[links()]
Trần Quốc Hương
(tiếp theo)
Tôi và Chiến sĩ đến tận nơi quan sát. Ngoài tầng trệt, các phòng trên hai lầu trên đều không thấy bày biện đồ đạc gì, ngoài mấy tấm đệm rải trên sàn. Tuy gần các biệt thự sang trọng của bọn sĩ quan cao cấp Nhật ở phố Halais (phốNguyễn Du bây giờ) và Sở liêm phóng Đông Dương, nhưng lại là nơi ít người để ý.
Tôi về ATK báo cáo. Nghe xong, anh Trường Chinh quyết định, bảo tôi chuẩn bị cho anh vào Hà Nội dự cuộc họp với đại diện phái những người Pháp thân Đờ Gôn ở Hà Nội, gồm cả Lui Capuy thuộc Đảng xã hội SFIO, Chiến sĩ và E. Phrây, đại biểu các chiến sĩ lê dương chống phát xít.
Tôi nghiên cứu và chuẩn bị cho chuyến đi rất cẩn thận, làm thế nào để bảo vệ đưa anh đến địa điểm họp an toàn, không để xảy ra bất cứ một sơ xuất nhỏ nào!
Cuối tháng 12-1944, trời rét đậm. Tôi kiểm tra kỹ chiếc xe đạp bánh to thật tốt, đi lên Nhật Tân, đón anh Trường Chinh từ ATK vào nội thành. Anh cải trang là một lái buôn bè gỗ, ngồi lên xe. Tôi đèo anh về thẳng nhà cô em gái tôi (vợ liệt sĩ Trần Duy Dương, trung đội trưởng tự vệ hy sinh ngay những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp), ở Bến Nứa, để anh nghỉ tạm. Rồi đến nhà anh Phan Hiền, bấy giờ là sinh viên năm thứ ba trường Luật Hà Nội, nhà ở 54 phố Hàng Ngang. Đó là cơ sở cách mạng do anh Đặng Việt Châu giới thiệu. Cách đây một tuần, anh Trường Chinh bảo tôi đến gặp anh Phan Hiền. Cụ Cử, mẹ anh Phan Hiền, cũng là mẹ vợ anh Phan Tử Nghĩa, sau này có thời gian làm Tổng thư ký Đảng Xã hội. Bà cụ Cử tiếp tôi rất niềm nở. Sau đó đến nhà Capuy gặp anh Đào Văn Mỹ, là người do ta bố trí làm bồi cho Capuy từ trước, nắm thêm thông tin.
Anh Trường Chinh từ hai tuần trước, đã căn dặn tôi và anh Phan Hiền đọc kỹ mấy bài báo của anh viết về chính sách của Đảng ta đối với những người Pháp thân Đờ Gôn ở Đông Dương, đăng trên báo Cờ Giải Phóng. Đó chính là những quan điểm cơ bản mà anh Trường Chinh sẽ nêu ra trong cuộc họp.
"Lui Capuy, anh Trường Chinh nói với chúng tôi, biết tôi từ thời kỳ tôi làm báo công khai Mặt trận Dân chủ. Hồi đó, Lui Capuy là thanh tra học chính, bí thư Đảng xã hội SFIO. Vì đứng về phía Đờ Gôn, nên có thời gian Lui Capuy bị toàn quyền Đờcu bắt giam. Nay, thời thế đã thay đổi, Đờ Gôn lên cầm quyền ở Pháp, cho nên Capuy có vị thế mới. Gần đây, tướng Moócđăng, cầm đầu phái Pháp thân Đờ Gôn có quan hệ chặt chẽ với Lui Capuy là điều cũng dễ hiểu. Vì nhóm lê dương chống phát xít móc nối được với Lui Capuy, cho nên mới có cuộc gặp này. Họ muốn coi đây là cuộc gặp bí mật giữa những người xã hội và cộng sản thì cũng không sao. Khi phát biểu ý kiến, tôi sẽ nói rõ Nhật, Pháp thế nào cũng hất cẳng nhau. Nói hất cẳng nhau, nhưng không nói cụ thể thằng nào hất cẳng thằng nào".
Khi Hà Nội mới lên đèn, tôi và anh Phan Hiền tháp tùng anh Trường Chinh đến nhà số 16 phố Delorme. Chúng tôi được tham dự cuộc họp với tư cách là những người phụ tá, giúp việc anh Trường Chinh. Theo đúng hẹn, E.Phrây và Chiến sĩ đã có mặt ở đó trước mười phút để đón anh Trường Chinh. Thiếu tá bác sĩ quân y Sâybơlích ra tận cửa đón chúng tôi.
Ngồi trên lầu hai được một lúc thì Lui Capuy và thiếu tá hậu cần Ôriôn cùng tới.
Vừa trông thấy anh Trường Chinh, Lui Capuy đã thốt lên, ra vẻ ngạc nhiên:
Đại diện Tổng bộ Việt Minh lại chính là cộng sản à?
Anh Trường Chinh tươi cười đáp:
Vào giờ phút này, Mặt trận Việt Minh đã lớn mạnh rồi, tập hợp trong hàng ngũ mình tất cả những người Việt Nam yêu nước. Tất nhiên, trong đó có cả cộng sản. Và Việt Minh, vào giờ phút này, đang đứng cùng một trận tuyến với các nước Đồng minh chiến đấu chống phát xít Nhật để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc mình.
Tất cả ngồi xuống sàn nhà. Mọi người đều nhất trí, thời gian họp không nên kéo dài, chỉ trong vài giờ buổi tối mà thôi. Lịch sự và nhã nhặn, thiếu tá bác sĩ quân y Sâybơlích mời anh Trường Chinh phát biểu trước.
Với một giọng điềm đạm mà sôi nổi, anh Trường Chinh chào mừng những người Pháp theo Đờ Gôn, các chiến sĩ lê dương chống phát xít, trong giờ phút nghiêm trọng này đã ý thức được sự cần thiết phải gặp đại biểu Mặt trận Việt Minh để trao đổi quan điểm về tình hình hiện nay ở Đông Dương, tiến tới tạo dựng được một sự liên minh để cùng nhau phối hợp chống phát xít Nhật.
(còn nữa)