[links()]
Trần Quốc Hương
(tiếp theo)
Trong ATK, cùng đóng với Thường vụ Trung ương là cơ quan báo Đảng và nhà in báo Đảng, ở mỗi bước tiến của cách mạng, anh Trường Chinh thường làm báo, ra báo, dùng tờ báo làm vũ khí sắc bén để tuyên truyền, vận động, tổ chức và lãnh đạo đấu tranh cách mạng.
Ngay trong lúc cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ và cuộc nổi dậy của binh lính Đô Lương còn đang bị đế quốc Pháp đàn áp khốc liệt, ngày 25-3-1941, Quyền Tổng Bí thư Trường Chinh đã cho ra tờ Giải Phóng (Tập Mới).
Gọi là Tập Mới, vì trước đó đã có báo Giải Phóng là cơ quan của Xứ uỷ Bắc Kỳ do anh Hoàng Văn Thụ làm Bí thư. Giải Phóng (Tập Mới) chỉ ra được một số. Vì ngay sau đó, Trung ương lâm thời của Đảng ta dồn sức vào chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ tám của Trung ương.
Sau khi Nhật phát động cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, ngày 21-1-1942, Thường vụ Trung ương quyết định ra báo Cứu Quốc, lấy danh nghĩa là cơ quan tuyên truyền, tranh đấu của Tổng bộ Việt Minh, do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách.
Làm báo với Tổng Bí thư lúc bấy giờ chỉ mới có anh Lê Quang Đạo, Bí thư Ban Cán sự tỉnh Bắc Ninh vừa được điều về làm Bí thư Ban Cán sự tỉnh Phúc Yên và được chỉ định làm biên tập viên chính của báo Cứu Quốc.
Tại sao báo Đảng thời kỳ này lại mang tên Cứu Quốc?
Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy của Trung ương Đảng chỉ rõ: "... Trong lúc này, không nên đưa chủ nghĩa cộng sản ra tuyên truyền, huy hiệu cờ đỏ búa liềm không nên dùng luôn. Các sách báo tuyên truyền không nên dùng danh nghĩa Đảng nhiều, phải lấy danh nghĩa các đoàn thể cứu quốc và Việt Minh thay vào. Phải khêu gợi tinh thần ái quốc mạnh mẽ, thức tỉnh một cách thống thiết những tình cảm ái quốc của nhân dân".
Lúc đầu, cơ quan in báo Cứu Quốc đóng ở xa Thường vụ Trung ương, trú tại nhà bà Hai Lân ở làng Vạn Phúc (Hà Đông) vốn là cơ sở của Xứ uỷ Bắc Kỳ. Sau chuyển về ATK, trú tại nhà ông Đá (làng Liễu Khê, huyện Thuận Thành), rồi dời sang Hạ Dương (Từ Sơn, Bắc Ninh).
Gần mười tháng sau, ngày 10-10-1942, Thường vụ Trung ương mới cho ra báo Cờ Giải Phóng - cơ quan tuyên truyền cổ động của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách tờ báo. Các đồng chí Thường vụ Trung ương Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt đều tham gia làm báo và viết báo. Biên tập viên báo Cờ Giải Phóng lúc đầu là anh Lê Quang Đạo. Từ năm 1943, anh Đạo là uỷ viên Thường vụ Xứ uỷ, Bí thư Ban cán sự Hà Nội, thì anh Lê Liêm, Bí thư Ban Cán sự Phúc Yên được chỉ định là biên tập viên báo Cờ Giải Phóng.
Ở ATK, thỉnh thoảng tôi được anh Trường Chinh gọi đến chỗ anh làm việc để báo cáo tình hình và nhận chỉ thị công tác. Điều cảm nhận rõ nhất trước hết ở anh là tác phong làm việc hết sức cẩn thận, giữ gìn rất nghiêm nguyên tắc hoạt động bí mật. Chỗ anh làm việc không bao giờ để lộ một dấu vết gì dù là nhỏ nhất. Cần mảnh giấy nào để viết thì lấy ra. Không dùng đến hay làm xong rồi là cất ngay. Cái gì không cần lưu lại là đốt ngay. Sách, báo trong thành do cơ sở cung cấp, Đội công tác chuyển cho anh đọc, được cất giữ chu đáo ở những nơi khác, không ai được biết đến. Thời bấy giờ đã làm gì có trợ lý, thư ký riêng hay văn phòng giúp việc? Mọi việc đều do anh tự làm lấy, và khỏi phải nói về tính hiệu quả của nó. Chính lề lối và tác phong làm việc của anh Trường Chinh đã nêu gương tốt cho tất cả những ai được sống và làm việc gần anh ở ATK.
Báo Cờ Giải Phóng, lúc đầu đóng ở nhà ông Hoàng Xuân Quán, làng Lâm Hộ, Yên Lãng, gần ga Thạch Lỗi, Phúc Yên, được ít lâu, chuyển sang nhà em ông Hoàng Xuân Quán là Hoàng Xuân Thông, cũng ở gần đó.
Một thời gian sau, tuy vẫn bảo đảm an toàn, nhưng chỗ làm báo lại được chuyển đến nhà ông Hai Trục và ông Ba Cân, hai anh em ruột. Hai người này được ông bố nuôi giấu ở làng Xuân Kỳ, xã Đông Xuân, Kim Anh, vẫn thuộc Phúc Yên. Sau đó, lại dọn vào ấp Ròng, phía Tây huyện Kim Anh. Đó là mảnh đất khai hoang của cụ Đỗ Tý, người làng Cổ Nhuế, Hà Đông. Dựa vào lưng đồi và khe suối, cụ lao động vất vả mới đủ nuôi sống gia đình.
Khi tôi về đội công tác, thì báo và nhà in báo đang ở Viên Nội (còn gọi là Vân Nội), Đông Anh bấy giờ thuộc Phúc Yên. Từ Viên Nội, có lúc cơ quan báo chuyển về Liễu Khê, xã Song Liễu, Thuận Thành, Bắc Ninh. Rồi từ Liễu Khê lại trở về Viên Nội. Có thời gian, phải nương náu cửa thiền, ở nhờ một ngôi chùa nhỏ ở vùng Từ Sơn, Bắc Ninh.
(còn nữa)