[links()]
Trần Quốc Hương
(tiếp theo)
Quân đội Hitle bị quét sạch khỏi đất Pháp. Pari được giải phóng. Ngay tức khắc, đối với Đông Dương, Đờ Gôn ra hai quyết định. Một là, cử tướng Blegiô (Blaizot) làm tư lệnh "các lực lượng Pháp ở Viễn Đông", núp bóng đô đốc Anh Munbatơn (Mounbatten), nằm chờ sẵn ở Cancutta (Ấn Độ). Hai là, cử tướng Moócđăng, Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương, làm đại diện của chính phủ lâm thời nước Pháp tự do và cầm đầu những người Pháp thân Đờ Gôn ở Đông Dương. Moócđăng được phong cấp tướng trước Blegiô, nay phải dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Blegiô nên chẳng vui vẻ gì.
Trong bài diễn văn đọc tại Sài Gòn nhân kỷ niệm năm thứ tư ngày thành lập Binh đoàn lê dương, Đờcu thốt ra một câu đáng chú ý: "Nước Pháp sẽ lấy lại chủ quyền, hòa giải các con cái". Ngay sau đó, Nhật đã bắt Đờcu phải thanh minh về thái độ của mình. Đồng thời, Nhật đưa ra những yêu sách mới, buộc bọn Pháp ở Đông Dương phải tuyên chiến với Anh - Mỹ; nhường cho Nhật nhiều cứ điểm quan trọng và chịu cho võ quan Nhật trực tiếp chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương... Rồi để ngăn ngừa quân Pháp quay phản và gây áp lực, Nhật gấp rút tăng cường các lực lượng quân sự ở miền Bắc Việt Nam. Tình hình Nhật, Pháp ngày càng căng thăng.
Trường Chinh làm việc tại xưởng in Hồng Phong (Bắc Việt). |
Qua đài phát thanh Thổ Nhĩ Kỳ ở Ancara, Nhật gián tiếp tuyên bố "công khai chiếm cứ Đông Dương". Ngày 2 - 9 - 1944 ở Lạng Sơn đã xảy ra va chạm giữa lính Nhật và lính Pháp. Nhưng rồi bọn chúng lại dàn xếp được với nhau.
Vào thời điểm nóng bỏng đó, báo Cờ Giải Phóng, số 7, ra ngày 28 - 9 - 1944, đăng bài Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ, ký tên CGP, của Tổng Bí thư Trường Chinh. Bài báo chưa đến hai nghìn từ ấy dành phần lớn đề bình luận về mâu thuẫn gay gắt đã tới điểm cao nhất, sâu sắc nhất giữa Nhật - Pháp. Với thiên tài dự đoán rất chính xác Nhật, Pháp nhất định sẽ bắn nhau, Tổng Bí thư Trường Chinh kêu gọi toàn Đảng và toàn dân: "Hỡi quốc dân đồng bào! Hỡi các đảng phái cách mạng! Hỡi các chiến sĩ cứu quốc! Chúng ta đang tiến tới tình hình tổng khủng hoảng chính trị ở Đông Dương! Phải kịp mài gươm, lắp súng để mai đây Nhật, Pháp bắn nhau, kịp nổi dậy tiêu diệt chúng, giành lại giang sơn, Tổ quốc. Muốn thế, phải tiếp tục đấu tranh chống Nhật, và bọn Việt gian thân Nhật, nhưng đồng thời phải đánh đổ những xu hướng ngây thơ tin tưởng vào nước "Pháp phục hưng" và bị động trông chờ ở chính phủ Đờ Gôn những cải cách vụn vặt. Phong trào dân chủ và độc lập dân tộc đang sôi nổi trên thế giới. Nhân dân Đông Dương không thể công nhận bất cứ một chính quyền đế quốc nào. Lênin nói: "Các vấn đề trọng đại trong đời sống các dân tộc chỉ có thế giải quyết được bằng sức mạnh mà thôi".
Chỉ có "Đoàn kết, thống nhất, dùng vũ lực nổi dậy giành chính quyền, nhân dân Đông Dương mới có được cơm áo, độc lập và tự do".
