảng đã phân tích: Quân Tưởng rất đông ở giáp biên giới, kéo sang nước ta cả triệu quân cũng không khó. Chúng chỉ ăn thôi dân ta cũng sẽ lại chết đói như cuối năm 1944 - đầu năm 1945; đằng sau quân Tưởng là Hoa Kỳ - cả hai bọn này đối với dân ta đều chưa lộ chân tướng là kẻ thù như thực dân Pháp.
Còn quân Pháp thì sao?
Quân viễn chinh Pháp tuy hiện đại hơn quân Tưởng, không ô hợp như quân Tưởng, nhưng chúng có những nhược điểm rõ ràng: số lượng có hạn, phải vận chuyển từ cách xa ta cả vạn dặm; là một đạo quân chiến bại, đất nước vừa thoát khỏi ách chiếm đóng của phát xít Đức nhiều năm; hơn nữa nhân dân ta vốn đã căm thù thực dân Pháp đến tận xương tuỷ, không ai mơ hồ về bộ mặt của chúng.
Chính vì vậy mà ta "chọn" quân Pháp ở lại để dễ đối phó sau này là thượng sách! Ký với Pháp Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 chính là một chủ trương vô cùng sáng tạo. Quả nhiên khi quân Pháp từ miền Nam kéo ra, sắp cập bến Hải Phòng thì quân Tưởng đã nổ súng đánh chặn. Nhưng cuộc xung đột không kéo dài: Pháp, Mỹ, Tưởng dàn xếp với nhau ở Trùng Khánh, ký với nhau một Hiệp định rút quân Lư Hán về Trung Quốc để tập trung sức chống Đảng Cộng sản Trung Quốc, quân Pháp được ở lại miền Bắc Việt Nam theo Hiệp định sơ bộ 6-3-1946.
Thế là ta tranh thủ được thêm thời gian để củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố và mở rộng các khu căn cứ ở vùng rừng núi để đề phòng bất trắc. Bản thân tôi cũng nhận được chỉ thị của Bộ Quốc phòng chuẩn bị các phương án sơ tán Đài Tiếng nói Việt Nam ra ngoài Thủ đô để phòng nổ ra chiến tranh với quân viễn chinh Pháp.
Sự phân tích của đồng chí Trường Chinh giúp cho chúng tôi nhận thức được vấn đề sáng tỏ như ban ngày, không còn gì vướng mắc trong tư tưởng.
Hai chục vạn quân thổ phỉ của Lư Hán rút đi, cuốn theo luôn cả bọn tay sai "Việt Quốc", "Việt Cách" của chúng. Thủ đô thở nhẹ nhõm hơn trước một chút. Nhưng quân Pháp lại đưa bọn tay sai của chúng tiếp quản những trụ sở và các công cụ phá hoại của bọn tay sai của Lư Hán. Pháp và bọn tay sai lại đi theo vết xe đổ của bọn quân Tưởng, lại chuẩn bị âm mưu lật đổ Chính phủ ta.
(Còn nữa)