[links()]
Trần Quốc Hương
(tiếp theo)
Lại nói về hoạt động tình báo của Lơvanh. Ngày 6-3- 1943, đại úy tình báo Lơvanh cử đặc phái viên của mình là đại úy Milông từ Hà Nội bay sang Angiê. Tại đây, Milông được gặp tướng Catơru, toàn quyền Đông Dương cũ, và đại tá Biốt. Tháng 6-1943, khi quân Đồng minh Anh - Mỹ đánh bại tướng phát xít Đức Rômmen ở Bắc Phi, ủy ban Angiê chính thức thành lập. Đó cũng là ủy ban dân tộc giải phóng, sau này được chuyển thành Chính phủ lâm thời kháng chiến lưu vong Pháp. Tháng 7-1943, có việc một chủ nhà băng Đông Dương ở Sài Gòn làm tình báo, lấy bí danh là Phràngxoa, hành tung rất bí mật, không biết làm cách nào mà lọt qua sự kiểm soát của Nhật, lách khỏi bao nhiêu phòng tuyến đôi bên đang kịch chiến, cũng từ Hà Nội bay sang tận Angiê, trực tiếp gặp Đờ Gôn. Tháng 8 - 1943, điệp viên Milông được giao nhiệm vụ trở lại Hà Nội với bộ mật mã mới và đầy đủ chỉ thị chi tiết của ủy ban Angiê. Chuyến đi của Milông được phía Pháp coi là khâu đột phá đánh dấu sự móc nối chính thức của bọn cai trị Đông Dương với tướng Đờ Gôn, cũng là sự mở đầu của âm mưu diễn biến tái chiếm Đông Dương sau này.
Vào mùa thu năm 1943, trong ATK, nhân một cuộc họp của Công tác đội, có anh Trường Chinh và anh Hoàng Quốc Việt cùng dự, chúng tôi vui mừng đón nhận tin vui Chi bộ Nhà tù Sơn La đã tổ chức vượt ngục thành công cho các anh Nguyễn Lương Bằng (tức Sao Đỏ), Trần Đăng Ninh (Nguyễn Tuấn Đáng), Nguyễn Văn Trân và Lưu Đức Hiểu (tức Lưu Quyên). Chủ trương cứu cán bộ cách mạng đang bị giam trong tù do anh Trường Chinh chỉ đạo. Từ năm 1940, qua vợ anh Trần Đình Long đi thăm chồng, anh Trường Chinh đã liên lạc với chi bộ Nhà tù Sơn La do anh Nguyễn Lương Bằng làm Bí thư, để tổ chức cuộc vượt ngục. Các anh thoát tù là một sự bổ sung cán bộ rất kịp thời cho hoạt động ngày càng mở rộng của Trung ương. Anh Trường Chinh sau này đã làm giấy xác nhận vợ anh Trần Đình Long có thành tích trong cuộc giải thoát tù chính trị này.
Chỉ mãi về sau tôi mới được gặp các anh. Anh Nguyễn Lương Bằng không mấy khi ở ATK mà thường đi công tác ở nhiều nơi, để gây dựng cơ sở, chắp mối với các đảng viên cũ và chuyên trách công tác tài chính của Đảng và Mặt trận Việt Minh, tên ký trong tín phiếu của anh là Triệu Vân.
Cũng vào mùa thu năm 1943, phát xít Đức thua to ở mặt trận Stalingrát, bị Hồng quân Liên Xô tiêu diệt 33 vạn quân. Từ đây thế thắng đã nghiêng hẳn về phía Liên Xô. Hồng quân Liên Xô chuyển sang phản công, liên tục đẩy lùi quân phát xít Đức trên tất cả các mặt trận. Tình hình chuyển biến rõ rệt, khiến các nước Đồng minh Anh - Mỹ phải vội vã họp hội nghị ở Quêbec (Canađa) tháng 8 - 1943 bàn về triển vọng mở rộng cuộc phản công ở mặt trận Thái Bình Dương và hoạch định các mục tiêu quân sự chiến lược ở châu Á, trong đó có Đông Dương đang bị Nhật chiếm đóng.
Ngày 5 - 12 - 1943, Đờ Gôn thắng thế, gạt được tướng Girô thân Mỹ, độc chiếm ghế chủ tịch uỷ ban Angiê. Nhân dịp này, Đờ Gôn có ra một bản tuyên bố khá rùm beng về các thuộc địa cũ của Pháp, bao gồm cả các nước Đông Dương, hứa hẹn một số cải cách về thể chế chính trị và kinh tế, ban cho chút ít quyền tự trị. Nắm được thông tin về quan điểm sặc mùi thực dân đã lỗi thời của Đờ Gôn và ủy ban Angiê, ngày 4 - 6 - 1944, anh Trường Chinh đã có một bài bình luận trên báo Cờ Giải Phóng cực lực phê phán và bác bỏ quan điểm của Đờ Gôn.
"Vì một nền độc lập hoàn toàn của Đông Dương", đó là tiêu đề một truyền đơn tiếng Pháp, ký tên Đảng Cộng sản Đông Dương, do anh Trường Chinh viết, tháng 6 - 1944, kịch liệt phê phán các quan điểm thực dân sai lầm, lạc hậu của ủy ban dân tộc giải phóng Pháp (tức ủy ban Angiê) đi ngược lại quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của nhân dân Đông Dương, đồng thời thẳng thắn phê phán thái độ phớt lờ của những người Pháp thân Đờ Gôn ở Đông Dương, không chịu "bắt tay" với Việt Minh chiến đấu chống phát xít Nhật ở Đông Dương.
Báo Cờ Giải Phóng, số 6, ra ngày 28 - 7 - 1944, đăng bài xã luận quan trọng, "Phải tiến gấp", ký tên C.G.P do Tổng Bí thư Trường Chinh viết. Bài báo nhận định:
"Cả Đông Dương như một cánh đồng cỏ khô, tàn lửa cách mạng động rơi vào đâu cũng có thể bốc cháy. Hai quân thù Nhật, Pháp cầm cự, giữ miếng nhau, hơn nữa lại tiêu hao lực lượng của nhau, làm cho quyền thống trị của chúng ở Đông Dương yếu dần".
Phân tích tình hình phát triển sôi động trong và ngoài nước, ngay từ mùa hè năm 1944, tám tháng trước cuộc đảo chính Nhật - Pháp ngày mồng 9 - 3 - 1945, Tổng Bí thư Trường Chinh đã viết:
"Bên ngoài, phong trào cách mạng phát triển mạnh. Nhân dân ta có nhiều bạn đồng minh cùng chiến đấu và bất thần có thể cùng chúng ta chống phát xít xâm lược đất Đông Dương. Và một khi mặt trận ấy thành lập ở Đông Dương thì hàng ngũ bọn áp bức chúng ta sẽ trở nên rối bét: Nhật, Pháp sẽ bắn nhau, bọn Việt gian thân Nhật và thân Pháp sẽ hoang mang, dao động đến cực điểm".
(còn nữa)