Dù là thương binh nặng loại 1/4, một phần cơ thể anh đã “nằm” lại chiến trường nhưng với ý chí và nghị lực của người lính năm xưa, anh Vũ Đức Trọng ở xóm 1, xã Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) đã vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho nhiều lao động, trở thành một điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương.
Anh Vũ Đức Trọng, xóm 1, xã Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng), giới thiệu sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ cho khách hàng. |
Năm 1984, theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh Trọng lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở chiến trường phía Bắc, thuộc đơn vị trinh sát, đại đội 20, tiểu đoàn 52, Sư đoàn 337, Quân khu 1. Đầu năm 1987, trong một lần đi trinh sát nắm tình hình địch ở đường biên, bị trúng pháo kích của địch, anh bị mất một chân, chân còn lại bị dập gãy, đầu bị một mảnh đạn pháo găm vào. Anh được đồng đội cứu chữa, đưa xuống tuyến sau rồi chuyển về điều trị tại Đoàn an dưỡng ở Phủ Lý (Hà Nam). Phục viên, anh trở về quê hương với thương tật hạng 1/4. Những ngày “trái gió, trở trời” vết thương tái phát, đi lại khó khăn, nhưng với tinh thần và ý chí vươn lên, anh học nghề sửa chữa xe máy, xe đạp, rồi chuyển qua kinh doanh, buôn bán. Cuộc sống có nhiều lúc khó khăn, thăng trầm, anh vẫn không nản chí. Sửa chữa xe máy, xe đạp thì chỉ đủ ăn chứ không làm giàu được, anh bàn với vợ vay thêm vốn để đầu tư kinh doanh, buôn bán xe máy, từ đó kinh tế gia đình bắt đầu ổn định và có thu nhập. Năm 2005, nhận thấy mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ đang trên đà phát triển, anh lại bôn ba tìm học nghề mộc, rồi mở xưởng chế biến đồ gỗ. Chia sẻ với chúng tôi, anh Trọng cho biết: “Khi xác định đến với nghề mộc mỹ nghệ, tôi cũng trăn trở mãi. Người ta bảo “một nghề mà chín còn hơn chín nghề”, nhưng tôi nghĩ khác, nếu cứ tự thỏa mãn, bằng lòng với chính mình trong khi cuộc sống luôn luôn thay đổi thì dễ ỷ lại, sinh lười biếng”. Với ý nghĩ đó, anh luôn trau dồi, học hỏi kinh nghiệm và tìm tòi con đường làm giàu cho riêng mình. Anh Trọng chia sẻ: “Mặt hàng đồ gỗ ít chịu sự cạnh tranh trên thị trường. Các công đoạn làm ra sản phẩm khá tỉ mỉ nhưng không khắt khe về công nghệ, máy móc, trong khi nhu cầu sử dụng lại rất cần thiết như bộ bàn ăn, bàn trà, giường, tủ. Đó cũng chính là những thuận lợi để tôi quyết định gây dựng cơ sở sản xuất đồ mộc dân dụng, mỹ nghệ tại quê nhà”. Cơ sở của anh chuyên sản xuất các mặt hàng gỗ, mỹ nghệ như bàn, tủ, giường, sập, đồ thờ, đồ gỗ nội thất… với các chất liệu từ gỗ chò, gỗ hương, mun, trắc, cẩm… Trải qua nhiều năm tự học hỏi, anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật, mẫu mã, thông tin thị trường về các mặt hàng. Cái duyên với nghề mộc mỹ nghệ cũng đã theo anh hơn chục năm qua và đã mang lại doanh thu cho gia đình anh hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập 4,5-7 triệu đồng/người/tháng. Xưởng sản xuất làm ăn hiệu quả, có uy tín, nhiều khách hàng tìm đến với các đơn hàng lớn. Trước nhu cầu phát triển, anh đã tuyển thêm nhiều lao động và thành lập Cty Dịch vụ tổng hợp Đức Trọng với số vốn hàng tỷ đồng. Đến nay thị trường tiêu thụ của Cty đã vươn xa đến các vùng miền trong cả nước. Hiện, ngoài các cửa hàng ở xã Nghĩa Tân, gia đình anh đã mở thêm được 5 cửa hàng đồ gỗ nội thất ở các địa phương trong huyện như khu Đông Bình, Thị trấn Rạng Đông, Thị trấn Liễu Đề và cả một văn phòng đại diện tại Đồng Kỵ (Thuận Thành, Bắc Ninh). Doanh thu của Cty cũng tăng trưởng theo cấp số nhân. Riêng năm 2017, doanh thu của Cty đạt mức gần 16 tỷ đồng. Không chỉ chú trọng đầu tư phát triển sản xuất, trong thời gian qua, Cty do anh Trọng làm chủ luôn quan tâm đảm bảo đầy đủ lợi ích cho người lao động, tạo động lực và sự gắn bó lâu dài giữa lao động với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Cty của gia đình anh đã tích cực đóng góp, ủng hộ cho các phong trào, quỹ vì người nghèo, khuyến học, khuyến tài, các chương trình an sinh xã hội của địa phương.
Với những nỗ lực vượt lên khó khăn, hoàn cảnh để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho bản thân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương, anh Vũ Đức Trọng luôn khắc ghi lời dạy của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế”./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn