Những năm tháng làm việc bên anh Trường Chinh (kỳ 22)

06:12, 27/12/2017

[links()]

Trần Quốc Hương

(tiếp theo)

    Chập tối, các đại biểu đã có mặt dưới nhà ngang chùa Đồng Kỵ. Anh Hoàng Quốc Việt, ủy viên Thường vụ Trung ương, lúc đó vì bận đi công tác xa nên không dự họp được. "Tôi lúc bây giờ - anh Lê Đức Thọ nhớ lại - đóng vai một người đi lễ chùa, đầu đội khăn xếp, mặc áo lương, quần trắng, tay xách khăn vải nâu, trong đó có nải chuối và vài thẻ hương". Nhưng chưa họp thì bỗng có tiếng gõ cửa gấp gáp. Rõ ràng là có chuyện rồi. Thấy lấp loáng có ánh đèn pin. Sư cụ cho chú tiểu ra mở cửa, rồi bước vội ra giữa sân, cất cao tiếng chào khách:

    Chào thầy chánh trương, mời thầy vào chơi.

    Nhà chùa hôm nay có việc gì mà đông khách thế?

    Sư cụ bình tĩnh đáp:

    À, đó là mấy ông thợ sơn đến tô tượng cho nhà chùa từ mấy hôm trước. Hôm nay xong việc, các ông ấy vào tính toán tiền nong rồi kéo nhau ra về cả rồi.

    Thấy không ổn, anh Trường Chinh trao đổi ý kiến với các đại biểu, rồi quyết định dời cuộc họp về làng Đình Bảng cách chùa Đồng Kỵ mấy cây số. Các anh nói cho sư cụ biết rồi lẳng lặng đi ra sau vườn, ở đó, có một rặng tre già, khá um tùm, dưới chân có một lỗ hổng rộng. Các đại biểu theo chân nhau, lần lượt thoát ra khỏi rặng tre, băng qua cánh đồng.

    Khi đến gần rừng Sặt (nay là trường Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn, thuộc địa phận làng Trang Liệt) chỉ còn vượt qua đường xe lửa là vào làng Đình Bảng thì bỗng nghe thấy tiếng súng nổ rất dữ dội từ phía Hà Nội.

    Anh Trường Chinh vui sướng reo lên:

    Nhật, Pháp bắn nhau rồi, anh em ơi!

    Lúc đó, đúng tám giờ hai mươi lăm phút tối ngày 9 - 3- 1945.

    Đã có sự chuẩn bị chu đáo từ trước. Các anh Lim và Tỉnh, hai con trai ông Đám Thi, đưa các đại biểu về ngay nhà mình. Cuộc họp được bố trí ngay trên gian gác nhỏ nhà ông Đám Thi. Đội tự vệ làng Đình Bảng do chi bộ Đảng lãnh đạo được giao nhiệm vụ bảo vệ cuộc họp. Theo chỉ thị của anh Trường Chinh, anh Tỉnh chọn ngay mấy thanh niên học sinh nhanh nhẹn, tháo vát, đạp xe băng qua cầu sông Cái sang bên Hà Nội làm nhiệm vụ nghe ngóng, thu thập tin tức, đi đi, về về, "báo cáo nhanh" diễn biến tình hình.

    Nhật đã hất cẳng Pháp như thế nào? Trong ngày 9 - 3 - 1945, vào sáu giờ chiều, đại sứ Nhật Matsumoto, cùng Tổng lãnh sự Kono đến gặp Đờcu ở phủ toàn quyền Sài Gòn, trao cho hắn ta một tối hậu thư đòi các lực lượng vũ trang Pháp phải đặt dưới quyền chỉ huy của Nhật. Mọi phương tiện giao thông vận tải, cơ quan ngân hàng và cơ quan hành chính đều phải trao cho Nhật. Nhật lúc này cũng đang ở thế bí. Đông Dương có thể trở thành hợp điểm rút lui của đại quân Nhật trên toàn mặt trận Đông Dương. Ba ngày trước, Manila, thủ đô Philippin, đã rơi vào tay Mỹ. Tiếp đó, hai ngày trước, ổ chiến đấu cuối cùng của quân Nhật giữa đại dương là đảo Corrigedor cũng đã phải hạ vũ khí. Trước năm 1945, chỉ có khoảng 6.200 quân Nhật thuộc quân đoàn 38 đóng ở Đông Dương. Đến nay, Nhật đã đưa thêm 24.000 quân thuộc quân đoàn 37 vào miền Bắc, và 13.000 quân vào miền Nam. Bộ Tư lệnh Tập đoàn quân Phương Nam của Terauchi đóng tại Sài Gòn từ cuối năm 1944.

    Trong vòng hai tiếng đồng hồ theo quy định của tối hậu thư, Nhật điều quân rậm rịch ở khắp mọi nơi. Nhận được sự trả lời không hài lòng sau đó, cho rằng Đờcu đã bác bỏ tối hậu thư, từ tám giờ hai mươi lăm phút tối 9 - 3 - 1945, tiếng súng đảo chính của Nhật đã nổ cùng một lúc từ Sài Gòn đến Hà Nội, và tất cả những nơi có quân Pháp đóng trên toàn cõi Đông Dương. Bấy giờ, lực lượng vũ trang của Pháp đâu phải là nhỏ, đông hơn quân Nhật, gồm 74.000 quân chính quy thuộc đạo quân thuộc địa, với 19.500 sĩ quan Pháp chỉ huy, cộng thêm Binh đoàn lê dương người châu Âu không phải Pháp, chưa kể 25.000 lính khố xanh do 300 sĩ quan Pháp chỉ huy.

    Ở miền Bắc, Pháp tập trung lực lượng mạnh nhất. Một cánh quân do tướng G.Sabatiê (G. Sabattier) chỉ huy, ngay từ trước ngày 9-3 thấy hơi động đã chuồn trước sang Tàu. Một cánh quân khác, do tướng Alêchxanđri chỉ huy đóng ở Sơn Tây và Việt Trì, chạm súng qua loa với quân Nhật, rồi tháo chạy lên miền núi, tìm mọi cách tránh giao chiến với quân Nhật, lần đường rút sang bên kia biên giới Trung Hoa. Như vậy, chỉ có khoảng 5.000 quân, trong đó có hơn 2.000 lính Pháp, là chạy thoát sang Trung Quốc.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com