[links()]
Trần Quốc Hương
(tiếp theo)
Tôi nhớ mãi buổi tối 17-8-1945 được tới dự một cuộc hội ý chớp nhoáng tại nhà cơ sở của Đội Tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu ở số 6 phố Hàng Đào, biểu dương các đội viên hăng hái. Có hai nhà văn Như Phong và Học Phi, hội viên Hội Văn hóa Cứu quốc, đã ngồi tại chỗ viết một bài tường thuật hào hứng về cuộc biểu dương lực lượng vĩ đại của Việt Minh Hà Nội và Hà Nội Việt Minh vừa qua. Mười giờ đêm 17 - 8, Như Phong và Học Phi lại cùng mấy bạn Thanh niên xung phong đến tận tòa soạn báo Tin Mới ở phố Phủ Doãn yêu cầu cho đăng ngay bài báo vào số báo ra ngày hôm sau.
Cũng trong đêm 17-8, Thành ủy Hà Nội tổ chức một cuộc họp mở rộng tới cán bộ chủ chốt các ngành của thành. Hội nghị họp ở nhà một cơ sở cách mạng ở Dịch Vọng. Anh Nguyễn Khang cho biết, tại cuộc họp này sẽ thành lập ủy ban quân sự cách mạng (tức ủy ban khởi nghĩa) của Hà Nội. Ủy ban do anh Nguyễn Khang làm chủ tịch, gồm anh Trần Quang Huy và một vài anh nữa. Hội nghị Dịch Vọng sẽ là một hội nghị lịch sử của Thủ đô vì chính hội nghị này sẽ quyết định ngày giờ Hà Nội khởi nghĩa. Hôm sau, ủy ban quân sự cách mạng sẽ chuyển hẳn vào nội thành, ở nhà số 101 phố Gambetta (nay là đường Trần Hưng Đạo) để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Anh Nguyễn Khang bảo tôi:
Công việc từ nay hết sức khẩn trương, vừa thiếu cán bộ, lại vừa thiếu phương tiện. Hay là anh đi họp và tham gia ủy ban với chúng tôi?
Tôi nhớ đến lời căn dặn của anh Trường Chinh, lựa lời nói với anh Nguyễn Khang vì bận một số công việc của Trung ương giao, cho nên không thể tham gia ủy ban quân sự cách mạng của Hà Nội được. Tôi sẽ tự tay lái một chiếc xe ô tô con của một cơ sở của Trung ương đến số nhà 101 phố Gambetta để cho anh Nguyễn Khang sử dụng.
Ngay sau ngày 19-8-1945, Thường vụ Xứ ủy và Thành ủy Hà Nội cử người lên Thái Nguyên đón Trung ương. Vì nước lụt mênh mông, anh Trường Chinh phải đi đò, xuôi sông Cầu, vào sông Đuống, tới làng Phù Đổng. Một chiếc xe ô tô con đã chờ sẵn ở đó. Người đi đón anh Trường Chinh về Hà Nội là anh Vũ Đình Huỳnh. Từ Gia Lâm, qua cầu Long Biên, vào nội thành, khắp nơi và mọi nhà đều treo cờ đỏ sao vàng.
Qua cầu sông Cái - anh Trường Chinh nhớ lại - thấy cả thành phố rợp bóng cờ bay, tôi không sao nén nổi xúc động. Chưa bao giờ, tôi được thấy một cảnh tượng hùng vĩ đến như thế!.
Ngày 21-8-1945, tôi đón anh Trường Chinh ở nhà số 48 phố Hàng Ngang. Đây là ngôi nhà ba tầng của ông bà Trịnh Văn Bô. Nhà có hai lối vào. Cửa chính, mang biển số 48 Hàng Ngang, là lối vào nơi bán hàng, cửa sau, trông ra phố Hàng Cân, số nhà 35. Cả tầng hai số nhà 48 phố Hàng Ngang, ông bà Trịnh Văn Bô dành cho cách mạng. Cùng đón anh Trường Chinh hôm ấy với tôi có anh Trần Đăng Ninh.
Anh Trần Đăng Ninh bảo tôi:
Từ nay nhiệm vụ của anh là lo bảo vệ anh Trường Chinh đấy. Điều kiện làm việc và sinh hoạt sau khi giành được chính quyền có khác với thời kỳ hoạt động bí mật. Song, vẫn cứ phải cảnh giác. Anh phải chịu trách nhiệm trước Trung ương về việc này đấy. Cái chính bây giờ vẫn là phải giữ gìn bí mật.
Gặp lại tôi, anh Trường Chinh tay bắt mặt mừng, hồ hỏi nói:
Có nhiều công việc cho cậu làm đấy!
Tôi cũng được biết, ngay sau đó, Thường vụ Trung ương đã họp và phân công anh Hoàng Quốc Việt, dùng xe hơi cấp tốc thực hiện một chuyến đi xuyên Việt, từ Bắc vào Nam, nắm tình hình và cùng các địa phương đẩy nhanh lộ trình khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước.
Anh Lê Đức Thọ được Thường vụ Trung ương cử đi đón Bác Hồ. Anh Thọ đi đón hướng khác. Bác Hồ đi thuyền theo đường sông Hồng về Chèm. Chiều 25-8-1945, anh Hoàng Tùng, cán bộ phụ trách ATK ngoại thành, vinh dự được đón Bác và đưa Bác về nghỉ ở nhà bà Chánh Hai, một cơ sở cách mạng tin cậy, ở Phú Thượng (nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội).
Chiều tối chủ nhật 26-8-1945, anh Trường Chinh lên Phú Thượng đón Bác Hồ về nhà 48 phố Hàng Ngang.
Vẫn chiếc xe Citroien mang biển số T.A.20 do anh Nền (tức Ngọc), lái xe của kho Nhà Đoan, hôm nào đưa anh Nguyễn Khang đi khắp Hà Nội chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa, rồi đi đón anh Trường Chinh, hôm nay lại đi đón Bác vào nội thành Hà Nội. Xe đưa Bác từ Chèm, dọc theo đê Yên Phụ, xuống dốc Hàng Than, qua Hàng Giấy, Hàng Mã, rồi dừng lại ở số nhà 35 phố Hàng Cân.
(còn nữa)