Đổi thay ở những "địa chỉ đỏ"

07:02, 15/02/2018

Trong tiết xuân mới mang theo bao niềm tin, ước vọng, chúng tôi có dịp trở lại những vùng quê giàu truyền thống cách mạng như xã Yên Trung (Ý Yên), Thọ Nghiệp (Xuân Trường)... Nơi đây, trong những năm tháng kháng chiến kiến quốc là những “địa chỉ đỏ” của cách mạng với sự kiện thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh, huyện. Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các xã Yên Trung, Thọ Nghiệp đang ra sức xây dựng quê hương giàu đẹp và nằm trong tốp những lá cờ đầu trong phong trào xây dựng NTM của tỉnh ta.

Yên Trung anh dũng, kiên cường

Nhân dân Yên Trung vốn có truyền thống cần cù chịu khó và giàu lòng yêu nước. Từ rất sớm, người dân Yên Trung đã theo Đảng làm cách mạng, cùng với nhân dân cả nước đứng lên đấu tranh chống lại chế độ thực dân, phong kiến, giành chính quyền, đem lại tự do cho nhân dân. Tháng 7-1929, chi bộ Đảng đầu tiên của xã được thành lập tại thôn Tiêu Bảng làm tiền đề cho sự phát triển các tổ chức cơ sở Đảng của huyện Ý Yên sau này. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quê hương Yên Trung trở thành “địa chỉ đỏ”, là căn cứ cách mạng, nơi tổ chức nhiều hội nghị quan trọng của Tỉnh ủy và huyện ủy Ý Yên.

Đình làng Tiêu Bảng, xã Yên Trung - nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Ý Yên.
Đình làng Tiêu Bảng, xã Yên Trung - nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Ý Yên.

Là người được chứng kiến sự đổi thay của quê hương, bác Trần Văn Cố, năm nay đã 65 tuổi đời, trên 40 năm tuổi Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã (giai đoạn 1994-1996), hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã phấn khởi: Cùng với sự phát triển của huyện, xã Yên Trung cũng có nhiều chuyển biến tích cực và đã đạt chuẩn NTM vào năm 2015. Trong đó, các nhà văn hóa thôn xóm được tu sửa, nâng cấp, xây mới; đường giao thông nội đồng, giao thông thôn xóm được bê tông hóa tạo thuận lợi cho nhân dân trong sản xuất, sinh hoạt. Phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề thực sự phát triển mạnh trong khoảng 10 năm trở lại đây. Đặc biệt khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã đã thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng cơ giới hóa, áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Bên cạnh đó, xã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, trong đó HTX thủy sản Tây Chùa, làng Nhuộng, chuyên nuôi thủy sản nước ngọt với các loài trắm, chép, trôi, mè; năng suất mỗi vụ hàng chục tấn cá các loại. HTX đi vào hoạt động bước đầu đã phản ánh rõ hiệu quả kinh tế từ việc chuyển đổi từ mô hình chuyên lúa sang mô hình kết hợp lúa - cá, từ đó nâng giá trị thu nhập trên 1ha canh tác, tạo động lực cho các hộ nông dân tiếp tục nâng cao năng lực lao động và phát triển với quy mô lớn hơn. Đến nay, trên địa bàn xã đã có nhiều máy bừa cỡ trung, cỡ nhỏ đáp ứng sản xuất nông nghiệp đối với đồng đất chiêm trũng bậc nhất của huyện Ý Yên. Một số hộ, nhóm hộ đã đầu tư máy gặt đập liên hoàn phục vụ toàn bộ nhu cầu thu hoạch trong xã và các xã lân cận. Một số hộ nông dân thôn Nhuộng đã thực hiện dồn đổi ruộng đất, tích tụ đất đai để tạo ra vùng sản xuất lớn, gọn vùng, gọn thửa, tạo điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hệ thống giao thông phát triển mở rộng cũng tạo điều kiện cho các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển. Ngoài các nghề như khâu nón, thêu ren truyền thống, trên địa bàn xã đã thành lập 3 tổ hợp may công nghiệp thu hút hàng trăm lao động của địa phương. Cùng với đó, xã cũng chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn như đào tạo nghề may công nghiệp, nghề chăn nuôi, nuôi thủy sản. Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Vũ Đức Bình, Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Tiêu Bảng hồ hởi cho biết, nhờ có sự chuyển hướng tích cực, người dân cần cù, chịu khó, mức thu nhập bình quân toàn xã đến nay đã đạt trên 30,5 triệu đồng/người/năm; đảm bảo 96% số lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, chỉ còn 2,8%. Trong xây dựng NTM, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân dân đã đóng góp hàng nghìn ngày công đào đắp, tu sửa các tuyến đường dong, ngõ, xóm, xây dựng cơ sở vật chất với tổng vốn huy động trên 40 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp trên 18,2 tỷ đồng. Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ xã Yên Trung có hơn 400 đảng viên, sinh hoạt ở 19 chi bộ, trong đó có 14 chi bộ thôn xóm. Đảng bộ xã đã thường xuyên tổ chức quán triệt các nghị quyết của Trung ương, tỉnh, huyện và xã đến từng chi bộ, đảng viên, tạo tiền đề cho việc xây dựng và thực hiện các chủ trương trong phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương luôn được đẩy mạnh. Năm 2017, toàn xã có 118 đồng chí đã được nhận Huy hiệu 30, 40, 45, 50 năm tuổi Đảng trở lên; trong đó có cụ Bùi Văn Sướng, năm nay 96 tuổi được nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và 1 đồng chí được nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Nhiều năm liền, Đảng bộ xã luôn giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Thọ Nghiệp phát huy truyền thống anh hùng

