Không nổi tiếng gần xa nhưng làng cổ Thượng Nông, xã Bình Minh (Nam Trực) hàng trăm năm nay vẫn bảo tồn được những giá trị văn hóa đặc sắc, cảnh quan đẹp, nên thơ cùng với những kiến trúc độc đáo, nghề thủ công truyền thống. Làng cổ Thượng Nông như một nét chấm phá trong bức tranh xuân của vùng đất Thiên Trường xưa giàu truyền thống văn hóa.
Cầu ngói chợ làng Thượng Nông. |
Không có ai, kể cả các cụ cao tuổi nhất ở làng Thượng Nông còn nhớ rõ về lịch sử hình thành mảnh đất này bởi những ghi chép lại về làng đều đã bị thất lạc. Cụ Nguyễn Xuân Chính, năm nay đã gần 90 tuổi ở xóm Minh Tiến cũng chỉ nhớ ang áng theo lời cổ nhân để lại là làng được hình thành từ cách đây khoảng 600 năm. Thời đó, Thượng Nông chỉ là gò đất nổi lên giữa vùng nước rộng lớn. Một người họ Dương đến đây dựng trại, rồi nhiều dòng họ đến lập nghiệp. Người có công lớn lập nên làng, được coi thành hoàng là cụ Trần Chiêu Thắng dạy dân khai khẩn đất đai làm ăn. Cũng như nhiều làng cổ khác trong tỉnh, Thượng Nông có cảnh quan đẹp, phong thủy hữu tình. Làng có con sông Ngọc hiền hòa, nhỏ như dải lụa mềm uốn lượn giữa khu dân cư quần tụ với 13 xóm: Nhân Thọ, Thần Y, Thủy Triều, Trung Hòa, Nhân Nghĩa, Trung Dong, Trung Chính, Thái Bình, Đại Học, Rau Diếp, Minh Thành, Minh Tiến, Giữa. Có nơi đông dân cư như xóm Minh Thành khoảng 120 hộ, xóm Minh Tiến khoảng 200 hộ nhưng phần lớn các xóm chỉ có 30-40 hộ. Giữa khung cảnh “trên bến, dưới thuyền”, nổi bật nhất là di tích Phủ Bà và cây cầu Ngói chợ Thượng - hai công trình được công nhận Di tích lịch sử quốc gia năm 2012. Phủ Bà thờ Bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân, một người phi mà chúa Trịnh yêu quý. Bà không chỉ là người tài, sắc mà có công lao rất lớn với làng như phân phát 600 mẫu ruộng cho những người từ 60 tuổi trở lên có kế sinh nhai, nương tựa tuổi già, cấp tiền giúp làng làm đường đi lại và xây dựng các công trình kiến trúc khác. Công trình Phủ Bà thờ bà chúa cùng với thân phụ, thân mẫu, đồng thời phối thờ Mẫu Liễu Hạnh hiện vẫn còn lưu giữ những nét cổ như: Kiến trúc kiểu chữ “Nhất” làm theo cổ đẳng 4 mái, các tượng gỗ sơn son thếp vàng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Cầu Ngói chợ Thượng nằm vắt ngang trên dòng sông Ngọc, là một trong số ít các công trình cầu ngói trong cả nước còn được bảo tồn đến ngày nay. Cầu do Quý phi Nguyễn Thị Ngọc Xuân dành tâm sức thuê người vẽ mẫu phỏng theo cầu ngói Thanh Toàn (Huế), vận chuyển đá, thuê thợ đục đẽo. Được làm theo kiểu “thượng