[links()]
Trần Quốc Hương
(tiếp theo)
Cuộc đảo chính diễn ra ở Hà Nội rất ác liệt. Trong thành, Pháp chỉ để 450 quân. Cuộc đọ súng kéo dài suốt đêm, đến gần sáng thì quân Pháp hạ vũ khí đầu hàng. Suốt ngày 10 và đêm 11-3, đài phát thanh Tôkyô loan tin hết cứ điểm này đến cứ điểm khác của Pháp đầu hàng "một cách hòa bình" hoặc đầu hàng "không chống cự". Trong vòng bốn mươi tám tiếng đồng hồ, Nhật đã bắt giam và quản chế 95.000 người Pháp, cả quân nhân và dân thường. Sáng 11-3, đài Tôkyô công bố danh sách những nhân vật chóp bu ở Đông Dương, từ đô đốc Toàn quyền Đờcu, tư lệnh quân đội đương chức Aymê, tướng về hưu Moócđăng đến chánh mật thám Ácnu. Tất cả viên chức, từ cấp cao cho đến cấp thấp nhất đều bị tước quyền hành, bị bỏ tù hoặc tập trung lại. Tất cả sĩ quan và binh lính đều bị giải giáp và giam giữ. Cờ Pháp bị hạ xuống ở tất cả công sở và căn cứ quân sự.
Tướng Moócđăng, thủ lĩnh của phái Pháp thân Đờ Gôn, đã nộp mạng cho Nhật như thế nào? Ngày 9-3, Moócđăng ẩn náu trong nhà quan năm thầy thuộc B.Ruxen (B. Roussel), thanh tra quân y, ở mé ngoài thành Hà Nội. Trong hồi ký Phụng sự nước Pháp viết về cái đêm 9 - 3 - 1945 kinh hoàng ấy, nghe tiếng súng Nhật nổ, Moócđăng tự hỏi: "Chờ cái chết đến như con thú bị săn lùng hay là giơ đầu ra cho hiến binh Nhật chém? Máu chảy là vô ích. Sau một đêm đau khổ và bất trắc, vì căm uất và vì thất vọng, tôi tự nguyện nộp mình để trả giá cho thất bại, chịu bị bắt làm tù binh trong những điều kiện thô bạo, nhưng kín đáo, không cho người An Nam trông thấy. Và điều này hết sức quan trọng đối với tôi".
Ngay trong đêm mà Moócđăng ôm đầu, run rẩy nghĩ đến chuyện đầu hàng Nhật thì Hội nghị Thường vụ Trung ương mở rộng họp tại làng Đình Bảng, do anh Trường Chinh chủ trì, sôi nổi và hào hứng thảo luận về dự thảo chi tiết bản chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Hội nghị làm việc suốt đêm, cho đến gần sáng mới kết thúc thảo luận về những "công việc cần kíp" do tình hình mới đề ra.
Nhận định lớn của hội nghị là: "Cuộc đảo chính đã tạo ra một tình thế khủng hoảng chính trị sâu sắc, cùng với nạn đói ghê gớm và cuộc chiến tranh thế giới đến giai đoạn quyết liệt nhất làm cho những điều kiện của cuộc khởi nghĩa sẽ chín muồi nhanh chóng". Khẩu hiệu cách mạng kịp thời thay đổi, tập trung "Đánh đuổi phát xít Nhật" và nhằm trực tiếp "thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân Đông Dương". Chủ trương trước mắt của Đảng là "phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa". Hội nghị quyết định thay đổi mọi hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức cho hợp với thời kỳ Tiền khởi nghĩa, động viên mau chóng quần chúng nhân dân lên mặt trận cách mạng, tập dượt cho quần chúng mạnh dạn tiến lên Tổng khởi nghĩa.
Vì tình thế cách mạng mới hết sức bức xúc, cuộc họp không thể kéo dài. Sáng 10-3 -1945, anh Trường Chinh căn dặn các đại biểu ra về cứ theo tinh thần cơ bản của chỉ thị mà Thường vụ Trung ương đã kết luận để về "truyền đạt miệng", phổ biến trước cho cán bộ, đảng viên mà mình phụ trách. Chỉ thị in trên giấy trắng, mực đen, chỉ trong vòng hai ngày nữa, sẽ được gửi tới sau, theo đường dây giao thông của Trung ương. Cũng trong sáng 10-3-1945, anh Trường Chinh về ngay làng Viên Nội (Đông Anh) ngồi viết lại cho thật hoàn chỉnh văn kiện này. Cơ quan in báo Cờ Giải Phóng đóng ở Viên Nội được huy động tập trung lực lượng vào việc in cấp tốc hàng nghìn bản. Chỉ thị lịch sử Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta ra đời như thế đó, đề ngày 12-3-1945. Đó là ngày chính thức phát hành rộng rãi văn kiện này.
Tôi ở nội thành, qua các nguồn tin nắm được, biết rằng các chiến sĩ lê dương chống phát xít như Chiến Sĩ, E.Phrây và Srôđơ bị kẹt ở Hà Nội và bị Nhật bắt giam. Còn Gôtvan, một chiến sĩ lê dương người Tiệp, thì mất tích.
Cũng vào ngày 12 - 3 - 1945, được sự đạo diễn của Nhật tại Hà Nội, bọn phản động Đại Việt quốc gia liên minh (là tổ chức tập hợp tất cả các phần tử thân Nhật từ Việt Nam Quốc dân Đảng đến Đại Việt dân chính), tổ chức mít tinh chào mừng "độc lập" do Tôkyô ban cho. Chắc ít ai còn nhớ cái thứ mít tinh không thể nào lúi xùi hơn. Bọn diễn giả mặc áo đi mưa Nhật và đi bốt Nhật đứng dưới mái hiên quán rượu Taverne Royal (nay là nhà triển lãm đường Đinh Tiên Hoàng) tập tọng diễn trò chính trị. Cờ chưa có. Người tò mò đến xem mít tinh hơn là dự mít tinh, đứng không hàng lối trên ngã tư đầu đường Tràng Tiền, góc Hàng Khay, xe tay lẫn với người, thỉnh thoảng xe hơi nhà binh Nhật chạy qua, mọi người lại dạt ra.
Chỉ thị 12 - 3 - 1945 đến Hà Nội giữa những ngày sinh viên và thanh niên Hà Nội tổ chức kỷ niệm Hai Bà Trưng. Năm vạn người tham gia biểu tình, biểu thị tinh thần yêu nước đang rạo rực hơn bao giờ hết đã định hướng cho một lớp người đông đảo.
Tác động sâu sắc đến chiều hướng suy nghĩ của mọi người là nạn đói khủng khiếp đang diễn ra ngay trên đường phố Hà Nội. Hằng ngày, nông dân không có ăn ở một vùng đồng bằng miền Bắc rộng lớn, lũ lượt kéo vào thành phố tìm đường sống, xác người chết đói mỗi sớm mai nằm la liệt trên các vỉa hè, trong các vườn hoa, trong các hầm trú ẩn tránh máy bay ở chung quanh Hồ Gươm. Chính mắt tôi trông thấy đồng bào đói tay không xông vào cướp xe gạo của Nhật, có hiến binh Nhật đi áp tải hẳn hoi ngay trước đền Bà Kiệu.
(còn nữa)