Qua những chặng đường (kỳ 1)

06:04, 05/04/2018

Nguyễn Thị Thập

    … Đảng chuẩn bị cho tất cả đại biểu Quốc hội chúng tôi trở về Nam. Hầu hết là cán bộ Đảng, có một số ít là nhân sĩ. Trung ương cũng đang chuẩn bị để Bác sang Pháp dự Hội nghị Phôngtennơblô. Trước khi phái đoàn Chính phủ ta sang hội nghị, phong trào kháng chiến ở Nam Bộ phải mạnh, có khí thế để làm áp lực chính trị. Nhiệm vụ của chúng tôi là khi về phải xây dựng cơ sở quần chúng trong vùng địch, chuẩn bị chiến đấu lâu dài.

    Anh Trường Chinh mở một khóa huấn luyện ngắn, cấp tốc trong 15 ngày, để củng cố lập trường tư tưởng và trang bị lý luận cho các đại biểu đảng viên. Trên gác một ngôi nhà ở phố Hàng Bồ, chúng tôi ngồi quanh một chiếc bàn dài, hơn mười người. Vẫn mẫu mực và sôi nổi, có phần còn hơn lần trước tôi được gặp anh, anh Trường Chinh nói về các chính sách, đường lối của Đảng và các chủ trương mới. Giọng rõ ràng, khúc chiết, anh nói đến đâu chúng tôi nghe thấm thía đến đó, có chỗ anh nói đi nói lại, nhấn mạnh điểm này điểm kia để anh em lĩnh hội đầy đủ, chắc chắn hơn. Mỗi ngày, anh đến nói với chúng tôi bốn tiếng đồng hồ, có hôm nói liên tục không nghỉ giải lao, xong anh lại đi làm việc. Tôi cố tập trung chú ý nghe, không hề dám lơi lỏng để sót một lời nào. Phải nghe, thuộc nắm thật chắc các vấn đề, từ nét chính yếu đến chi tiết chứ không được chép tay, ghi vào sổ mang đi.

    Ở Nam Bộ vẫn còn nhiều khó khăn, Đảng bộ cần phải thống nhất. Anh Trường Chinh mắt có vẻ buồn, nhưng giọng vẫn rắn rỏi cương quyết: "Đánh thắng Pháp, Mặt trận phải mạnh, phải vững!". Thường vụ Trung ương chỉ định một ban gọi là "Ban củng cố Đảng bộ Nam Bộ", gồm các anh Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Nguyễn, Hoàng Minh Châu và tôi. Anh Lê Duẩn, anh Phạm Hùng và anh Nguyễn Văn Nguyễn còn đang ở trong miền Nam. Trước khi chúng tôi về, anh Trường Chinh có viết "Bức thư kêu gọi các đồng chí Đảng bộ Nam Bộ", gửi cho các tỉnh ủy, để chúng tôi cầm về đấy đọc và giấy giới thiệu các đồng chí có trách nhiệm Trung ương giao để củng cố Đảng bộ Nam Bộ. Bấy giờ anh Trường Chinh ký bí danh là Nhân.

    Tôi về khoảng thời gian Bác Hồ chuẩn bị sang Pháp dự Hội nghị Phôngtennơblô. Chúng tôi phải về gấp để xây dựng lại cơ sở, củng cố Đảng, chính quyền và mặt trận... Các tổ chức quần chúng của ta ở miền Nam phải mạnh để làm áp lực đấu tranh.

    Anh Hoàng Minh Châu và anh Huệ đi trước, chờ tôi trong Quảng Ngãi. Tôi và Hồng Châu đi sau, tất cả đều đi bằng tàu hỏa. Chúng tôi vào đến ga Chí Thanh, vì Pháp đánh ra gần đến, đường sắt không đi được. Chúng tôi đi bằng xe ngựa chở theo hai thùng tài liệu, đi khoảng 4 km có một rặng núi dài, dưới chân núi có một ngôi miếu. Chúng tôi vào miếu ở nhờ mấy hôm, chờ Huyện ủy liên hệ để tổ chức đưa vào ủy ban kháng chiến Nam phần Việt Nam đóng ở Quảng Ngãi.

