Đồng chí Trường Chinh - Nhà yêu nước lớn, nhà lý luận, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta (kỳ 3)

06:05, 22/05/2018

Nguyễn Duy Quý

(tiếp theo)

    Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, dưới ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh cùng với Trung ương Đảng đã có những chủ trương đúng đắn nhằm lãnh đạo quân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp xâm lược. Tác phẩm nổi tiếng và có ý nghĩa quan trọng của đồng chí Trường Chinh là Kháng chiến nhất định thắng lợi và báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam đọc tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951) đã trình bày một cách biện chứng về con đường phát triển của cách mạng Việt Nam, con đường giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên xã hội chủ nghĩa. Hai tác phẩm quan trọng trên đây còn nêu lên những quan điểm về cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ là nền tảng xây dựng lý luận về chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.

Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh thông báo kết quả kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa III tại cuộc họp báo ngày 25-9-1969.
Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh thông báo kết quả kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa III tại cuộc họp báo ngày 25-9-1969.

    Những đóng góp xuất sắc của đồng chí Trường Chinh trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám 1945 và kháng chiến chống Pháp được Đảng ta đánh giá rất cao. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định: "Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng từ năm 1941, cùng với Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, đồng chí đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, nhất là trong những bước ngoặt của cách mạng, vai trò của đồng chí nổi bật như một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa cuộc Cách mạng Tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng".

    Trong thời kỳ đất nước ta thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trên cương vị là Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Trường Chinh lại có những đóng góp to lớn vào việc chuẩn bị và đưa ra các chủ trương chiến lược lớn, lãnh đạo quân dân ta bảo vệ vững chắc miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đồng chí đã nêu lên những dự kiến sáng suốt về chiều hướng phát triển của cuộc chiến tranh cách mạng của quân dân ta: Phải có những đòn tiêu diệt chiến lược lớn như Điện Biên Phủ, và cũng chỉ cần vài ba đòn như vậy kẻ địch sẽ sụp đổ ngay. Phải nắm chắc quyền chủ động, đánh vào những chỗ buộc địch phải đổ. Sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã giành được thắng lợi vẻ vang vào mùa xuân năm 1975.

    Đất nước thống nhất, đồng chí Trường Chinh tiếp tục có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

    Không chỉ là một chiến sĩ cách mạng, một nhà lãnh đạo Đảng xuất sắc, đồng chí Trường Chinh đồng thời là một người hoạt động nhà nước giàu kinh nghiệm. Đồng chí có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng nhà nước kiểu mới của nhân dân ta, một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đồng chí là thành viên của Uỷ ban dự thảo Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 và là Chủ tịch Uỷ ban dự thảo Hiến pháp năm 1980. Trên cương vị là Chủ tịch uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí đã tham gia chỉ đạo xây dựng nhiều đạo luật quan trọng của Nhà nước ta.

    Hoạt động chỉ đạo thực tiễn vô cùng phong phú của đồng chí Trường Chinh được gắn bó chặt chẽ với hoạt động lý luận xuất sắc của Đảng, có những cống hiến nổi bật, đặc biệt trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân với những tác phẩm lý luận vô cùng quan trọng về khởi nghĩa giành chính quyền, về chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, về xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất, đoàn kết toàn dân, thêm bạn bớt thù, về công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước, v.v.. Có thể nêu lên ở đây hàng loạt tác phẩm vừa mang tính lý luận, vừa mang tính thực tiễn có giá trị như: Chống chủ nghĩa cải lương (1935), Vấn đề dân cày (viết chung với đồng chí Võ Nguyên Giáp (1937-1938), Chính sách đổi mới của Đảng (1941), Chiến tranh Thái Bình Dương và cách mạng dân tộc ở Đông Dương (1942), Học tập chủ nghĩa Mác-Lênin và đấu tranh tư tưởng để chiến thắng (1950), Hồ Chủ tịch - Lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam (1965), Đời đời nhớ ơn Các Mác và đi theo con đường Các Mác đã vạch ra (1969), Nắm vững ba bài học lớn để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược (1986)...

    Trong các tác phẩm lý luận của mình, đồng chí Trường Chinh luôn nhấn mạnh yêu cầu phải vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam để từ đó định ra đường lối chiến lược và sách lược của Đảng ta. Trong tác phẩm Đời đời nhớ ơn Các Mác và đi theo con đường Các Mác đã vạch ra, đồng chí Trường Chinh đã vạch rõ mối quan hệ khăng khít giữa cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đồng chí nêu rõ: "Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa là hai chiến lược cách mạng nằm trên hai quá trình phát triển khác nhau, nhưng quá trình sau nối tiếp quá trình trước một cách không đứt đoạn, thậm chí giao kết với nhau một cách chặt chẽ, ví dụ: có nhiệm vụ của giai đoạn sau đã bắt nguồn từ giai đoạn trước và có nhiệm vụ của giai đoạn trước sang giai đoạn sau mới có thể hoàn thành. Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là tiền đề của cách mang xã hội chủ nghĩa và cách mạng xã hội chủ nghĩa là sự phát triển tất yếu của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân".

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com