Những năm tháng làm việc bên anh Trường Chinh (kỳ 33)

07:02, 01/02/2018

Trần Quốc Hương

(tiếp theo)

    Cách mạng Tháng Tám thành công, nước ta trở thành một nước độc lập. Nhân dân ta vô cùng phấn khởi trước cuộc đổi đời vĩ đại, từ nay đã trở thành chủ nhân của đất nước tự do; nhưng Tổ quốc ta cũng đứng trước muôn vàn khó khăn. Nạn lụt 9 tỉnh phía Bắc xảy ra đúng những ngày ta giành chính quyền. Dân còn đang bị đói, và hơn 90% dân chưa biết chữ, hậu quả của chính sách cai trị hà khắc, ngu dân và bóc lột tàn bạo của cả Pháp, Nhật. Kho bạc Nhà nước rỗng tuếch, chỉ còn 1.230.000 đồng Đông Dương, kể cả tiền rách, tiền lẻ.

    Ở phía Bắc, quân Tàu Tưởng đã kéo vào, mang theo một bầy tay sai và đảng phái phản động các loại. Bọn chỉ huy quân Tàu Tưởng như Lư Hán, Tiêu Văn, Vương Chí Ngũ và lũ phản động thường xuyên quấy phá, ép buộc Chính phủ cách mạng đang còn rất non trẻ. Chúng dung túng cho bọn phản động Việt Quốc, Việt Cách bắt cóc, tống tiền, giết người; chúng đã bắt cóc, thủ tiêu anh Trần Đình Long. Sau khi thoát khỏi Nhà tù Sơn La về Hà Nội, anh Trần Đình Long đã được cử làm cố vấn cho uỷ ban khởi nghĩa Hà Nội rồi được phân công tham gia ủy ban hành chính Bắc Bộ, phụ trách công tác đối ngoại.

    Ngay bọn sĩ quan liên lạc với ta cũng rất hống hách. Một lần, viên sĩ quan của Lư Hán đến đòi gặp Bác và đi xộc thẳng vào phòng Bác đang làm việc. Hôm đó, tôi lái xe đưa anh Trường Chinh đến làm việc với Bác và ngồi chờ ở phòng ngoài. Thấy viên sĩ quan sừng sộ, tôi ngăn lại và nói phải đợi vào trình với Chủ tịch đã. Y cứ đòi vào. Anh Kháng khuyên tôi cứ để hắn vào, ta chỉ cần cảnh giác đề phòng diễn biến xấu thôi.

    Chiều hôm đó, anh Trường Chinh gặp tôi, nói:

    Bác phê bình cậu hôm nay nóng đấy. Nóng nẩy thì dễ bị khiêu khích, hỏng việc. Bác hỏi cậu có biết chuyện Việt Vương Câu Tiễn không? Xưa kia Câu Tiễn phải nuốt phân, nhưng là phân vật chất, chỉ nuốt qua cổ là trôi ngay; còn bây giờ là phân tinh thần, nuốt vào không được, khạc không ra.

    Tôi nhận khuyết điểm. Thật là bài học nhớ đời!

    Ở Nam Bộ, ngày 23-9-1945, Pháp ngang nhiên nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, rồi mở rộng ra toàn Nam Bộ. Thế là chỉ 28 ngày, sau ngày giành chính quyền ở Sài Gòn và toàn Nam Bộ thắng lợi (25-8-1945), nhân dân Sài Gòn và Nam Bộ lại buộc phải cầm súng chống lại bọn xâm lăng.

    Tình thế cách mạng nước ta thật là "nghìn cân treo trên sợi tóc!".

    Bác và Trung ương kêu gọi cả nước đứng lên cùng với Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp. Từng đoàn quân, bằng mọi phương tiện, lên đường "Nam tiến" đánh giặc, bảo vệ chủ quyền dân tộc.

    Khẩu hiệu "Chống giặc ngoại xâm, chống giặc đói, chống giặc dốt" do Bác và Trung ương đề ra ngay sau Ngày Độc lập 2-9, được nhân dân cả nước nhiệt liệt hưởng ứng. Bác nói: "Có thể dân còn đói, nhưng không được để có người chết đói!". Bác và Thường vụ Trung ương đề ra lập hũ gạo cứu đói, hằng tuần, cán bộ nhịn ăn một bữa dành gạo giúp đỡ đồng bào. Đích thân Bác làm gương, mỗi bữa bốc một nắm gạo bỏ vào hũ cứu đói. Anh Trường Chinh nói với cán bộ Văn phòng Tổng Bí thư: "Chúng ta cần nghiêm túc thực hiện, một nắm gạo tuy nhỏ, nhưng việc này có ý nghĩa lớn!".

    Về tài chính, quân Tàu Tưởng ép ta phải tiêu tiền Quan kim mất giá của chúng. Thường vụ Trung ương chủ trương Chính phủ ta làm việc với Lư Hán, Tiêu Văn, nói rõ quân Trung Quốc thay mặt Đồng minh vào Đông Dương tước khí giới của quân Nhật bại trận, cần giữ kỷ luật, an ninh, có như vậy thì chính quyền các địa phương mới có thể bảo đảm cung cấp gạo, lương thực cho quân đội Trung Quốc. Còn việc tiêu tiền Quan kim thì không thể được, vì việc in, phát tiền do Ngân hàng Đông Dương. Nhật hiện nay vẫn chiếm giữ Ngân hàng Đông Dương, Chính quyền Việt Nam không thể ra lệnh cho họ.

    Nhưng, một vấn đề đặt ra là ta không thể để tình trạng như thế kéo dài, mà phải có tiền riêng của ta. Khi bàn vấn đề này, có ý kiến nói rằng việc in tiền phải theo thông lệ quốc tế, phải có vàng, bạc bảo đảm. Anh Trường Chinh nói: Tiền của ta in, phát hành để chi tiêu trong nước, nhân dân ta ủng hộ, tán thành việc lưu hành tiêu dùng là được. Không có vàng, nhưng có dân tín nhiệm, bảo đảm là có thể in, phát hành tiền. Sau đó, ta phát hành giấy bạc Cụ Hồ.

    Tuy nhiên, Chính phủ cần phải mua máy móc kỹ thuật tinh vi của thế giới mà ta lại không có ngoại tệ. Do đó, Bác và Thường vụ Trung ương đề ra việc tổ chức Tuần lễ Vàng và được nhân dân cả nước, từ Bắc chí Nam, nhiệt liệt hưởng ứng. Số vàng nhân dân ủng hộ, Bác chỉ thị cho anh Nguyễn Lương Bằng: "Vàng, bạc được nhân dân ủng hộ, chú phải hết sức tiết kiệm, sử dụng cho đúng. Chú báo cáo với Thường vụ trích một phần cho người đem ra nước ngoài mua một số máy vô tuyến điện phân cho các Khu để bảo đảm liên lạc giữa Trung ương với các Khu và chuẩn bị kháng chiến, mua phụ tùng máy móc tốt cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Còn lại, dùng một phần đúc thành thỏi gửi vào cho Nam Bộ kháng chiến".

(còn nữa)

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com