Nguyễn Văn Trân
(tiếp theo)
Đồng chí Trường Chinh đã họp với Xứ ủy chủ trương tổ chức các liên tỉnh A, B, C, D rồi giao cho từng đồng chí xứ ủy viên về trực tiếp từng tỉnh để gây dựng cho được các cơ quan chỉ đạo cho từng tỉnh trong liên tỉnh.
Đồng chí Trường Chinh đã viết bài Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ, phân tích tình hình mâu thuẫn Nhật - Pháp sắp đến ngày nổ ra. Từ tinh thần hướng dẫn đó, Xứ ủy thúc đẩy các cuộc đấu tranh của quần chúng trong công nhân, nhất là ở nông thôn chống thu thuế, tiến lên phá kho thóc của Nhật để cứu đói.
Khẩu hiệu "Chuẩn bị khởi nghĩa" đã đưa khí thế cách mạng nhanh chóng tràn ngập khắp nơi.
Mặt trận Việt Minh đã bí mật thành lập, tổ chức các "Ủy ban giải phóng'', "Tự vệ vũ trang''.
Đồng chí Trường Chinh còn giao cho Xứ ủy giúp Tổng bộ Việt Minh, vận động các nhà tư sản góp quỹ để chuẩn bị khởi nghĩa. Đặc biệt, Xứ ủy tìm cơ sở để tổ chức sản xuất vũ khí ở xã Long Khảm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh do đồng chí Ngô Gia Khảm, và đồng chí Nguyễn Văn Xuân, sau này là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, sản xuất được nhiều lựu đạn, mìn...
Trong lúc ở thành phố Hà Nội Việt Minh đang lan rộng thì kẻ địch cũng tăng cường bọn mật thám bắt bớ khủng bố. Đồng chí Trường Chinh đã chỉ thị cho Xứ ủy và Thành ủy cần phải răn đe bọn chúng để đưa phong trào lên, không để chúng cản trở, phá hoại.
Đội “Danh dự” của Thành ủy và Xứ ủy ra đời đã xử lý mấy tên đầu sỏ mật thám người Việt (có tên phán Sinh là thanh tra mật thám). Sau các vụ này phong trào Hà Nội càng lên mạnh, nhất là trong thanh niên, học sinh, sinh viên, phụ nữ.
Có một chủ trương vừa sáng suốt vừa táo bạo của đồng chí Trường Chinh lúc ấy là: tình thế càng gấp rút thì cơ quan lãnh đạo càng phải ở sát với địch để kịp thời nắm bắt những động thái của địch mà quyết định thời cơ. Vì thế phải chọn ngay một số cán bộ tốt, tổ chức ra "Công tác đội" và liên hệ những cơ sở tốt ở cả nội thành và ngoại thành để tổ chức ra "An toàn khu" làm nơi đi lại, ăn ở và làm việc cho các đồng chí lãnh đạo. Và để cho "An toàn khu" (ATK) được hoạt động dễ dàng, những nơi ấy tạm thời chưa tổ chức đấu tranh công khai của quần chúng.
Sang đầu năm 1945 tình thế càng sôi sục, đồng chí Trường Chinh đã chuẩn bị một cuộc họp của Thường vụ Trung ương để xem xét tình hình. Lúc ấy có một vài đồng chí trong Thường vụ đi công tác xa không về kịp. Đồng chí Trường Chinh quyết định họp và triệu tập Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ dự, gọi là cuộc họp Thường vụ Trung ương mở rộng.
"Công tác đội" đã bố trí hai địa điểm: một chính thức, một dự bị. Hội nghị được triệu tập họp tối 9-3-1945 tại địa điểm chính thức - chùa làng Đồng Kỵ, xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn. Vị sư chùa này là người có cảm tình với cách mạng. Ngôi chùa ở đầu làng, chung quanh chùa là cánh đồng, rất tiện đi, đến và canh gác. Mọi người đã đến đủ, vừa cơm nước xong, sắp sửa họp thì anh em canh gác báo động: có tên chức dịch trong làng ra dòm ngó, đi quanh chùa.
Đề phòng có chuyện bất trắc, anh Trường Chinh quyết định rút về địa điểm dự bị ở làng Đình Bảng cách đó khoảng 2km. Mọi người vừa đi ra cánh đồng cách chùa Đồng Kỵ hơn 1km thì thấy phía Hà Nội sáng rực và tiếng súng liên thanh liên tiếp nổ (làng Đình Bảng cách Hà Nội 15km đường chim bay). Mọi người reo lên: "Nhật - Pháp bắn nhau rồi". Thế là bài báo Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ là đúng rồi. Về đến địa điểm dự bị là họp ngay trong đêm ấy và cả ngày hôm sau. Cuộc họp đã phân tích tình hình kẻ địch, phong trào quần chúng, chỗ mạnh chỗ yếu của mỗi bên, và quyết định phải giành lấy thời cơ, phải dùng bạo lực của quần chúng vũ trang cướp chính quyền, tùy điều kiện cụ thể của từng nơi, không chờ toàn quốc.
Tinh thần đó thể hiện trong bản Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, trong nghị quyết của Hội nghị. Chỉ thị này không phải là mệnh lệnh khởi nghĩa, nhưng nó đã chỉ rõ những việc phải làm và những điều kiện có thể làm để cướp chính quyền về tay nhân dân. Nhờ có Chỉ thị này, các cán bộ ở các địa phương đều nắm được chủ trương và phương hướng hoạt động, đến khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, thì các địa phương đã tiến hành cách mạng rất nhanh gọn.
(còn nữa)