[links()]
Trần Quốc Hương
(tiếp theo)
Qua một đôi lần gặp gỡ, thăm dò, thấy giáo sư Đặng Thai Mai nói chuyện cởi mở, có vẻ tin cậy, tôi mới đến gõ cửa nhà ông. Cuộc gặp không kéo dài. Tôi nói lại những gì anh Trường Chinh căn dặn. Trao thư và tài liệu xong, tôi xin phép được gặp lại giáo sư vào tối ngày hôm sau. Đúng hẹn, giáo sư Đặng Thai Mai niềm nở tiếp tôi. Ánh mắt tươi cười, giáo sư nhỏ nhẹ nói:
Cảm ơn anh đã mang đến cho tôi tin vui của bạn cũ. Anh về nói lại giúp tôi: "Mai nó không bao giờ quên anh em đâu!".
Rồi giáo sư Đặng Thai Mai tâm sự:
Đúng là, tôi đang nghiền ngẫm, muốn viết một cái gì đó. Nhưng lúc này, tôi chưa viết được cái gì trực tiếp phục vụ cho phong trào. Rất mừng là lúc này, anh lại đem tài liệu vào cho tôi. Thật đúng lúc và tốt đấy.
"Mai nó không bao giờ quên anh em đâu". Tôi cảm thấy, trong cái bắt tay thật chặt lúc chia tay, hình như giáo sư Đặng Thai Mai một lần nữa lại muốn nhấn mạnh đến những lời này.
Về thưa chuyện lại với anh Trường Chinh, được anh động viên luôn:
Đấy, anh làm được việc đấy chứ. Người ta tin, thật ra không phải cá nhân anh đâu. Nói cho đúng, đó là người ta tin Đảng. Tiếp xúc với ai, đảng viên như chúng ta đừng bao giờ để cho người ta ngán sợ mình, không tin vào lời nói và việc làm của mình.
Từ cuối năm 1943, trong các tổ bí mật đầu tiên của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam ở Hà Nội, có chuyền tay nhau một bức thư ngỏ của anh Trường Chinh viết gửi các văn nghệ sĩ. Bức thư này giá còn lưu giữ được đến nay sẽ là một tài liệu quý. Thư viết chân thành như viết riêng cho bạn bè, nhưng ai đọc cũng nhận thấy rõ đó là lời hiệu triệu của Đảng, và khẳng định rõ sự quan tâm lãnh đạo của Đảng về văn hóa, văn nghệ.
Mở đầu thư, anh Trường Chinh nói khái quát về tình hình trong nước và thế giới. Anh chỉ đích danh chính sách văn hóa của Pháp, Nhật là nô dịch, ngu dân kiểu phát xít và phong kiến trung cổ. Sau khi điểm qua vài khuynh hướng văn hóa, văn nghệ tiêu cực nảy nở trong những năm đó, anh Trường Chinh khẳng định ngay cái nguy cơ bị diệt vong của nền văn hóa dân tộc, nếu ta không tích cực đấu tranh chống chính sách văn hóa phát xít của Pháp, Nhật, đấu tranh đánh đổ ách thống trị của chúng. Cuối thư, anh Trường Chinh kêu gọi các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ kiên quyết đứng dậy đấu tranh. Và anh Trường Chinh gợi ý hình thức tổ chức và phương pháp đấu tranh thích hợp. Kết luận, anh Trường Chinh viết: "Xiết chặt bàn tay các anh, lúc nào chúng tôi cũng ở gần bên các anh".
Bác Hồ là linh hồn của cách mạng Việt Nam. Bác là lãnh tụ của Đảng ta, nhưng Người không thể ở gần Hà Nội. Do nhu cầu tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, Người đã phải vắng mặt vào một thời điểm then chốt. Từ tháng 8 - 1942, trên đường đi công tác, Bác Hồ đã bị quân Tàu Tưởng bắt ở Thiên Bảo, trải qua hàng chục nhà tù khắc nghiệt ở Quảng Tây (Trung Quốc) chưa biết bao giờ mới thoát hiểm. Trách nhiệm to lớn của Đảng và cách mạng lúc này gần như đặt lên vai một mình Tổng Bí thư. Thường vụ Trung ương Đảng chỉ vẻn vẹn có ba người, trong đó Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt là những người đã bị kết án tử hình vắng mặt, dựa vào ATK, thành lũy của lòng dân, vẫn đứng vững nơi đầu sóng ngọn gió, khẩn trương chỉ đạo triển khai mọi mặt công tác. Trên cương vị Tổng Bí thư, trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, anh Trường Chinh quán xuyến việc lãnh đạo chung, vừa cùng anh Hoàng Văn Thụ trực tiếp làm công tác binh vận, địch vận, vừa viết báo, làm báo Cờ Giải Phóng, vừa cùng anh Hoàng Quốc Việt liên tiếp mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cho phong trào, lo toan công tác dân vận, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, trực tiếp liên hệ, tiếp xúc với các nhân vật có tên tuổi trong giới trí thức trẻ như anh Dương Đức Hiền để giúp thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam.
Từ trạm liên lạc của chị Trần Thị Sáu tức Ba Mạc ở quá Chèm một chút hoặc nhà chị Hai Vẽ (Phú Thượng), anh Hoàng Văn Thụ triển khai các mũi tiến công binh vận, địch vận vào thẳng hang ổ quân Pháp ở trong thành gồm cơ sở hậu cần và hậu cứ các đơn vị lính khố đỏ do sĩ quan Pháp chỉ huy như Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 1 (Ler Ric), Trung đoàn pháo binh thuộc địa số 4 (Le Rac). Ở mạn Phú Xuyên, Đồng Văn, phía nam Hà Nội, anh Hoàng Quốc Việt đi lại như con thoi giữa các ngôi chùa vắng là những cơ sở cách mạng tin cậy, liên tiếp mở nhiều lớp học ngắn ngày mà nội dung chính là Nghị quyết Hội nghị Thường vụ Trung ương tháng 2-1943.
(còn nữa)