Cho đến cuối tháng 10-1944, Đờcu mới biết vai trò của Moócđăng là "thủ lĩnh" phái Đờ Gôn và là đại diện của Chính phủ lâm thời Pháp ở Pari. Thế là Đờcu nổi giận giáng chức Moócđăng từ Tổng tư lệnh xuống làm Tổng thanh tra quân đội Pháp ở Đông Dương. Vừa vẫn phải thần phục Pari, vừa rắp tâm thâu tóm mọi quyền lực ở Đông Dương, Đờcu lập tức gửi điện chất vấn Đờ Gôn và tỏ thái độ, nếu không được toàn quyền hành động sẽ xin từ chức. Thấy nội tình bọn Pháp ở Đông Dương có chuyện lục đục, Đờ Gôn phải cử đặc phái viên của mình là Đờ Lăngglat, nhảy dù xuống Lạng Sơn, rồi bí mật đi gặp Đờcu đế trấn an tinh thần và trao nhiệm vụ cho Đờcu làm bình phong che mắt Nhật, để Moócđăng dễ bề hoạt động. Moócđăng lấy cớ đến tuổi nghỉ hưu để Aymé (Aymé) lên thay, làm Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương.
Một tuần sau khi gặp anh Trường Chinh, Chiến sĩ có nói với chúng tôi: "Cuộc trò chuyện với đại diện cấp cao của Việt Minh thật tuyệt vời, để lại cho tôi một ấn tượng hết sức sâu sắc và hết sức thuyết phục. Tôi đã được nói chuyện hết sức cởi mở với một người cộng sản Việt Nam đích thực, thông minh, có uy tín và cừ khôi nhất!". Buổi gặp cũng đã tác động mạnh đến nhóm chiến sĩ lê dương chống phát xít và bè bạn của họ. Chính vì thế mà trong tháng 11 - 1944, qua sự chắp mối của Chiến sĩ và Lui Capuy, một cuộc gặp giữa người của phái Đờ Gôn và Việt Minh được ấn định vào một ngày cuối năm 1944.
Tôi và Chiến sĩ được giao nhiệm vụ "tiền trạm", lo chuyện tổ chức, bố trí cuộc họp.
Chiến sĩ nói với tôi:
Sâybơlích là một trí thức thành thật. Chúng tao tin nó lắm vì nó tốt và chúng tao đã nói chuyện với nó nhiều lần rồi.
Việc bố trí cuộc họp có khó khăn lớn, vì chính anh Trường Chinh sẽ đích thân vào Hà Nội tham dự. Đây là cuộc họp với Tây, mặc dù đó là Tây Đờ Gôn, ngay trong lòng Hà Nội. Không thể họp ở một nhà cơ sở cách mạng, giữa phố phường tấp nập người qua lại. Lúc đầu, thiếu tá bác sĩ quân y Sâybơlích bàn với chúng tôi có thể họp ngay trong phòng khám bệnh của ông ta ở nhà thương Đồn Thủy. Tôi đã vào tận nơi xem xét, thấy có điều bất tiện, vì phải đi qua nhiều phòng làm việc, ở sâu trong bệnh viện, chung quanh toàn Tây là Tây, nếu có gì bất trắc khó có thể bảo đảm an toàn. Sâybơlích còn một địa điểm khác là phòng thí nghiệm trong trường Y, nhưng chỉ họp được vào giờ hành chính, cả Sâybơlích và Chiến sĩ đều băn khoăn. Rồi Sâybơlích đưa ra một đề nghị:
Bọn chúng tôi chỉ còn một địa điểm nữa, khá bất ngờ. Đó là ngôi nhà số 16 phố Delorme (nay là phố Trần Bình Trọng). Địa điểm này chỉ mấy đứa chúng tôi biết thôi. Tạm gọi là một chốn ăn chơi, thỉnh thoảng có dắt gái đến. Nếu họp vào đúng "lịch" của tôi trong tuần thì coi như an toàn.
(còn nữa)