Trần Lâm
Là người phụ trách Đài Tiếng nói Việt Nam từ ngày thành lập tháng 9-1945 cho đến khi nghỉ hưu tháng 6-1988, tôi đã có nhiều dịp tiếp xúc với đồng chí Trường Chinh trong các cuộc hội nghị, các cuộc họp giao ban công tác tuyên huấn, hoặc qua các cuộc gặp riêng để xin chỉ thị. Mỗi lần được nghe đồng chí trình bày một bản báo cáo, giải thích những thắc mắc nổi cộm về thời cuộc, hoặc cho chỉ thị về một công tác khó khăn, phức tạp, cũng như nghe đồng chí nhận xét, phê bình một cách thân ái và cặn kẽ, tôi đều thấy tâm trí sáng ra, tư tưởng thông suốt, tinh thần phấn chấn, tự tin hơn. Và cứ như thế tôi đã trưởng thành từng bước qua từng thời kỳ cách mạng. Đồng chí đã để lại trong tôi biết bao nhiêu là kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên.
Trong bài này, tôi chỉ xin ghi lại một số sự kiện theo thứ tự thời gian, gắn với từng thời kỳ cách mạng từ ngày thành lập nước tháng 9-1945 cho đến những ngày đầu của thời kỳ Đổi mới năm 1986.
Có thể nói, đối với những người làm công tác tư tưởng không có thời kỳ nào có nhiều sự kiện dồn dập, phức tạp, nóng bỏng, khó hiểu, khó giải thích đối với nhân dân và cán bộ như thời kỳ từ tháng 9-1945 đến ngày 19-12-1946, ngày bắt đầu toàn quốc kháng chiến. Trong thời kỳ này, nhân dân miền Nam đã nhất tề đứng lên cầm súng chiến đấu chống thực dân Pháp, phong trào tình nguyện "Nam tiến" diễn ra rầm rộ lôi cuốn hàng chục vạn thanh niên miền Bắc; phái đoàn Đồng minh gồm đại diện của Hoa Kỳ cùng 20 vạn quân của Tưởng Giới Thạch do tướng Lư Hán chỉ huy vào Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, với sứ mệnh tước vũ khí quân đội phátxít Nhật. Nhưng Mỹ và Lư Hán tung bọn tay sai mà chúng đã nuôi dưỡng ở Hoa Nam, đem theo vào Việt Nam, để thực hiện kế hoạch lật đổ Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Chính quyền nhân dân vừa thành lập, nền độc lập, tự do của nước ta chông chênh như chuông treo chỉ mành.
Giữa lúc ấy, vào tháng 11-1945, Đảng Cộng sản Đông Dương chủ động tuyên bố tự giải tán. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với Quốc hội đầu tiên chấp nhận 70 đại biểu "Việt Quốc", "Việt Cách" làm đại biểu Quốc hội không qua cuộc bầu cử ngày 6-1-1946. Trong Chính phủ mới có thêm Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch nước, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh làm Bộ trưởng Ngoại giao và Đặc uỷ viên của Hội đồng các Bộ trưởng... Chưa hết, Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với đại diện Chính phủ Pháp là Xanhtơny chấp nhận cho Pháp đưa 15 nghìn quân từ miền Nam ra đóng ở miền Bắc, rồi phái đoàn Chính phủ ta do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang Pháp đàm phán để hoàn chỉnh Hiệp định sơ bộ 6-3. Cuộc đàm phán thất bại, phái đoàn Chính phủ ta về nước, chỉ còn một mình Chủ tịch Hồ Chí Minh ở lại tiếp tục làm khách danh dự đặc biệt của Tổng thống Pháp...
Ai cũng lo lắng cho rằng đây là âm mưu của Chính phủ Pháp cầm chân Chủ tịch Hồ Chí Minh để trong nước gặp khó khăn. Tình hình căng thẳng đến cực độ. Mỗi sự kiện đều đòi hỏi có sự giải thích. Lúc ấy bản thân tôi, là người trực tiếp phụ trách một công cụ tuyên truyền quan trọng của Đảng và Chính phủ là Đài Tiếng nói Việt Nam, cũng có nhiều vướng mắc trong tư tưởng. Sau này, nhìn lại quãng thời gian ấy tôi càng thấy ảnh hưởng của Bác Hồ và của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, đối với tôi thật là to lớn, giúp cho tôi hoàn thành được nhiệm vụ.
Đối với những vấn đề hóc búa, Bác Hồ thường dùng một câu chuyện trong điển tích hoặc một câu châm ngôn trong đời thường để tháo gỡ một cách rất thần tình những vướng mắc trong nhận thức tư tưởng của cán bộ và nhân dân.
Thí dụ: Có lần tôi và ba cán bộ cốt cán của Bộ Tuyên truyền và của Đài Tiếng nói Việt Nam không thể chịu đựng được tình trạng công an ta không can thiệp để bịt miệng bọn "Việt Quốc" và "Việt Cách" hàng ngày dùng loa phóng thanh đặt tại trụ sở của chúng và trên xe lưu động chạy khắp các phố vu cáo, chửi bới Việt Minh cộng sản, xúc phạm cả Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chúng tôi nói với anh Hoàng Hữu Nam, thư ký của Bác, để xin phép được gặp Bác. Chủ tịch Hồ Chí Minh hẹn sang. Khi ngồi yên vị, tôi báo cáo tình hình nói trên và tâm tư của chúng tôi. Bác liền cầm một chiếc gạt tàn thuốc lá ở trên bàn đưa cho anh Hoàng Tuấn ngồi bên cạnh, rồi vừa chỉ chiếc lọ hoa rất đẹp trên bệ lò sưởi vừa nói: Giả thử có con chuột bò trên miệng chiếc bình kia cháu có ném cái này để đuổi chuột không?
Thưa Bác không ạ, chúng tôi đồng thanh trả lời.
Tại sao vậy?
Thưa Bác vì sợ vỡ cái bình ạ.
Đúng, Bác lại nói ôn tồn, cái bình là độc lập, tự do của Tổ quốc ta, còn con chuột là lũ Việt gian, bán nước các cháu vừa nói rồi đấy.
Rồi Bác lại hỏi: Có cháu nào biết tích truyện Việt Vương Câu Tiễn khôi phục nước Việt bị Ngô Phù Sai chiếm đoạt không? Thử kể Bác nghe. Tôi kể vắn tắt chuyện Câu Tiễn bị Phù Sai bắt làm nô lệ, nhẫn nhục hầu hạ Phù Sai có lần phải nếm phân chủ để được chủ tin cậy, tạo cơ hội để rửa hận. Cuối cùng Câu Tiễn đã diệt được nước Ngô Phù Sai, khôi phục được nước Việt.
Bác khen kể đúng, rồi hỏi: Thế các cháu đã thông chưa?
Thưa Bác thông rồi ạ!
Tất cả câu chuyện diễn ra không quá 15 phút.
Đó là cách giải quyết tư tưởng của Bác Hồ, cách giáo dục cán bộ của Bác, cách nói chuyện thân mật mà có sức truyền cảm, sức thuyết phục kỳ lạ.
(Còn nữa)