gia, hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu), cây cầu thể hiện tài năng của những người thợ xưa khi phối hợp giữa gỗ lim, đá tảng. Thân cầu được dựng bằng các hàng cột, kèo vững chãi, giữa là đường rộng cho người dân đi lại. Cây cầu từng bị tàn phá trong những năm chiến tranh, sau được khôi phục lại, trở thành nơi lưu giữ ký ức với bao thế hệ người dân nơi đây, là hình ảnh không thể quên của mỗi người khi xa quê. Cùng với Phủ Bà và cầu Ngói chợ Thượng, làng Thượng Nông hiện còn lưu giữ 4 ngôi miếu cổ trấn ở các hướng nam, bắc, đông, tây làng. Những ngôi miếu này hình thành từ hàng trăm năm, thờ những người có công với làng, là nơi linh thiêng, là nét riêng của làng bởi ở các vùng quê khác thì thường có một chùa, một đình và một vài ngôi miếu. Với kiến trúc cổ kính, đậm tinh hoa của vùng đồng bằng Bắc Bộ, làng Thượng Nông đã từng được nhiều nhà thơ, nhà văn ca ngợi. Nhiều người già nơi đây vẫn còn lưu truyền bài hát nói về vẻ đẹp của làng: “Trước cửa chùa có miếu thờ vua. Bên đông chùa hai dãy hành lang. Đằng trước thì có tam quan. Bên đông giếng đá xây tường bốn bên. Chợ Thượng một tháng sáu phiên. Phía trên cầu Bạch, cuối cầu Thượng Gia”. Bên cạnh vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc, làng Thượng Nông còn có truyền thống cách mạng hào hùng. Cụ Nguyễn Xuân Chính cho biết thêm, huyện Nam Trực có 3 con đường được dân gian gọi là “Vàng”, “Đen”, “Trắng” thì xã Bình Minh nói chung và làng Thượng Nông nói riêng nằm trên con đường “Trắng”. Gọi là đường “Trắng” bởi trong thời kháng chiến chống Pháp, phong trào cách mạng sục sôi của nhân dân các xã nơi đây khiến địch không lập nổi một đồn bốt để đàn áp. Lịch sử làng Thượng Nông vẫn còn lưu giữ những ký ức đau thương về sự đàn áp dã man của thực dân Pháp. Chúng đốt tất cả mọi thứ, từ nhà cửa, nông cụ, các công trình kiến trúc tôn giáo, đốt đến nỗi không còn một cây tre để người dân làm nhà. Nhưng trong lịch sử đau thương đó, người làng Thượng Nông vẫn kiên cường rào làng kháng chiến chống giặc; từng tiêu diệt một tên quan hai Pháp, một tên tay sai trong 2 trận càn khủng bố của chúng. Không chỉ kiên cường trong chiến đấu bảo vệ làng, Thượng Nông còn là mảnh đất học truyền thống. Xưa làng có 4 tiến sĩ, 3 phó bảng được lưu danh ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, nay có hàng chục giáo sư, tiến sĩ, con cháu học hành thành đạt khắp nơi. Hằng năm, trong dịp hội làng, giỗ tổ của các dòng họ đều tổ chức khen thưởng, động viên con cháu học hành.
