[links()]
Trần Quốc Hương
(tiếp theo)
Chưa bao giờ một chỉ thị đi nhanh vào đời sống đến như thế. "Phá kho thóc, giải quyết nạn đói" là khẩu hiệu chính để phát động phong trào chống Nhật cứu nước. Chủ trương đó của Đảng đã đáp ứng nguyện vọng bức thiết của quần chúng và dấy lên một cao trào cách mạng mạnh mẽ chưa từng thấy. Chỉ trong một thời gian ngắn, khẩu hiệu thần tình đó đã động viên các tầng lớp nhân dân sâu rộng nhất, kể cả những người xưa nay ít tham gia đời sống chính trị, tiến lên mặt trận cách mạng.
Sau ngày 12-3-1945, anh Trường Chinh có họp với Công tác đội chúng tôi một buổi, bàn triển khai một số công việc bức xúc cần làm ngay. Anh Sáu Thọ được giao nhiệm vụ chủ trì một cuộc họp truyền đạt, phổ biến chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta cho cán bộ các tỉnh, thành Bắc Kỳ và Trung Kỳ tại làng Bịu (tức Hoài Bão, Từ Sơn, Bắc Ninh).
Anh Nguyễn Khang, ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, trong hồi ký, nhớ lại: "Chỉ thị 12-3 của Thường vụ Trung ương đến sớm với Hà Nội thật là một cẩm nang vô cùng quý giá. Không những về nhận định tình hình và chủ trương toàn bộ, mà ngay về các công việc cụ thể đều có thấy trong bản chỉ thị này những lời chỉ dẫn hết sức sáng suốt. Về sau này, trong những ngày Tiền khởi nghĩa, mỗi khi phải giải quyết vấn đề gì có tính chất quyết định, chúng tôi đem bản chỉ thị ra đọc lại và thấy vững tâm vô cùng".
Một diễn biến của tình hình hết sức quan trọng phát sinh từ cuộc đảo chính 9-3, trong lúc Nhật hất cẳng Pháp, là đội ngũ tiên phong của cách mạng đột nhiên được tăng cường lực lượng một cách nhảy vọt. Hàng nghìn chiến sĩ cộng sản ở các nhà tù đế quốc thực dân Pháp khắp nơi trong cả nước đã trải qua nhiều thử thách, được chuẩn bị khá chu đáo, nắm bắt thời cơ, trong các điều kiện và hoàn cảnh khác nhau, lợi dụng xung đột Nhật - Pháp nổ ra, đã tổ chức vượt ngục thành công hoặc tìm mọi cách trốn thoát khỏi chốn lao tù. Đó là nguồn bổ sung cán bộ rất quý báu cho phong trào, một trong những nhân tố góp phần đẩy mạnh công cuộc chống Nhật cứu nước, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương.
Tôi vô cùng xúc động gặp lại Thôi Hữu ở nhà Tô Hoài trong làng Nghĩa Đô, gần chợ Bưởi. Mới ba ngày trước, ở Nhà tù Hỏa Lò, Thôi Hữu đã tự gây thương tích để được đưa vào nhà xác. Từ nhà xác Hỏa Lò, ban đêm Thôi Hữu lần mò chui luồn qua đường cống, thoát được ra ngoài.
Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta được đưa cả vào Nam. Sau cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, do Pháp khủng bố mạnh, việc giao thông giữa Trung ương và Đảng bộ Nam Kỳ rất khó khăn. Trung ương nhiều lần phái giao thông vào, nhưng chỉ được một, hai chuyến là lại bị đứt. Kể cả Đảng bộ trong Nam cử người ra Trung ương cũng như vậy.
Sau cuộc đảo chính, Xứ ủy Nam Kỳ, qua các anh Lê Hữu Kiều (Nam Mộc), Dân Tôn Tử, chị Mười Thập, đã phái anh Trịnh Xuân Cảnh, là hướng đạo sinh, cháu cụ cử Hoành, cơ sở của anh Kiều, mang tài liệu, sách, báo của phía Nam ra báo cáo Trung ương. Tôi đã bố trí để anh Trường Chinh trực tiếp gặp anh Cảnh ở Thượng Cát (Gia Lâm). Chính trong cuộc gặp này, anh Trường Chinh đã hỏi anh Cảnh về đời sống của nhân dân Sài Gòn và hoạt động của ta, rồi giao bản chỉ thị quan trọng này cho anh Cảnh mang về Nam.
Đấy là giao thông từ Nam đi ra, còn từ ngoài này mang vào Đảng bộ trong Nam do chị Kỳ (vợ anh Văn Tiến Dũng) đảm nhiệm. Nhân Xứ ủy "Tiền Phong" cử Lý Chính Thắng (là cháu anh Hà Huy Giáp) trong Xứ ủy "Tiền Phong" ra Bắc tìm bắt liên lạc với Trung ương, lúc trở về, anh Trường Chinh đã cử chị Kỳ đi cùng, trong người mang theo bản Chỉ thị này. Vào tới Sài Gòn, chị Kỳ đã chuyển giao tài liệu cho các anh Ung Văn Khiêm và Hà Huy Giáp. Như thế là cả các đồng chí bên "Tiền Phong" cũng như bên "Giải Phóng" đều nhận được tài liệu quan trọng này.
Cũng nhờ sách, báo và thông tin từ miền Nam ra, Thường vụ Trung ương biết tình hình nội bộ Đảng trong đó không đoàn kết. Một mặt anh Trường Chinh viết một bài đăng trên báo Cờ Giải Phóng đầu đề là "Hãy kíp đi vào đường lối", trong đó nói rõ các khuyết điểm về khẩu hiệu đấu tranh của cả hai bên "Tiền Phong" và "Giải Phóng", kêu gọi hai bên hãy đoàn kết theo đường lối của Trung ương và nói rõ trong tình thế khẩn trương này nội bộ không đoàn kết là phạm tội ác lớn.
Cùng với bài báo, tháng 7-1945, Thường vụ Trung ương còn cử anh Bùi Lâm vào Sài Gòn để thống nhất hai bên cả về mặt tổ chức. Nhưng kết quả vẫn chưa được như ý Trung ương mong muốn.
(còn nữa)