Đến với xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) trong những ngày cuối năm, đi trên những con đường được nhựa hóa, bê tông hóa; hệ thống 2 bên sông được kè cứng hóa bằng bê tông, những hàng cau, hàng cây cảnh đan xen 2 bên bờ tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, chúng tôi càng cảm nhận rõ nét sự khởi sắc của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Dẫn chúng tôi đi thăm di tích lịch sử, văn hóa đền chùa Tự Lạc, nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của 3 huyện phía nam tỉnh (Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu), đồng chí Phạm Công Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Thọ Nghiệp cho biết, chính nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc họp bí mật, quan trọng đề ra đường lối dẫn dắt phong trào cách mạng ở địa phương. Đây cũng là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, là nơi sinh hoạt của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội của địa phương, là nơi nuôi giấu cán bộ của tỉnh, huyện về chỉ đạo phong trào cách mạng trên địa bàn. Trong các chặng đường cách mạng, nhân dân xã Thọ Nghiệp đã không tiếc sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Năm 1995, xã Thọ Nghiệp vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Phát huy truyền thống anh hùng, trong những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở khai thác tiềm năng, phát huy nội lực của địa phương, trong đó chú trọng phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Bác Nguyễn Trọng Thuần, năm nay đã 73 tuổi, 47 năm tuổi Đảng, nguyên Bí thư chi bộ xóm 11 thôn Tự Lạc (giai đoạn 1990-1998) cho chúng tôi biết, những năm gần đây, Thọ Nghiệp có nhiều đổi thay, đường làng ngõ xóm được xây dựng bê tông hóa. Điều đặc biệt là trong quá trình xây dựng NTM, nhận thức của bà con nhân dân được nâng cao. Từ một xã thuần nông, đến nay, cùng với chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề ở Thọ Nghiệp cũng có nhiều thay đổi. Các ngành nghề như chế biến lâm sản, vận tải hành khách, mộc gia dụng, mỹ nghệ, cơ khí, xây dựng phát triển. Xã có 2 doanh nghiệp may công nghiệp, giầy da xuất khẩu tạo việc làm thường xuyên cho trên 300 lao động... Trong sản xuất nông nghiệp, nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, nhiều năm liền năng suất lúa của xã thường đạt trên 120 tạ/ha. Có 97% hộ dân trong xã sử dụng nước sạch, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/năm… Kinh tế phát triển, người dân tích cực đóng góp xây dựng quê hương. Các hộ dân trong xã đã tự nguyện hiến đất sản xuất và đóng góp tiền của, vật chất và ngày công lao động làm đường giao thông liên thôn, liên xóm, đường nội đồng. Đến nay, trên địa bàn xã, trên 97% đường giao thông liên thôn, liên xóm đã được bê tông hóa; trạm y tế, trường THCS, 1 trường mầm non và 1 trường tiểu học, đạt chuẩn quốc gia; 13 xóm đạt tiêu chuẩn xóm văn hóa; tình hình an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã luôn ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể chính trị, xã hội của xã luôn đạt vững mạnh, xuất sắc. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Phạm Công Dũng chia sẻ thêm: “Với một xã còn khó khăn, nhất là nguồn ngân sách xã eo hẹp như Thọ Nghiệp, để có được sự đồng lòng nhất trí của các tầng lớp nhân dân và huy động nguồn vốn đầu tư từ nhân dân là điều hết sức quan trọng. Bài học rút ra của địa phương chính là phát huy quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện tốt Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở. Mọi người dân đều được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và được hưởng thụ”.

Với những định hướng, quyết sách mạnh dạn, đúng đắn, phát huy được nội lực của địa phương cộng với tinh thần năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, cấp ủy, chính quyền, nhân dân các xã Thọ Nghiệp, Yên Trung đã góp phần làm khởi sắc diện mạo vùng quê giàu truyền thống cách mạng, hòa chung vào công cuộc đổi mới của quê hương, đất nước. Thật tự hào khi cả 2 xã là những xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM vào năm 2015, góp phần mang lại đổi thay trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân và niềm tin vững chắc vào sự nghiệp cách mạng của Đảng./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com