[links()]
Trần Quốc Hương
(tiếp theo)
Cuốn phim tài liệu lịch sử về Ngày Độc lập 2 - 9 mà điện ảnh tư liệu nước ta còn lưu giữ được cho đến ngày nay đã quay cảnh một chiếc xe hơi màu đen chở Bác Hồ đi lên quảng trường Ba Đình. Vì nhiệm vụ được giao, tôi may mắn chứng kiến từ phút đầu Bác dời ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang trong buổi sáng đã đi vào lịch sử đó.
Xe đợi sẵn ở ngoài đường. Bác Hồ vừa ra khỏi nhà bỗng thấy xuất hiện mấy anh mặc trang phục kaki mới, mỗi người đeo một khẩu "côn bạt" (loại súng lục Mỹ hiện đại lúc bấy giờ rất hiếm), vai khoác tiểu liên Tôm xơn Mỹ, trông rất oai vệ, đứng chung quanh xe.
Bác hơi nghiêm nét mặt, quay lại hỏi:
Các chú này ở đâu ra thế?
Tôi vội bước lên, thưa với Bác, đó là mấy anh được sở Liêm phóng của ta (do anh Chu Đình Xương làm Giám đốc) cử sang để đi bảo vệ Bác.
Bác cười, khoát tay và ôn tồn nói:
Bác không cần đến các chú! Không được làm điều gì để nhân dân chê trách! Các chú hãy về đi!
Bác lên xe. Người mở cửa, mời Bác lên ngồi ở hàng ghế sau là anh Vũ Đình Huỳnh. Anh được giao công việc lễ tân. Người lái xe vẫn là anh Nền (tức Ngọc). Chiếc xe lên phim vẫn là chiếc xe Citroien Traction Avant mang biển số 20. Ngồi cạnh anh Nền là bác sĩ Lê Văn Chánh.
Xe Bác đi giữa. Hai bên là hai hàng xe đạp của đội Tự vệ công nhân Hà Nội, ăn mặc giản dị, không đeo vũ khí gì, do anh Trần Ngọc Minh chỉ huy, được phép đi theo xe Bác.
Xin phép được nói đôi chút về thành phần Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân ngày 2-9. Từ mấy hôm trước, họp với Thường vụ Trung ương, Bác Hồ đã nêu vấn đề mở rộng Chính phủ, mời thêm các nhân sĩ, trí thức tham gia, như cụ Nguyễn Văn Tố (không đảng phái) làm Bộ trưởng Xã hội, ông Nguyễn Mạnh Hà (công giáo): Bộ trưởng Kinh tế, ông Vũ Trọng Khánh (Dân chủ): Bộ trưởng Tư pháp, ông Đào Trọng Kim (không đảng phái): Bộ trưởng Giao thông công chính, ông Vũ Đình Hòe (Dân chủ): Bộ trưởng Giáo dục, anh Phạm Ngọc Thạch (Nam Bộ): Bộ trưởng Bộ Y tế.
Tôi nhớ mãi một kỷ niệm sâu sắc về cụ Nguyễn Văn Tố. Trong các vị Bộ trưởng trong Chính phủ, chỉ có cụ là người không mặc complet, veston, đeo cà vạt mà vẫn đội khăn và mặc áo dài cổ truyền. Hôm ấy, như thường lệ, cụ vẫn cẩn thận mang theo bên mình chiếc ô đen quen thuộc. Trời nắng, Bác Hồ của chúng ta, đầu trần, giản dị trong bộ kaki đại cán, trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập. Cả mấy chục vạn người đứng im phăng phắc lắng nghe lời Bác. Nghĩ đồng bào nghe mình nói tiếng Nghệ An có thể nghe không rõ, Bác Hồ ngừng đọc, cất tiếng, qua micrô, hỏi rất thân mật:
Đồng bào có nghe rõ tiếng tôi không?
Cả biển người trên quảng trường trả lời như sấm dậy: "Có!". Giữa lúc ấy, đứng dưới lễ đài, tôi chợt nảy ra ý tưởng đi lên chỗ cụ Nguyễn Văn Tố, khẽ khàng hỏi mượn cụ chiếc ô đen để che nắng cho Hồ Chủ tịch. Tôi nhanh chóng trao nhiệm vụ cho một anh công nhân làm bảo vệ trên lễ đài cầm ô che nắng cho Bác Hồ. Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản có ghi lại hình ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập với chiếc ô đen in trên nền trời Ba Đình. Đó là chiếc ô của cụ Nguyễn Văn Tố.
Trận địa báo chí ở Hà Nội sau ngày 19-8-1945 có gì mới?
Tờ báo Tin Mới đổi tên là Dân Quốc. Tờ Đông Pháp do Ngô Văn Phú làm chủ nhiệm, sau ngày 9-3-1945 đổi tên là Đông Phát nay lại đổi tên là Dân Thanh, cả hai tờ báo hằng ngày có số lượng phát hành khá lớn này đều đổi giọng ủng hộ cách mạng với mức độ vừa phải để đủ vừa lòng từng đối tượng người đọc. Chỉ có một tờ Bình Minh của bọn thân Nhật tự đóng cửa. Trụ sở của báo này ở 51 phố Hàng Bồ (báo Lao Động hiện nay) trở thành trụ sở của Ban Công vận trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ sau Cách mạng Tháng Tám.
Mười ngày sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, báo Cứu Quốc của Tổng bộ Việt Minh, do anh Xuân Thủy phụ trách, đã xông ra xuất bản công khai, phục vụ bạn đọc. Tòa soạn và nhà in đóng ngay tại 44 phố Lê Thái Tổ, bên hồ Hoàn Kiếm (nay là trụ sở báo Hà Nội Mới). Đó là do chiếm lại được trụ sở cũ của bọn "Phụng sự quốc gia" thân Nhật do Lê Quang Luật và Trần Trung Dung (một tri huyện, sau làm bộ trưởng Bộ quốc phòng cho Ngô Đình Diệm) thuộc nhóm tri thức công giáo có thế lực cầm đầu. Địa điểm này, trước kia cũng là trụ sở của báo l'Action (Hành động) của thực dân Pháp.
(còn nữa)