Đồng chí Trường Chinh - Nhà yêu nước lớn, nhà lý luận, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta (kỳ 1)

06:05, 15/05/2018

Nguyễn Duy Quý

    Đồng chí Trường Chinh là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta, nhà lý luận, nhà chính trị, nhà văn hóa đã có công lao to lớn trong suốt chặng đường cách mạng vẻ vang hơn nửa thế kỷ qua.

    Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9-2-1907 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định trong một gia đình trí thức yêu nước có nền nếp.

    Đồng chí tham gia phong trào yêu nước từ rất sớm, khi còn là học sinh tại Nam Định. Năm 1925, anh thanh niên yêu nước Đặng Xuân Khu tham gia cuộc vận động đòi đế quốc Pháp "ân xá" nhà yêu nước Phan Bội Châu và năm 1926 là một trong những người lãnh đạo cuộc bãi khóa để truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Vì các hoạt động yêu nước này, đồng chí bị thực dân Pháp đuổi học. Đồng chí lên Hà Nội học Trường Cao đẳng Thương mại.

    Năm 1927, đồng chí Trường Chinh gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập vào năm 1925, là tổ chức yêu nước và cách mạng đầu tiên ở nước ta, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau đó, đồng chí tham gia cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương ở Bắc Kỳ. Năm 1930, đồng chí được chỉ định vào Ban Tuyên truyền cổ động của Trung ương Đảng. Ngay sau đó, đồng chí bị địch bắt và kết án đày đi Sơn La.

    Cuối năm 1936, với thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp và trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ, kiên quyết chống đàn áp, khủng bố của nhân dân ta, thực dân Pháp buộc phải trả lại tự do cho đồng chí cùng nhiều đồng chí khác. Ra khỏi nhà tù, đồng chí Trường Chinh lại hăng say hoạt động cách mạng. Từ cuối năm 1936 đến năm 1939, đồng chí hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp ở Hà Nội, là uỷ viên Xứ ủy Bắc Kỳ và đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương trong uỷ ban Mặt trận Dân chủ Bắc Kỳ.

    Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, trước sự khủng bố dã man của kẻ thù, đồng chí chuyển vào hoạt động bí mật. Năm 1940, đồng chí là chủ bút báo Giải Phóng, cơ quan của Xứ ủy Bắc Kỳ.

    Cũng ngay từ năm 1940, đồng chí Trường Chinh đã có sáng kiến xây dựng một khu an toàn gần ngoại thành Hà Nội cùng một số huyện thuộc Bắc Ninh, Hà Đông, Phúc Yên, Bắc Giang, Thái Nguyên. Đây là một sáng kiến rất kịp thời nhằm xây dựng và phát triển lực lượng và cơ sở cách mạng, giúp cho nhiều cán bộ có chỗ đứng chân rất an toàn, có thể ra vào nội thành Hà Nội chỉ đạo công tác, gặp gỡ cán bộ, nhân sĩ, kể cả những người Pháp chống phát xít...

    Tại Hội nghị lần thứ bảy của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 11-1940), đồng chí Trường Chinh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được cử làm Quyền Tổng Bí thư của Đảng.

    Sau khi được cử làm Quyền Tổng Bí thư, đồng chí Trường Chinh cử các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt đi các nơi xây dựng lại tổ chức cách mạng, tổ chức Đội du kích Bắc Sơn, đi Nam Bộ và Trung Bộ chắp nối liên lạc, cử người sang Trung Quốc đón đồng chí Nguyễn Ái Quốc về nước...

    Tháng 5-1941, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám họp tại Pắc Bó, do đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đại biểu của Quốc tế Cộng sản triệu tập và chủ trì với sự tham dự của các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên, Hoàng Quốc Việt cùng một số đại biểu của Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ và đại biểu hoạt động ở nước ngoài. Tại Hội nghị này, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Đồng chí cũng kiêm nhiệm Trưởng ban Tuyên huấn, chủ bút báo Cờ Giải Phóng và Tạp chí Cộng sản - Cơ quan Trung ương của Đảng, và Trưởng ban Công vận Trung ương...

    Tại Hội nghị này, lần đầu tiên đồng chí Trường Chinh được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, người mà từ lâu đồng chí hằng ngưỡng mộ. Chính qua các hoạt động yêu nước của Nguyễn Ái Quốc, qua tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và qua nghiên cứu tác phẩm Đường cách mệnh của Nguyễn Ái Quốc mà đồng chí Trường Chinh, như nhiều nhà cách mạng cùng thời khác, đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và trở thành người cộng sản.

    Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 5-1941) đánh dấu sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết và trước hết. Hội nghị đề ra việc thành lập Mặt trận Việt Minh và xây dựng căn cứ địa cách mạng. Hội nghị bầu ra Ban Chấp hành Trung ương và Tổng Bí thư Đảng. Quyết định những nội dung ấy, Hội nghị đã tạo nên bước chuyển biến lớn: xác định con đường đưa cách mạng cả nước tiếp tục tiến lên, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho cuộc tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, giành độc lập, tự do cho đất nước.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com