Theo giới thiệu của cán bộ ngành Giao thông, chúng tôi tìm gặp ông Trần Quang Tuấn ở xóm 5, xã Xuân Trung (Xuân Trường), người đã tham gia nhiều chuyến vận chuyển hàng hóa đường thủy chi viện cho tiền tuyến trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Lắng nghe những hồi ức của ông, chúng tôi xúc động trước sự kiên cường, quả cảm của các cán bộ, chiến sĩ giao thông vận tải với những đóng góp phi thường, góp phần cùng quân, dân cả nước giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Ông Trần Quang Tuấn, xóm 5, xã Xuân Trung (Xuân Trường) cùng vợ ôn lại kỷ niệm tham gia vận chuyển hàng hóa chi viện cho tiền tuyến trong kháng chiến chống Mỹ. |
Cuối năm 1965, ngoài các phương tiện vận tải đường bộ, ngành GTVT tỉnh đã huy động tối đa nhân lực và tàu thuyền tham gia tuyến vận chuyển hàng bằng đường thủy đầu tiên vào Khu 4. Lúc này ông Tuấn mới 17 tuổi, là thuyền viên của HTX Vận tải Quang Trung. Nhiệt huyết tuổi trẻ hòa cùng khí thế sục sôi chi viện cho miền Nam ruột thịt của nhân dân miền Bắc đã thôi thúc ông hăng hái đăng ký tham gia đoàn. Để vận chuyển hàng vào Khu 4, thuyền phải đi theo kênh Nhà Lê, tuyến đường thủy độc đạo dài 500km. Thời điểm này các thuyền chở hàng chi viện còn rất nhỏ, thuyền lớn nhất tải trọng chỉ 20 tấn, trang thiết bị thô sơ, không có mui che, trong khi máy bay địch thường xuyên săn lùng, vãi bom đạn đánh phá để tiêu diệt các mục tiêu trên suốt tuyến đường. Trên tuyến đường thủy nội tỉnh địch cũng thường xuyên dùng máy bay, tàu chiến thả các loại bom bi, bom phá, bom từ trường, thuỷ lôi, bom nổ chậm vào các bến cảng, nhất là Cảng Nam Định và các tuyến sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ nhằm triệt phá các kho hàng bến bãi, ngăn chặn các đoàn vận tải. Khi tham gia các chuyến vận chuyển hàng chi viện cho tiền tuyến ông Tuấn đã trực tiếp đối mặt với nhiều trận bom đạn ác liệt, trong đó có không ít chuyến mà thuyền của ông và các thuyền trong đội bị trúng bom địch, nhiều thuyền viên hy sinh. Như chuyến đi đầu năm 1966, khi đoàn thuyền của HTX Quang Trung vào tới kênh De, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa thì địch thả bom trúng một thuyền làm 3 thuyền viên chết tại chỗ; hoặc cũng trong năm 1966, sau khi hoàn tất chuyển hàng, trở về tới địa phận cầu Cao (Trực Ninh) đoàn thuyền của HTX lại bị địch vãi bom làm chết 3 thuyền viên. Năm 1971 khi thuyền của ông vận chuyển hàng chi viện vào tới địa phận xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa thì bị địch thả bom làm chết thuyền viên Trần Phú Luân… Bản thân ông, dù may mắn thoát chết nhưng do sức ép của nhiều trận bom đạn nên sức khỏe cũng bị ảnh hưởng, trên người ông hiện vẫn còn vết thương của bom bi. Tuy luôn phải đối mặt với bom đạn nhưng do được lãnh đạo Ty GTVT, chủ nhiệm HTX vận tải Quang Trung và Bí thư Đoàn Thanh niên của Ty GTVT thường xuyên động viên nên tất cả các thuyền viên của HTX vận tải Quang Trung đều mưu trí, dũng cảm, sắp xếp hàng hóa, lương thực làm hầm ẩn trú; tranh thủ đi ban đêm để đẩy nhanh tiến độ vận chuyển và tránh trú bom địch để hoàn thành nhiệm vụ chuyển hàng hóa chi viện cho tiền tuyến. Là địa phương có ngành vận tải thủy nội địa phát triển mạnh, sớm nên không chỉ có HTX vận tải Quang Trung mà tỉnh ta còn nhiều đội tàu, HTX vận tải thủy tích cực tham gia các đợt vận chuyển hàng hóa phục vụ cho tiền tuyến. Tiêu biểu như các tổ thuyền của các HTX Trần Phú, Kim Thanh trên đường đi Khu 4 khi tới Hàm Rồng bị máy bay địch bắn phá ác liệt, các thuyền viên đã bình tĩnh, dũng cảm bảo vệ an toàn phương tiện và hàng hoá. Các tổ thuyền số 2 của HTX Xuân Hải, số 1 của HTX Tháng Tám, các tổ thuyền của HTX Thống Nhất, Hồng Quang 19 lần vận chuyển cho tiền tuyến, dưới mưa bom bão đạn nhưng vẫn bảo vệ đưa hàng hoá an toàn tới đích.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai của đế quốc Mỹ, sau khi đã đánh phá một số cầu đường sắt, cầu đường bộ, địch dùng bom từ trường phong toả các cửa sông, các nút vận chuyển đường sông quan trọng. Cùng với việc đánh vào các mục tiêu GTVT, máy bay địch săn lùng các đoàn xe, tàu thuyền vận tải trên đường chở hàng, không tiếc vãi bom đạn để đánh phá khi phát hiện mục tiêu. Khi địch đã cắt được nhiều đoạn đường sắt quan trọng, vận tải đường bộ bị hạn chế, những tuyến sông Hồng, sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ trở thành luồng vận chuyển chủ yếu của nhiều tỉnh trên miền Bắc. Cùng với vận tải đường bộ, các đoàn thuyền của tỉnh ta thời kỳ này đều bị địch đánh phá nhiều trận, nhiều phương tiện bị hư hỏng hoặc bị phá huỷ, nhiều xã viên hy sinh hoặc bị thương. Nhận thức rõ nhiệm vụ vận chuyển hàng vào kịp Khu 4 có tầm quan trọng đặc biệt đối với chiến trường, mặc dù bom đạn của địch dội xuống ác liệt nhưng các HTX và các thuyền viên vẫn vững vàng, vượt gian khổ, hy sinh thực hiện nhiệm vụ đảm bảo vận chuyển kịp thời vật tư, khí tài, lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến. Khối lượng vận chuyển hàng hoá bằng đường sông giai đoạn này chiếm 85% tổng khối lượng hàng hóa tỉnh chi viện cho miền Nam. Tổ thuyền của HTX Quang Trung mưu trí dũng cảm đưa phương tiện vượt qua thuỷ lôi, đưa hàng tới đích đầy đủ, an toàn. Tổ thuyền 5 HTX Thanh Phú trong một chuyến hàng bị địch đánh gẫy cột buồm ở Hàm Rồng đã tìm mọi cách đưa thuyền đến nơi trả hàng chu đáo rồi nhanh chóng trở về sửa chữa phương tiện để tiếp tục đi chuyến khác... Trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, ngành GTVT tỉnh đã động viên và phát huy tinh thần dũng cảm của cán bộ, công nhân lao động trong ngành phát huy truyền thống đoàn kết, kiên cường trên mặt trận vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam, đáp ứng yêu cầu của cách mạng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Ông Trần Quang Tuấn vẫn tâm niệm rằng chính tinh thần kiên cường, dũng cảm được tôi luyện trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu giúp ông có được hành trang tinh thần quan trọng để tham gia công cuộc lao động xây dựng gia đình, kiến thiết quê hương hôm nay./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy