Trần Quốc Hương
(tiếp theo)
Anh được đồng bào, đồng chí nuôi ăn, săn sóc khi ốm đau, nhất là vào thời gian giáp Tết năm Ất Dậu, biết bao nhiêu đồng bào ta đã bị chết đói. Luôn luôn anh đề cao cảnh giác với âm mưu thủ đoạn của bọn đế quốc, nhưng anh tuyệt đối vững tin vào lòng yêu nước của nhân dân. Giữa anh và nhân dân hòa quyện vào nhau làm một trong lý tưởng vì Tổ quốc độc lập và tự do.
Có lần anh nói với tôi: "Đồng bào yêu mến người cán bộ cách mạng, bảo vệ người cách mạng, không quản nguy hiểm, vì đồng bào biết người cách mạng là người của Đảng Cộng sản, đấu tranh để giành lại độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Không bao giờ chúng ta được quên ơn đồng bào, đồng chí đã giúp đỡ cách mạng".
Sau thắng lợi năm 1954, nhất là sau thắng lợi năm 1975, đất nước ta được thống nhất, dù anh đang giữ nhiều trọng trách, nhưng anh vẫn cố dành thời gian đi thăm hỏi, cảm ơn những nơi đã có công đối với cách mạng.
Anh đã đi thăm các cơ sở trước kia Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ đã dùng làm nơi hội họp, làm báo, in truyền đơn, mở lớp huấn luyện, nơi ở... như Đình Bảng, Viên Nội, Phú Gia, Phú Thượng, Vạn Phúc, Liễu Khê, Hiệp Hòa...
Vào Nam, anh đã đến thăm và cảm ơn đồng bào, đồng chí ở Bà Điểm (Hóc Môn), nơi các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai... đã được đồng bào, đồng chí che chở, đùm bọc, nhất là đã bảo vệ ba cuộc họp lớn của Trung ương những năm 1937, 1938 và 1939.
Anh cũng không quên nhắc tôi đưa anh đến thăm anh Trịnh Xuân Cảnh và gia đình. Anh Cảnh là giao liên của Xứ ủy Nam Kỳ đã có công mang tài liệu của Xứ ủy ra Trung ương và chuyển tài liệu của Trung ương vào Nam trong thời điểm khó khăn nhất. Dịp này, anh đã viết giấy xác nhận cho anh Trịnh Xuân Cảnh.
Năm nào vào Nam công tác, anh cũng đến thăm gia đình tôi.
Anh quan tâm đến các đồng chí người nước ngoài đã có công đóng góp với cách mạng Việt Nam. Riêng với Erwin Borchers - Chiến Sĩ, do có công lao với cách mạng Việt Nam đã được Chính phủ tặng Huân chương Kháng chiến Hạng nhất, ngỏ ý muốn được cùng gia đình trở về Đông Đức. Anh Trường Chinh đã có ý kiến với những cơ quan chức năng giải quyết theo nguyện vọng của Chiến Sĩ. Anh bảo tôi tổ chức một bữa tiệc tiễn đưa gia đình Chiến Sĩ về Đức.
Trong bữa tiệc thân mật, anh hỏi thăm sinh hoạt gia đình và nói với Chiến Sĩ, người đảng viên cộng sản Đức:
Là người cộng sản, đứng trên lập trường quốc tế vô sản, đồng chí đã hợp tác với Việt Minh chống phát xít Nhật và phát xít Pháp, rồi lại đứng trong hàng ngũ kháng chiến Việt Nam chống thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam để bảo vệ chủ quyền, độc lập của dân tộc Việt Nam. Thay mặt Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam, chúng tôi chân thành cảm ơn những đóng góp của đồng chí. Riêng cá nhân tôi, tôi vẫn giữ mãi những kỷ niệm làm việc với đồng chí trong những lúc thật là khó khăn và nguy hiểm.
Lẽ ra, tôi phải đi tiễn đồng chí và gia đình lên đường về nước, nhưng vì có việc không thể bỏ được, tôi cử đồng chí Hương thay tôi.
Chiến Sĩ và gia đình rất cảm động trước những lời chân tình của anh Trường Chinh.
Ngày 24-5-1981, anh Trường Chinh về thăm làng Tiên Thù, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên, trước kia nằm trong Khu an toàn dự bị của Trung ương. Anh đến thăm nhà cụ Lý Sân (Ngô Văn Luân) và để lại bài thơ với tình cảm sâu đậm giữa dân và Đảng như sau:
"Tiên Thù cơ sở năm xưa,
Che chở, đùm bọc, nắng mưa ân cần.
Tình dân nghĩa nước nồng nàn,
Bốn mươi năm ấy, muôn vàn nhớ mong.
Giờ đây lúa chín đầy đồng,
Non sông thống nhất, cờ hồng tung bay.
Gặp nhau, tay xiết chặt tay,
Cùng nhau ôn lại những ngày gian truân.
Một lòng vì nước vì dân,
Xa nhau vẫn thấy như gần bên nhau.
Tiên Phong hãy gắng đi đầu,
Dựng xây hạnh phúc muôn màu thắm tươi.
Mang theo ánh mắt, nụ cười,
Ra về vương vấn, bồi hồi vấn vương.
Lòng ta lo việc bốn phương,
Lòng ta ấp ủ tình thương đồng bào".
Anh Trường Chinh là như thế đấy!
Cùng với Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo khác, anh Trường Chinh đã có những cống hiến, công lao to lớn với cách mạng nước ta, với dân tộc ta. Trong lịch sử dân tộc ta, lịch sử Đảng ta mãi mãi ghi tên Trường Chinh vào vị trí thật xứng đáng và trang trọng./.