Vinh danh những người giữ lửa nghề truyền thống

07:02, 15/02/2018

Nghệ nhân làng nghề là những “trụ cột” cả về vật chất và tinh thần giữ cho nghề truyền thống bền bỉ tồn tại với thời gian, tạo nên những giá trị văn hóa đặc trưng của làng có nghề. Họ là “kho tư liệu sống”, lưu giữ tinh hoa văn hoá nghề nghiệp thủ công của cộng đồng; đóng góp tích cực vào quá trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá làng nghề.

Nghệ nhân Trần Ngọc Tuyền, làng nghề chạm khắc gỗ Trà Đông - Trà Đoài, xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường
Nghệ nhân Trần Ngọc Tuyền, làng nghề chạm khắc gỗ Trà Đông - Trà Đoài, xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường.

Toàn tỉnh hiện có 130 làng nghề, trong đó có hơn 50 làng nghề truyền thống với lịch sử hình thành và phát triển đến vài trăm năm tuổi ở các địa phương. Sản phẩm của các làng nghề không chỉ đáp ứng nhu cầu đời sống tiêu dùng mà nhiều loại sản phẩm mang đậm bản sắc văn hoá đặc trưng của đất và người làng nghề, có ý nghĩa như những “đại sứ” văn hóa của địa phương. Nói đến Nam Trực người ta nhớ đến làng rèn Vân Chàng (Nam Giang), đúc đồng Đồng Quỹ (Nam Tiến), nghề làm đèn ông sao ở Báo Đáp (Hồng Quang), nghề mộc ở Nam Cường, nghề dệt ở thôn Liên Tỉnh (Nam Hồng), làng hoa cây cảnh Vị Khê. Còn huyện Ý Yên nổi tiếng với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của nhiều làng nghề truyền thống như: làng nghề sơn mài Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá, khảm trai Ninh Xá… Từ những người thợ làng nghề, các nghệ nhân là những người dồn hết tâm huyết cho công việc, hấp thụ những bí quyết hồn cốt của nghề, có năng lực sáng tạo, không chỉ nâng cao tay nghề bản thân trở nên điêu luyện mà còn giúp cho nghề chung ngày càng phát triển. Hiện nay, toàn tỉnh có 12 nghệ nhân ở các làng nghề được tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam”. Năm 2016, tỉnh ta đã có 2 người được vinh danh “Nghệ nhân ưu tú” ngành thủ công mỹ nghệ là các ông Vũ Duy Thuấn, Dương Bá Tân đều ở làng nghề đúc đồng truyền thống Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên). Nghệ nhân Vũ Duy Thuấn, tác giả của nhiều sản phẩm đúc nổi tiếng như tượng Phật Thích ca cao 6,5m, nặng 30 tấn được đặt tại Chùa Non, Sóc Sơn (Hà Nội). Sản phẩm này đã đánh dấu bước ngoặt kỹ thuật mới của làng nghề, đó là đúc tượng lớn liền khối bằng đồng đỏ, mở ra cơ hội phát triển mới cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề. Sản phẩm được Hội đồng khoa học Thành phố Hà Nội đánh giá đạt chất lượng cao, tính kết cấu bền vững, đạt yêu cầu về mỹ thuật và kỹ thuật. Ông tiếp tục sáng tạo các sản phẩm nổi tiếng như: Tượng Thánh Gióng bằng chất liệu đồng đỏ cao 14,7m, nặng 90 tấn; cụm Tượng đài Bác Hồ tại Chiến dịch Đông Khê năm 1950 cao 5m, nặng 16 tấn; tượng Phật Tam Thế cao 7,11m, rộng 5,35m, nặng 50 tấn… Nghệ nhân Vũ Duy Thuấn tâm sự: kỹ thuật đúc đồng truyền thống rất phức tạp đòi hỏi sự tỉ mỉ, chăm chút từng công đoạn làm khuôn, nấu đồng, rót đồng. Sản phẩm tượng đúc sau khi được hoàn thiện không chỉ đảm bảo tính thẩm mỹ mà đặc biệt là thể hiện đúng thần thái của nhân vật. Rồi các khâu làm nhẵn, bóng bề mặt và làm màu cho sản phẩm để bảo đảm độ bền chất lượng sản phẩm cũng phải được dựa trên những bí quyết, kinh nghiệm được truyền từ đời này sang đời khác. Người thợ làm nghề truyền thống vừa phải nắm chắc kỹ thuật, không ngừng tìm hiểu, bổ sung kiến thức tích lũy kinh nghiệm tạo thành bí quyết làm nghề. Nghệ nhân Vũ Duy Thuấn đã tham gia truyền nghề, dạy nghề cho hàng trăm lao động trong làng, trong xã.

ghệ nhân Dương Bá Dũng, Giám đốc Cty TNHH Cơ khí đúc Bá Dũng, Thị trấn Lâm, huyện Ý Yên (ảnh bên phải) đang hướng dẫn công nhân hoàn thiện sản phẩm.
Nghệ nhân Dương Bá Dũng, Giám đốc Cty TNHH Cơ khí đúc Bá Dũng, Thị trấn Lâm, huyện Ý Yên đang hướng dẫn công nhân hoàn thiện sản phẩm.

