Bắt đầu làm báo Cứu Quốc (kỳ 1)

07:02, 27/02/2018

Xuân Thuỷ
Nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
nguyên Bộ trư
ng Bộ Ngoại giao

Cuối năm 1943, đầu năm 1944, tôi được đưa từ Nhà tù Sơn La về quản thúc ở quê tôi, xã Hương Canh thuộc huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ, nay là xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Về nhà khoảng hơn một tháng, tôi đang tìm mối với cách mạng, thì anh Hoàng Xuân Quán ở thôn Lâm Hộ, xã Thanh Lâm, huyện Yên Lãng, thuộc tỉnh Phúc Yên cũ đến nhà thăm tôi và đưa cho tôi tập Du kích chiến tranh bằng chữ Trung Quốc. Anh Quán nói: "các anh ấy" bảo anh dịch ra chữ Việt. Anh Quán là người tôi giúp đỡ giác ngộ từ năm 1935. Gia đình anh là một cơ sở tốt của cách mạng. Tôi hiểu ba tiếng "các anh ấy" tức là Đảng, là đoàn thể. Tập Du kích chiến tranh cốt để tôi tin anh Quán là người của Đảng. Rất mừng được gặp lại anh Quán, tôi nhận dịch ngay và nhờ anh Quán nói với "các anh ấy" làm thế nào để tôi đi hoạt động, mặc dầu tôi đang chữa bệnh sốt rét rừng.

Lần sau, anh Hoàng Xuân Quán trở lại lấy bản dịch Du kích chiến tranh và trả lời: "các anh ấy" bảo tôi cứ tiếp tục chữa bệnh và chờ ở nhà, sẽ có người đến đón.

Một hôm, vào buổi sáng đẹp trời, em Duệ (con trai của chú ruột tôi, vốn ở thị xã Phúc Yên) đưa một anh rất trẻ, vóc người nhỏ thấp, áo the thâm, mang kính trắng, đội mũ cát đến nhà tôi, giới thiệu đây là anh Mẫn có quen anh Quán. Tôi đoán anh Mẫn là người sẽ đón tôi đi, và Duệ có lẽ đang hoạt động quanh vùng Phúc Yên. Duệ ra ngõ, anh Mẫn ngồi lại cùng tôi. Anh cho biết quân Đồng minh, chủ yếu là Liên Xô đang thắng lớn. Nhật, Pháp ở Đông Dương mâu thuẫn sâu sắc, sự hoạt động của Việt Minh đang sôi nổi kết hợp chính trị và vũ trang ở nhiều nơi. Anh nói nhẹ nhàng, lưu loát. Tôi cảm thấy thú vị trong cuộc nói chuyện này. Cuối cùng anh Mẫn bàn cách đưa tôi đi công tác bí mật. Bệnh sốt rét rừng của tôi đã bớt nhiều, tôi càng phấn khởi theo kế hoạch của anh.

Bỗng một buổi chiều khô ráo, vừa tắt nắng, một người đàn ông đứng tuổi, quần trắng, áo the thâm, nón chóp dứa, dắt xe đạp vào nhà tôi hỏi thăm cha tôi để nhờ khám bệnh, vì cha tôi là ông đồ nho làm nghề đông y. Té ra người đó là anh Sao Đỏ (tức Nguyễn Lương Bằng) đã cùng tôi ở Nhà tù Sơn La, cùng trong chi ủy, trong ban chỉ đạo nhiều cuộc tuyệt thực. Anh trốn khỏi Nhà tù Sơn La năm 1943 theo chủ trương của chi ủy. Chúng tôi mừng rỡ ôm chầm lấy nhau. Anh nghỉ ở nhà tôi một đêm. Hai người nằm chung một giường ván gỗ, không chiếu không màn, hết chuyện trong tù đến chuyện ngoài tù. Suốt đêm chẳng ai ngủ được. Anh cho tôi xem cái dấu tròn bằng đồng có khắc chữ nổi "Tổng trưởng Tài chính – Tổng bộ Việt Minh". Tôi hiểu anh đang giữ một trọng trách. Còn tôi kể anh nghe tôi đang chuẩn bị thoát ly quê nhà theo kế hoạch của anh Mẫn.

Anh Sao Đỏ khi ở tù có tiếng là người cẩn thận. Anh phân tích: người khác đi lối ấy thì được, còn tôi e không thuận. Vì tôi ở vùng này nhiều người biết. Từ nhà tôi đến Hà Nội, đi tắt cũng hơn 10 cây số, lại qua thành phố, qua cầu sông Hồng, sang bên kia cầu Đuống mới có người đón, anh khuyên tôi để anh bố trí đường khác thuận hơn. Tôi hỏi: Làm thế nào để anh Mẫn biết vì lẽ gì tôi đi đường khác? Anh Sao Đỏ trả lời: sẽ có cách.

Thế là tôi chuẩn bị đi theo sự bố trí của anh Sao Đỏ. Đúng như giao ước mật hiệu, tôi đến nhà anh Dung ở Thượng Cát trên bờ hữu ngạn sông Hồng. Anh Cương (tức Bạch Thành Phong) đón tôi đến nhà anh Tung ở giữa đồng Chèm (Thụy Phương). Một túp nhà tranh chỉ có hai vợ chồng trẻ, xung quanh trồng dâu tằm và ít cây chuối. Ngày ngày tôi cùng chủ nhà ăn hai bữa cơm trộn ngô, nhặt cỏ dâu tằm, tán dóc thời sự và kể truyện tiếu lâm...

Một buổi sớm, ánh nắng vừa le lói, anh Cương đến đưa tôi tới một bến đò nhỏ sông Hồng, gọi là bến Sù thuộc địa phận làng Phú Gia, cách Hà Nội khoảng mười cây số. Chúng tôi mặc hai bộ quần áo nâu bạc màu lẫn với những người khác, xuống một chiếc thuyền con, sang bên kia là tả ngạn thuộc huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên cũ (nay thuộc Hà Nội). Anh gửi tôi vào một nhà nông dân ở ven đê. Mấy hôm, lại có người đưa đến nhà một nông dân khác. Chuyển đi như thế nhiều lần, toàn đi đêm. Lắm đêm mưa trơn, vấp ngã như vồ ếch. Đến nhà nào cũng nhà tranh vách nát. Tôi chỉ được ở trong buồng, đêm và sáng mới ra sân. Ăn uống và mọi thứ cần thiết đều do chủ nhà giúp đỡ. Bữa nào cũng ăn ngô trộn với muối, thỉnh thoáng có loáng thoáng hạt đỗ màu nâu. Trên chặng đường ven sông Hồng này, tôi đã làm Bài ca Việt Minh 166 câu theo những điều đã biết trong nhà tù, những điều anh Mẫn và anh Sao Đỏ đã kể và những điều mắt thấy tai nghe của mình. Sau đây là một đoạn trong bài ca ấy:

Đường cứu nước, cứu nòi duy nhất,
Cờ Việt Minh dẫn dắt đi đầu,
Cùng nhau ta nắm tay nhau,
Không phân tôn giáo, nghèo giàu, gái trai.

Nào thiên hạ ai người nghĩa khí,
Nào nhân dân ai kẻ anh tài,
Nào đoàn, nào hội, những ai,
Những ai yêu nước, ai người Việt Nam.

Những ai muốn đánh tan Nhật - Pháp,
Những ai mong cứu thoát gi
ng nòi,
Việt Minh tha thiết chào mời,
Mau vào mặt trận diệt loài xâm lăng.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com