    Trong khi nằm chờ, chúng tôi kết hợp với phụ nữ huyện, huấn luyện các chị em ở xã. Trường ở bên kia chiếc cầu sắt cao, và dài khoảng 30 - 40m (đường qua cầu này đi thẳng xuống bến Đáp Cầu), buổi trưa gió từ hướng núi trong đất liền thổi ra biển rất mạnh, muốn đi qua cầu phải vịn lan can lần từng bước mới qua được. Mỗi ngày chúng tôi phải đi về bốn lượt ngang qua cầu ấy để giúp các chị em. Buổi sáng, trước khi vào lớp đều có chào cờ, hát Quốc ca, hát bài Chiêu hồn tử sĩ, không khí rất trang nghiêm và thiêng liêng. Chúng tôi nói về vai trò người phụ nữ trong cuộc kháng chiến, kể cho chị em nghe về những điều mắt thấy tai nghe, kinh nghiệm học hỏi được ở miền Bắc, v.v.. Độ mười ngày, có lệnh tiếp tục đi. Chúng tôi thuê hai chiếc xe ngựa chở hai thùng đồ. Ai chở được thì ăn tiền, chứ đây không phải là làm nghĩa vụ dân công. Đường sá từ đấy vào Quảng Ngãi chúng tôi không rành. Còn khoảng 4 - 5km nữa, thì cả hai người đánh xe đều đòi trở về, không đi nữa.

    Chắc họ đòi ăn tiền thêm! Hồng Châu bảo tôi.

    Tôi hỏi ra mới biết trước đây có chuyện tiếp vận cho bộ đội, cho ủy ban lôi thôi sao đó, giờ họ sợ chúng tôi không trả thêm tiền, tôi bèn nói:

    Tôi chở đồ này vào cho ủy ban kháng chiến Nam phần. Các anh đã lấy một trăm đồng rồi. Bây giờ không đi nữa, bỏ xuống đây mất, tôi điện vào các anh phải chịu trách nhiệm!

    Họ lại đánh xe tiếp tục đi.

    Tôi ở lại Quảng Ngãi chờ ủy ban thuê hộ thuyền. Gặp anh Hoàng Quốc Việt vào giúp đỡ cho uỷ ban kháng chiến Nam phần và cả anh Thanh Sơn từ Nam Bộ ra, cũng có chân trong ủy ban. Anh Đào Văn Trường từ Nam Bộ ra, mở một lớp huấn luyện cho 30 học viên thanh niên, trong đó có độ mươi chị em đều là con gái, học sinh 18-20 tuổi rất khỏe mạnh, làm công tác cứu thương, liên lạc, hậu cầu. Các đồng chí có mời tôi và Hồng Châu tham gia đến giảng bài với chị em, khoảng từ mươi hôm đến nửa tháng.

    Bọn Pháp từ trong Nam đã tiến ra đánh chiếm Tuy Hòa, vượt lên Quy Nhơn, đến Tam Quan, Sa Huỳnh, Đức Phổ sắp sửa tấn công Quảng Ngãi.

    Ủy ban đã tìm được thuyền, nhận đưa chúng tôi về Nam Bộ. Một chiếc thuyền to, có mui. Tôi và Hồng Châu, anh Hoàng Minh Châu, anh Nguyễn Văn Huệ và hai người chủ thuyền. Họ bảo:

    Lên đường được rồi. Nhưng phải có một số tiền lẻ, để lo lót cho bọn tàu tuần hoặc các trạm gác địch dọc đường. Phải chuẩn bị trước, biết đâu gặp lúc rủi ro. Giấy 500 đồng, mình nên đổi ra giấy 100, 50 đồng...

(còn nữa)

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com