Để tiếp tục tôn vinh “những người giữ lửa làng nghề” động viên những người thợ chú tâm rèn luyện kỹ năng nghề, đóng góp cho sự hưng thịnh của các làng nghề truyền thống, ngày 15-9-2017, UBND tỉnh đã chỉ đạo kế hoạch tổ chức xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ tỉnh Nam Định năm 2017. 4 cá nhân được lập hồ sơ xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” gồm các ông: Dương Bá Dũng và Vũ Duy Điệp, đều ở Thị trấn Lâm, nghệ nhân nghề đúc đồng thủ công mỹ nghệ truyền thống; Nguyễn Văn Đức, xã Yên Ninh, nghệ nhân nghề chạm khắc gỗ truyền thống của huyện Ý Yên và bà Nguyễn Thị Nhâm, xã Bình Minh, huyện Nam Trực nghệ nhân nghề thêu tranh thủ công truyền thống. Với gần 30 năm kinh nghiệm trong nghề, bà Nguyễn Thị Nhâm, Giám đốc Cty CP Dịch vụ và Thương mại Bình Minh chuyên sản xuất các mặt hàng thêu tay thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Chất lượng tranh thêu tay của Cty đã được khách hàng nước ngoài tín nhiệm. Cty đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ Xinh-ga-po, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Trung Quốc, Nhật Bản... Hiện tại, Cty không chỉ cung ứng ra thị trường hơn 200 mẫu sản phẩm tranh thêu tay các chủ đề “sơn thủy hữu tình”, “cửu ngư quần hội”, “mã đáo thành công”, "tứ bình”, “tứ quý”… mà còn vẽ mẫu tranh thêu theo yêu cầu của khách hàng, chủ yếu là tranh các di tích lịch sử nổi tiếng như tác phẩm Đền Vua Đinh - Vua Lê, Tháp Rùa Hồ Gươm. Trung bình mỗi tháng Cty ký được hàng chục hợp đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động với mức thu nhập từ 80-150 nghìn đồng/người/ngày. Ông Dương Bá Dũng, Giám đốc Cty TNHH Cơ khí đúc Bá Dũng đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng tăng năng lực sản xuất của doanh nghiệp, liên kết với Viện Hóa học và Vật liệu triển khai ứng dụng công nghệ nhuộm kim loại cho các sản phẩm đúc đồng mỹ nghệ, rút thời gian nhuộm sản phẩm đồng mỹ nghệ với đa dạng các màu nâu, đen, vàng nhanh hơn 4-5 lần so với công nghệ cũ; chất lượng nhuộm màu hợp kim đồng kẽm bóng và bám chắc hơn so với hợp kim đồng chì. Ông và đội ngũ thợ lành nghề của làng nghề đúc đồng Vạn Điểm đã hoàn thành nhiều công trình lớn trong và ngoài nước như: Tượng đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản ở tỉnh Hủa Phăn (CHDCND Lào); tượng đồng chí Ngô Gia Tự ở Thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh); Tháp Báo Thiên, đỉnh Vua tại Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội)… Các ông: Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên; Vũ Duy Điệp không chỉ trực tiếp thiết kế, tạo mẫu và tổ chức sản xuất mà còn tham gia dạy nghề truyền “lửa” cho hàng trăm lượt lao động địa phương.

Ngày nay, với sự phát triển của kỹ thuật công nghệ, máy móc làm thay con người rất nhiều công đoạn sản xuất của các nghề truyền thống với độ chuẩn xác cao, kể cả những chi tiết tỉ mỉ. Do vậy, để người tiêu dùng lựa chọn hàng thủ công với giá đắt hơn thay cho hàng sản xuất công nghiệp hàng loạt bằng máy móc với giá rẻ hơn chính là nhờ cái hồn của sản phẩm được người thợ tạo cho trong quá trình sản xuất. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, các ngành nghề thủ công truyền thống đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nó không chỉ tạo ra các giá trị vật chất mà quá trình chăm chút phát triển nghề còn chắt lọc tạo nên các giá trị văn hóa tinh thần, bản sắc đặc trưng cho địa phương - yếu tố có thể tạo cơ hội phát triển hơn nữa từ du lịch làng nghề... Do vậy, việc đào tạo rèn giũa nghề, xây dựng nguồn nhân lực cũng như tôn vinh, ghi nhận đóng góp của những nghệ nhân làng nghề là hoạt động đầy tính nhân văn và còn có ý nghĩa đối với việc bảo tồn các giá trị làng nghề, một sự động viên, khích lệ các thế hệ người thợ sống chết với nghề./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com