[links()]
Trần Quốc Hương
(tiếp theo)
Báo Cứu Quốc mới đầu cứ hai ngày ra một số, từ ngày 9-9-1945, ra hằng ngày.
Ngay sau khi về Hà Nội, trong bao nhiêu công việc to lớn, bộn bề, phức tạp của những ngày đầu giành được chính quyền, Tổng Bí thư Trường Chinh đã trực tiếp đứng ra chỉ đạo triển khai công tác tư tưởng và văn hóa của Đảng và Nhà nước. Chỉ vài ngày sau, 24-8, một tuần trước ngày 2-9, anh đã bảo tôi:
Trước mắt, cần triệu tập ngay một cuộc họp cán bộ tuyên truyền và báo chí. Tiếp đó, tích cực chuẩn bị cho báo Cờ Giải Phóng công khai ra mắt bạn đọc.
Nhân dân xã Xuân Hồng, huyện Xuân Thủy, tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) vui mừng đón đồng chí Trường Chinh về thăm quê hương ngày 3.3.1981 |
Tôi được anh Trường Chinh giao nhiệm vụ triệu tập khoảng một trăm anh em thanh niên trí thức Hà Nội đã đứng trong tổ chức hay có cảm tình với Đảng tại hội quán Khai Trí Tiến Đức (tức là Trung tâm hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa, cạnh trụ sở báo Nhân Dân hiện nay). Cuộc họp đó do anh Trường Chinh (với bí danh là Nhân) trực tiếp chủ trì. Có cả anh Phạm Văn Đồng tới dự, được anh Trường Chinh giới thiệu là một nhà văn hóa. Tác giả Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 lần đầu công khai gặp gỡ cán bộ thông tin, tuyên truyền, báo chí, văn hóa, nghệ thuật của cách mạng.
Chính từ cuộc họp đó mà anh Trường Chinh phân công anh em có mặt vào các tổ chức thông tin, tuyên truyền, báo chí, đài phát thanh và cơ quan văn hóa, nghệ thuật của cách mạng.
Các anh Đặng Thai Mai, Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Nam Cao, Nguyễn Đình Thi và nhiều văn nghệ sĩ khác được giao nhiệm vụ xây dựng và phát triển Hội Văn hóa Cứu quốc, với tạp chí Tiên Phong ra hằng tháng. Hội Văn hóa Cứu quốc do anh Đặng Thai Mai làm Chủ tịch, anh Nguyễn Đình Thi làm Tổng thư ký.
Các anh Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Lưu Văn Lợi được giao nhiệm vụ biên soạn cuốn Sách Đen, thu thập các bằng chứng tố cáo tội ác của thực dân Pháp trong 80 năm cai trị thuộc địa ở Đông Dương.
Sau cuộc họp nói trên, nhà văn Nguyễn Công Hoan được cử làm Giám đốc Sở Kiểm duyệt Bắc Bộ, ngồi vào ghế của tên trùm mật thám Cousseau thông thạo cả tiếng Việt và tiếng Hán Nôm, trước đây là giám đốc I.p.p. (thông tin tuyên truyền) đóng trụ sở ở phố Fourès (nay là phố Đinh Lễ). Một tháng sau, chức Giám đốc sở Kiểm duyệt Bắc Bộ được chuyển cho anh Lưu Văn Lợi. Anh Nguyễn Công Hoan được cử làm Giám đốc sở Tuyên truyền Bắc Bộ.
Hội Văn hóa Cứu quốc còn được giao nhiệm vụ ra một tờ báo tiếng Pháp để đấu tranh với Pháp trên dư luận.
Các anh Như Phong, Tô Hoài được phân công về làm báo Cứu Quốc với anh Xuân Thủy.
Anh Nguyễn Công Mỹ được cử làm Giám đốc Nha Bình dân học vụ.
Từ cuối năm 1942 cho đến trước Cách mạng Tháng Tám, báo Cờ Giải Phóng chỉ ra được 15 số. Số 1 đến số 2 cách nhau hơn mười tháng trời; sau đó rút dần khoảng cách xuống sáu tháng, rồi hai tháng một số. Phải đến đầu năm 1945, mỗi tháng mới ra được một số báo. Mỗi một tờ báo thấm đượm bao mồ hôi và công sức của tổ in báo bằng phương tiện thủ công, thô sơ. Mỗi số báo chỉ in được vài trăm tờ, nhiều nhất cũng không quá 1.000 tờ, khổ giấy lại nhỏ, hẹp. Hà Nội ở gần ATK của Trung ương nhất, mỗi số báo chỉ nhận được vài chục tờ. Số báo cuối cùng in ở ATK đề ngày 17-7-1945, mãi đến đầu tháng tám mới về đến Hà Nội. Cầm tờ báo cách mạng được in bí mật trong vùng căn cứ cách mạng cũng rất quý, nhưng đọc nội dung thấy đã bị tình thế cách mạng vượt qua rất xa rồi. Số báo này được biên tập trước khi các đồng chí lãnh đạo của Đảng lên Tân Trào khai hội. Giữa lúc phải tập trung vào triển khai bao nhiêu công tác mới, Cờ Giải Phóng phải tạm nghỉ xuất bản mà không báo trước với bạn đọc được.
Ngày 25-8-1945, sau cuộc họp cán bộ tuyên truyền, báo chí, văn hóa, văn nghệ tại hội quán Khai Trí Tiến Đức cũ, tôi đã cùng Phạm Văn Khoa đi liên hệ, lấy được khu nhà của tên Êra, nguyên giám đốc chính trị sự vụ của Toàn quyền Đông Dương ở 58 phố Risô (nay là phố Quán Sứ, trụ sở của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam bây giờ). Chúng tôi chọn địa điểm này để làm trụ sở của báo Cờ Giải Phóng. Nhà ở phố vắng, yên tĩnh mà lại gần kề trung tâm thành phố, rất tiện cho sự giao dịch và đón tiếp cán bộ từ khắp nơi về liên lạc với Trung ương. Chính tại 58 phố Risô, trong phòng khách chính rất sang trọng trên tầng hai tòa nhà biệt thự của tên Ẽra ngày trước, anh Trường Chinh đã trực tiếp chủ trì cuộc họp thành lập tổ chức cơ quan báo Đảng. Trên cơ sở kiến nghị của tôi, Phạm Văn Khoa được chọn làm người đại diện công khai, đứng tên trong đơn xin phép ra báo gửi lên Bộ Nội vụ, với chức danh là người quản lý của báo. Ngày 10-9-1945, Bộ Nội vụ đã cấp giấy phép cho báo Cờ Giải Phóng, cơ quan tuyên truyền cổ động trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương, xuất bản vào các ngày thứ năm và chủ nhật hằng tuần.
(còn nữa)