Trần Quốc Hương
(tiếp theo)
Khi ở Trung Quốc, Hồng quân ngày càng mở rộng cuộc phản công, Tưởng Giới Thạch phải cho Hà Ứng Khâm sang Hà Nội, điều Lư Hán cùng 20 vạn quân đang ở Việt Nam về, đưa lên miền Bắc, để đối phó với Hồng quân Trung Hoa.
Quân Pháp ngày càng đánh lan rộng, chiếm thêm đất ở miền Nam nước ta, rất muốn ra miền Bắc nước ta. Biết được khó khăn và ý đồ của Tưởng, Pháp liền giao dịch với Tưởng ký một hiệp ước, trong đó Pháp cam kết trả lại cho Tưởng đất Quảng Châu Văn, một số tô giới trước đây Pháp chiếm của Trung Quốc từ thời Mãn Thanh, kể cả giao lại quãng đường xe lửa từ biên giới Lào Cai đi Côn Minh của Công ty đường sắt Vân Nam. Đổi lại, Tưởng đồng ý cho phép quân Pháp được ra miền Bắc đóng thay thế quân Tưởng.
Trung ương Đảng ta biết rõ âm mưu thâm độc của cả thực dân Pháp, lẫn quân Tưởng, cho nên đã đồng ý ký Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 với Pháp, tránh tình trạng cùng một lúc đồng thời phải đối phó với hai kẻ thù nước ngoài, mà người xưa thường nói "Lưỡng đầu thọ địch".
Sau khi ký Hiệp định sơ bộ, ta tổ chức một cuộc mít tinh để giải thích cho quần chúng hiểu về ý nghĩa của việc ký kết này. Bọn phản động tung dư luận Việt Minh ký Hiệp định để cho quân Pháp ra Bắc là đầu hàng, bán nước cho Pháp, Hồ Chí Minh bán nước... và ra sức chống phá. Xe ô tô của anh Võ Nguyên Giáp vừa tới chỗ mít tinh, thì chúng ném một quả lựu đạn, nhưng may lựu đạn không nổ.
Anh Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Tuyên truyền, lên giải thích lại nói rằng "tôi vừa ở Hải Phòng về, qua cầu Long Biên thấy có treo cờ tam tài của Pháp, trông thật chướng mắt". Anh Võ Nguyên Giáp lên nói chuyện, đồng bào chưa thông. Đến lượt cụ Huỳnh ra, cụ nói:
Tôi vừa ra nhận việc, mấy ngày trước đây Chính phủ ta là Chính phủ kháng chiến. Nay là Chính phủ "đình chiến".
Bên dưới, quần chúng có tiếng xì xào. Bác bước ra nói:
Nếu chúng ta đánh thì 5, 10 năm nữa mới giành được độc lập; mà qua hiệp định 5 năm nữa, ta tổ chức trưng cầu dân ý cũng giành được độc lập, bà con thấy thế nào? Nhiều tiếng hô "đồng ý". Bác định quay vào, bỗng bật lên có tiếng hô: "đánh!". Thế là Bác đứng lại nói: "Hồ Chí Minh thà chết, chứ không bao giờ bán nước!".
Bác Hồ và Trung ương Đảng hết sức mềm mỏng, nhẫn nại, nhân nhượng với Pháp, nhưng biết trước khó có thể tránh được chiến tranh với bọn hiếu chiến thực dân Pháp. Anh Trường Chinh bảo tôi điện mời anh Hoàng Quốc Việt đang ở Nam Bộ ra họp.
Cuộc họp của Thường vụ Trung ương có Bác dự, giải quyết mấy vấn đề lớn:
Tiến hành chia khu để đề phòng Pháp mở rộng cuộc chiến ra cả nước. Khu là đơn vị chỉ huy kháng chiến dưới cấp Chính phủ Trung ương, cả nước có 14 chiến khu. Riêng ở Nam Bộ đang đánh Pháp, chia làm 3 khu: khu VII, khu VIII và khu IX. Mỗi khu phải được trang bị vô tuyến điện; đường giao thông từ Trung ương tới các khu, tỉnh và cho tới làng xã phải bảo đảm thông suốt, an toàn, mới chỉ đạo chiến tranh được thuận lợi.
Riêng đối với Nam Bộ, cần sắp xếp cơ quan lãnh đạo Xứ ủy, làm thế nào nội bộ Xứ ủy thống nhất, Xứ ủy Nam Bộ có thống nhất thì mới bảo đảm công tác lãnh đạo kháng chiến ở Nam Bộ có kết quả. Đảng bộ Nam Bộ phải được củng cố từ trên xuống tới tận chi bộ.
Ngay sau đó, Trung ương tăng cường cho Nam Bộ mấy cán bộ quân sự giỏi như các anh Nguyễn Bình, Hoàng Đình Gióng. Anh Nguyễn Sơn được cử vào Trung Bộ, dù ngoài Bắc cũng đang rất thiếu cán bộ.
Sau khi quân Pháp, theo những quy định của Hiệp định sơ bộ, đặt chân được lên miền Bắc rồi, chúng liền tranh thủ tổ chức mạng lưới phản động, lên kế hoạch từng bước đánh phá ta.
Pháp mời phái đoàn Chính phủ ta sang họp ở Phôngtennơblô (Fontainebleau) và mời Bác Hồ là Thượng khách sang thăm nước Pháp. Trước khi đi, Bác đề nghị với Thường vụ Trung ương mời cụ Huỳnh Bộ trưởng Bộ Nội vụ, làm Quyền Chủ tịch nước. Bác dặn dò Thường vụ Trung ương:
"Đảng ta lãnh đạo, nhưng công việc gì thuộc Chính phủ giải quyết, thì phải báo cáo xin ý kiến cụ Huỳnh, cụ Huỳnh là Quyền Chủ tịch nước có quyết định rồi, thì các chú mới được thực hiện". Thường vụ Trung ương đã nghiêm túc thực hiện lời của Bác.
Trong khi Bác đi Pháp, bọn Đại Việt, lúc này đã sáp nhập với Việt Nam Quốc dân Đảng, lấy tên là Quốc dân Đảng, ra sức hoạt động quấy rối. Dựa vào thế lực quân Tưởng, chúng đã thực hiện bắt cóc, tống tiền, cướp bóc, giết hại nhiều người, gây hoang mang trong quần chúng; phá hoại chính quyền của ta. Nay chúng lại chuyển sang câu kết với thực dân Pháp tiếp tục chống đối cách mạng, dự định tổ chức một cuộc đảo chính.
(còn nữa)
[links()]