Nguyễn Văn Trân
Đầu những năm 1930, tôi từ nhà quê ra Hà Nội học nghề thợ in và làm ở nhiều tờ báo. Là một thanh niên, đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với báo chí.
Sau vụ Khởi nghĩa Yên Bái thất bại, đế quốc Pháp khủng bố, bắt bớ nhiều người yêu nước đưa ra xử trước tòa "áo đen", "áo đỏ" - Tòa án Đại hình. Báo chí đăng nhiều tin tức, chỉ được gọi là "Hội kín". Nhiều người bị kết án "khổ sai", "cầm cố", "tử hình". Tôi đã được xem chúng xử tử các chiến sĩ yêu nước trên máy chém trước cửa Nhà tù Hỏa Lò. Những sự kiện ấy đã gieo vào lòng mọi người sự căm thù, uất ức.
Trong những năm học việc và làm thợ tôi sống với anh em công nhân một đời sống khổ cực: làm việc mỗi ngày 10-11 giờ, luôn bị cúp phạt và bị đuổi. Có nhiều cuộc đấu tranh bãi công. Có nhiều người được giác ngộ như anh Nguyễn Kim Linh, Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Văn Chất đã gần gũi tôi, tuyên truyền và cho xem các tài liệu, chủ yếu là nói về sự khổ cực của công nhân, sự áp bức bóc lột của tư bản và đế quốc.
Năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp thắng lợi, có chính sách tiến bộ, nhiều đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và những người yêu nước bị đày ải trong các nhà tù được thả ra. Họ lại hăng hái hoạt động.
Những năm 1936-1939, Đảng đã lãnh đạo phong trào dân chủ rất sôi nổi trong toàn quốc. Trong đó phong trào do báo chí của Đảng xuất bản công khai đóng vai trò quan trọng.
Trong số chiến sĩ cộng sản được ra tù có đồng chí Trường Chinh ở Nhà ngục Sơn La về hoạt động ở Hà Nội. Đồng chí chỉ đạo phong trào báo chí, nhưng giữ bí mật, còn mặt công khai thì do các đồng chí khác như Trần Huy Liệu, Trần Đình Long, Nguyễn Văn Phúc, Phan Thanh, Phan Bôi, v.v…
Trải qua những cuộc đấu tranh trong các nhà máy, có ba công nhân nhà in là: Nguyễn Văn Trân, Nghiêm Kình, Nguyễn Văn Lâm được đồng chí Lương Khánh Thiện, Xứ ủy kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội giới thiệu đi dự một lớp huấn luyện.
Lớp này mở vào các buổi tối tại nhà vợ đồng chí Lương Khánh Thiện ở phố Hàng Than, ngay đầu dốc. Lớp chỉ có ba thanh niên chúng tôi. Thầy giảng bài là đồng chí Trường Chinh. Chương trình huấn luyện là: Cách mạng thổ địa.
Chúng tôi là công nhân, nhưng đều là gốc từ nông dân mà ra, nên cũng dễ dàng tiếp thu những cảnh nghèo khổ và nguyện vọng của nông dân.
Bài học đồng chí truyền đạt cho chúng tôi qua lời nói truyền cảm đơn giản: nông dân bị ba tầng áp bức, bóc lột, đời sống bần cùng, nhưng có vị trí to lớn, là đội quân chủ lực của cách mạng. Giai cấp công nhân có vị trí lãnh đạo cách mạng, nhưng nếu không đoàn kết, tổ chức và phát động được lực lượng giai cấp nông dân thì cách mạng không thể thành công.
Chúng tôi thấm thía: đây chính là chiến lược cách mạng của nước ta. Tôi còn được đọc một tập sách nhỏ vấn đề dân cày của đồng tác giả Qua Ninh và Vân Đình. Cuốn sách này đã khảo sát sâu sắc đời sống nông dân và khẳng định vai trò cách mạng của nông dân Việt Nam. Hai tác giả này chính là bút danh của đồng chí Trường Chinh và đồng chí Võ Nguyên Giáp.
Đó chính là bài học ban đầu đồng chí Trường Chinh đã dạy chúng tôi, làm cho tôi không bao giờ quên trên suốt quãng đời hoạt động của mình.
Những năm phong trào công khai có hai sự việc đáng nhớ:
Các nhà văn, nhà báo tranh luận về nghệ thuật: Một bên có quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật. Một bên có quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh.
Nghệ thuật vị nghệ thuật thực chất là để thoát ly thực tế cuộc sống, trốn tránh đấu tranh xã hội, mà cũng là để thoát ly sự lãnh đạo của Đảng.
Nghệ thuật vị nhân sinh là quan điểm của các đồng chí cộng sản để hướng công tác văn nghệ, báo chí phục vụ quần chúng.
Vấn đề nghệ thuật không phải là lĩnh vực riêng của các nhà văn, nhà báo, nên có lần đồng chí Trường Chinh đã gặp gỡ công nhân để nói rõ vấn đề này. Bây giờ thì dễ hiểu, nhưng vào thời gian lúc ấy, chúng tôi cũng thấy thích thú khi được đồng chí Trường Chinh giải thích trúng với ý nguyện của anh em công nhân là báo chí phải tranh đấu cho quyền lợi của thợ thuyền.
Vấn đề Đệ tam và Đệ tứ: Trong cuộc đấu tranh của công nhân luôn được các đồng chí cộng sản đến tuyên truyền, lãnh đạo. Đồng thời, cũng có một số người đến tuyên truyền, tự gọi là những người Đệ tứ - trốtkít. Những người này thường đưa ra những khẩu hiệu rất cao. Họ tự xưng là những người cộng sản theo thuyết "Cách mạng thường trực" đòi cuộc đấu tranh của công nhân phải triệt để để giải phóng giai cấp. Theo họ những người cộng sản Đệ tam quốc tế là cải lương.
Đồng chí Trường Chinh đã cùng các đồng chí khác lãnh đạo báo chí vạch rõ chủ trương của bọn Đệ tứ chẳng qua là để chia rẽ các cuộc tranh đấu của công nhân, nêu ra khẩu hiệu cao, rất kêu, làm cho các cuộc tranh đấu của công nhân thất bại, cuộc đấu tranh không tập hợp được đông đảo công nhân; bọn chủ, bọn đế quốc không chấp nhận và khủng bố.
Đồng chí Trường Chinh cũng dành thì giờ tìm hiểu hoàn cảnh thực sự của giai cấp công nhân. Đã có lần đồng chí gọi một số anh em công nhân đến nhà, lúc ấy đồng chí thuê một gian nhà nhỏ ở phố Hàng Bạc, để tìm hiểu. Có lần tôi đến, đồng chí hỏi rất kỹ về công việc làm, các cách bóc lột của chủ, đời sống của anh em công nhân, và tinh thần, nguyện vọng của anh em.
(còn nữa)