Trần Quốc Hương
(tiếp theo)
Theo sự chỉ đạo của Thường vụ Trung ương, anh Nguyễn Lương Bằng giao cho anh Nguyễn Văn Cái, Trưởng phòng Nam Bộ (sau là Trưởng ban tiếp tế ATK), chị Hai Sóc, Phó phòng Nam Bộ, anh Khuất Duy Tri và một số thiếu niên, trong đó có Ba Nhỏ (Nguyễn Hồng Minh, con anh Cái) đang công tác tại Tòa soạn báo Sự Thật, đem về tiệm vàng Kim Nguyên phố Gạch (quê anh Khuất Duy Tri) đúc thành thỏi. Sau đó, anh Nguyễn Văn Cái và chị Hai Sóc đóng số thỏi vàng đó thành từng kiện nhỏ, qua đường tình báo Nam Trung Bộ, cụ thể là qua anh nha sĩ Cư (nay vẫn còn sống ở Nha Trang, Khánh Hòa), chuyển cho ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, lúc đó đang đóng ở Khánh Hòa, có sự giúp đỡ của một người Pháp tên là Écve (Hervé), đang giữ chức Giám đốc Bưu điện Nam Đông Dương.
Anh Cái và chị Hai Sóc đã thực hiện được hai chuyến chuyển vàng vào cho ủy ban Kháng chiến Nam Bộ.
Ngày 6-1-1946, cả nước tiến hành cuộc Tổng tuyển cử, kể cả ở vùng đang kháng chiến chống Pháp, để bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Quốc hội vừa được bầu xong, thì Lư Hán, Tiêu Văn làm áp lực với Chính phủ ta phải để cho Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch nước và dành cho bọn tay sai Việt Cách, Việt Quốc 70 ghế trong Quốc hội, không cần qua bầu cử. Chúng còn đòi nắm giữ một số Bộ như Nguyễn Tường Tam làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Vũ Hồng Khanh làm Phó chủ tịch Quân ủy hội; Chu Bá Phượng làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế... Riêng Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, chúng đòi phải để cho người không đảng phái đảm nhiệm.
Thay mặt Thường vụ Trung ương, anh Trường Chinh báo cáo với Bác: "Trong Chính phủ, ta đã mời được một số vị trước làm quan trong Triều đình Huế, có người tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim, nhiều vị trí thức tân học tiến bộ, nhưng chưa có vị nào là bậc khoa bảng cao thời Nho học. Đề nghị với Bác mời cụ Huỳnh Thúc Kháng ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ".
Bác đồng ý và nói để trao đổi với Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Hải Thần cũng tán thành. Sau đó, anh Trường Chinh giao cho tôi đánh điện gửi Đại diện Chính phủ ở miền Trung với nội dung yêu cầu chuyển lời của Hồ Chủ tịch và Phó Chủ tịch Nguyễn Hải Thần mời cụ Huỳnh ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Anh Võ Nguyên Giáp trước kia có làm báo Tiếng Dân với cụ Huỳnh cũng gửi điện thiết tha mời cụ ra Hà Nội làm việc.
Anh Nguyễn Duy Trinh điện ra nói đã chuyển điện tới cụ Huỳnh, nhưng trong này bọn Việt Nam Quốc dân Đảng đang ra sức tranh thủ, lôi kéo cụ Huỳnh.
Lúc bấy giờ trong cán bộ ta cũng có ý kiến cho rằng cụ Huỳnh hay tự hào quê cụ có "Tứ hùng danh kiệt, ngũ phụng tề phi"; cụ tỏ thái độ không ưng đàn bà con gái cắt tóc ngắn, mặc quần xà lỏn đi biểu tình...
Nhận được điện, tôi báo cáo anh Trường Chinh và hỏi, như thế này có báo cáo với Bác không. Anh Trường Chinh nói ngay: "Phải báo cáo với Bác chứ, các anh ở trong ấy báo cáo sự thật mà".
Anh Trường Chinh sang báo cáo và trình Bác xem bức điện của anh Nguyễn Duy Trinh. Bác nói:
Đảng ta là Đảng yêu nước, chú có tin cụ Huỳnh là người yêu nước không? Tại sao Đảng ta yêu nước, có đường lối đúng mà lại không thuyết phục được cụ? Chú cứ cho điện gấp nói rằng tôi và cả Phó Chủ tịch Nguyễn Hải Thần mời cụ ra Hà Nội.
Cụ Huỳnh ra và ở lại nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Anh Cao Pha (sau này là Thiếu tướng trước khi về hưu), đồng hương của cụ Huỳnh, được gần cụ, kể lại:
"Trước khi ra Hà Nội, cụ nói: Ta già rồi. Nghe tiếng Nguyễn Ái Quốc đã lâu, nhưng chưa được gặp. Ta ra Hà Nội xem thế nào, chứ ta không nhận làm gì đâu. Bây giờ ta hết thời rồi!".
Khi cụ ra Hà Nội và nhận nhiệm vụ rồi, anh Cao Pha hỏi cụ: "Cụ bảo chỉ ra thăm Bác Hồ thôi, sao cụ lại nhận việc?".
Cụ trả lời:
Ta ra Hà Nội gặp Cụ Hồ rồi sang gặp cụ Nguyễn Hải Thần, thấy cụ Nguyễn Hải Thần vừa có "ả phù dung" lại có mỹ nữ phù trợ nữa. Làm cách mạng thế kể cũng sướng thật, hì!
"Còn khi gặp Cụ Hồ, Cụ nói đến đá cũng phải mềm. Ta nhận nhiệm vụ cũng vì lợi ích quốc dân".
(còn nữa)
[links()]