Nếu lịch sử, kiến trúc cổ khắc họa một làng Thượng Nông đẹp, nên thơ thì con người, văn hóa nơi đây mới chính là yếu tố tạo nên hồn cốt quê hương giàu truyền thống. Người Thượng Nông hiền hòa, chân chất, quanh năm lam lũ cùng ruộng đồng nhưng vẫn tài hoa khi tiếp nối nghề làm kẹo lạc truyền thống của cha ông. Các cụ nơi đây kể rằng, từ thời làng đang hình thành sơ khai, có người thợ kẹo nơi khác đến đây sinh nhai. Thấy đất làng vuông vắn, người dân cần cù, chăm chỉ, lại sẵn các nguyên liệu nên cụ đã truyền lại nghề của mình cho một số người. Sau này, cụ rời đi để lại một chiếc mâm vuông, một chiếc kéo, một con dao là những đồ nghề làm kẹo để làm kỷ niệm. Bằng sự ham học hỏi, người làng đã phát triển nghề làm kẹo lạc truyền thống. Không nổi tiếng như kẹo Sìu Châu, kẹo làng Thượng Nông xưa dù bình dị nhưng vẫn được nhiều người dân từ quan lại các triều đại phong kiến đến người nông dân lam lũ yêu thích. Vào dịp cuối năm, người làm nghề không đủ bán bởi nơi nơi về lấy hàng, ai cũng muốn có phong kẹo lạc trên bàn thờ ngày Tết Nguyên đán. Theo những người thợ cao tuổi, giàu kinh nghiệm của làng tiết lộ: Mạch nha được làm từ hạt lúa nếp nên thơm, có độ ngậy, ngọt dịu. Người thợ xưa khi nấu mạch nha nếu có kinh nghiệm lâu năm thường nhìn màu sắc của mạch là biết khi nào được, có người dùng tay chấm mạch để trên kẽ răng, mạch nhanh giòn được coi là đạt. Hạt lạc làm kẹo phải là lạc ta... khi rang lên phải giòn quyện với mạch nha nóng, đường mía tạo nên kẹo có độ ngọt dịu, bùi bùi. Ông Vũ Đức My, Bí thư chi bộ xóm Minh Tiến cho biết, thời cao điểm cả làng làm kẹo, hiện nay có khoảng 30 hộ làm kẹo lạc quanh năm. Vào dịp cuối năm, các hộ làm kẹo trong làng chạy đua với thời gian để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Trong hơi lạnh mùa đông, hương vị ngọt ngào của kẹo lan tỏa tận từng ngóc ngách. Cơ sở làm kẹo lạc của anh Vũ Văn Bắc những ngày này luôn đỏ lửa. Đưa đôi bàn tay khéo léo đảo nhanh mẻ kẹo lạc nóng trên bếp rồi chuyển sang cho con trai cán thành khuôn, anh Bắc cho biết: Nghề làm kẹo của gia đình anh đến nay đã được 3 đời. Kẹo lạc do gia đình anh làm luôn giữ hương vị truyền thống, vị ngọt dịu nên được nhiều khách hàng ở khắp các tỉnh, thành phố đặt mua. Trung bình mỗi tháng anh làm khoảng 1 tấn kẹo, nhưng những tháng giáp Tết thì phải 5 tấn, tạo thu nhập ổn định cho gia đình.
Dẫn tôi đi thăm làng trên xóm dưới, cụ Nguyễn Xuân Chính khoe rằng: Ngoài giữ được nghề truyền thống, người Thượng Nông luôn tự hào gần 20 năm nay, vào dịp 14, 15 tháng Giêng âm lịch đều tổ chức hội làng để tưởng nhớ công lao Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, Thành hoàng làng Trần Chiêu Thắng và các vị có công xây dựng làng. Đây là cố gắng rất lớn của các thế hệ người dân nơi đây bởi các tư liệu về làng đều mất, phải gây dựng lại từ đầu. Ngày khai hội, theo phong tục rước “đi bộ về thủy”, đoàn rước gồm lân - sư - rồng, kiệu Thành hoàng làng và người dân đi từ chùa lên đến cầu Ngói chợ Thượng rồi xuống thuyền xuôi dòng sông Ngọc về đến cầu xi măng xóm Cầu Giữa, lên lại sân chùa mới kết thúc. Sau lễ khai mạc rộn ràng, hai ngày hội bắt đầu với các điểm ca hát, thi đấu thể dục thể thao, trò chơi dân gian, mời cả Nhà hát Chèo Nam Định về biểu diễn phục vụ nhân dân.
Làng Thượng Nông với nét đặc trưng riêng như đang hòa chung cùng các làng quê trong tỉnh khoe sắc, tỏa hương khi Tết đến, Xuân về. Trên cơ sở khai thác đúng đắn, hiệu quả các đặc sắc cảnh quan, văn hiến hiếm có của quê nhà, có những người con quê hương đang ôm ấp xây dựng dự án đưa làng Thượng Nông trở thành làng văn hóa du lịch hấp dẫn của tỉnh./.
Bài và ảnh: Đức Thiện