Những năm tháng làm việc bên anh Trường Chinh (kỳ 11)

06:11, 21/11/2017

[links()]

Trần Quốc Hương

(tiếp theo)

    Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng họp liền trong bốn ngày cuối tháng 2-1943 tại Võng La, Đông Anh. Trong điều kiện không họp được toàn thể Trung ương, Hội nghị khẩn trương bàn nhiệm vụ mới cực kỳ quan trọng: mở rộng việc xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất và xúc tiến chuẩn bị mọi mặt cho khởi nghĩa vũ trang.

    Nét mới của công tác Mặt trận lúc này là vun đắp và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân. Bên cạnh các tổ chức thành viên đã hoạt động tích cực của Mặt trận như Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Nhi đồng cứu vong hội, phải mở rộng việc xây dựng thêm các tổ chức thành viên mới bao gồm những người yêu nước thuộc các tầng lớp và thành phần xã hội khác đứng trong Mặt trận Việt Minh. Đó là đẩy tới việc hình thành và hoạt động của Hội Văn hóa cứu quốc, Đảng Dân chủ Việt Nam và Hội Việt Nam cứu quốc thu hút rộng rãi giới văn hóa, văn nghệ, những nhà tư sản dân tộc, địa chủ yêu nước và các thành phần xã hội khác chưa có điều kiện tham gia các tổ chức cứu quốc.

    Cũng tại Hội nghị Võng La, Thường vụ Trung ương chủ trương thành lập Mặt trận Dân chủ chống phát xít Nhật nhằm mục đích tập hợp hết thảy các lực lượng và khả năng chống Nhật như đoàn kết với đông đảo Hoa kiều chống Nhật và bắt tay có điều kiện với những người Pháp thân Đờ Gôn.

    Hội nghị Võng La quyết định công bố Đề cương Văn hóa Việt Nam.

    "Qua nghiên cứu sách báo xuất bản công khai, hợp pháp những năm qua - anh Trường Chinh sau này kể lại - chúng tôi thấy rõ âm mưu, thủ đoạn và tác hại của chính sách văn hóa nô dịch của Pháp, Nhật đối với nhân dân ta. Cách mạng dân tộc, dân chủ đang ở vào một thời kỳ quyết liệt. Lúc này, nếu không có đường lối, chính sách văn hóa dân tộc, dân chủ thì không ổn. Đảng phải nêu rõ những nguyên tắc và khẩu hiệu vận động văn hóa mới và hướng cho những người hoạt động văn hóa yêu nước và dân chủ lấy sức mạnh trong đại chúng, lấy tinh thần trong dân tộc và dùng duy vật biện chứng làm kim chỉ nam".

    Đề cương Văn hóa Việt Nam ra đời ở vùng ATK ven đô mà anh Trường Chinh thường nói với anh em Công tác đội chúng tôi: "Rừng cây chưa chắc đã kín đáo bằng rừng người. Núi đá chưa chắc đã vững chãi bằng núi người". Một ngày đầu năm 1943, tại cơ sở cách mạng làng Phú Gia, anh Trường Chinh đã ngồi viết Đề cương Văn hóa Việt Nam, rồi sau đó hoàn chỉnh văn kiện này tại Võng La. "Thường vụ Trung ương - anh Trường Chinh nhớ lại - dành ra mấy buổi, có thể nói là một cuộc họp chuyên đề, bàn về vấn đề văn hóa và sau đó thông qua Đề cương này, lại bàn tiếp việc xây dựng tổ chức, thông qua Điều lệ Hội Văn hóa cứu quốc. Như vậy, Đề cương Văn hóa Việt Nam là cương lĩnh văn hóa, chương trình hành động văn hóa. Còn Điều lệ là hướng dẫn cụ thể xây dựng tổ chức. Hai văn kiện này gắn bó mật thiết và đi đôi với nhau để phát động và xây dựng một phong trào vận động văn hóa mới".

    Đề cương Văn hóa Việt Nam khẳng định: có lãnh đạo được mặt trận tư tưởng và văn hóa, Đảng ta mới ảnh hưởng được tới dư luận xã hội, việc tuyên truyền mới có hiệu quả. Giữa lúc nhiều khuynh hướng xã hội tung ra nhiều triết thuyết văn hóa không phù hợp với lợi ích cơ bản của dân tộc, Đề cương Văn hóa Việt Nam lần đầu tiên nêu ra ba yêu cầu có tính nguyên tắc đối với cuộc vận động văn hóa mới: dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa. Với phương châm chỉ đạo đó, Đề cương Văn hóa Việt Nam đã giải phóng tư tưởng, soi đường cho nhận thức, xua tan những đám mây mù của văn hóa bảo thủ, nô dịch, lừa bịp và phản động của bọn thống trị Nhật, Pháp.

    Một ngày đầu tháng 8-1943, anh Trường Chinh bảo tôi:

    Bây giờ, Công tác đội phải mở rộng hoạt động, không chỉ ở ngoại thành mà còn phải lấn dần vào nội thành nữa. Thường vụ đã bàn và phân công anh chốt ở vòng ngoài ATK, trước mắt là từ Thượng Cát, Xuân Tảo đến Sù, Gạ (Phú Xá, Phú Thượng). Đó là những đầu mối giao thông, liên lạc, nơi đưa đón cán bộ ra vào ATK. Bước đầu giao cho anh nắm một vài cơ sở ở đó và cả ở nội thành nữa. Chú ý xây dựng thêm một số cơ sở mới, lấy chỗ đứng chân mà nhảy vào nội thành và ngược lại.

    Tôi hiểu anh Trường Chinh định hướng cho tôi làm công tác đô thị là chính và sửa soạn phái tôi vào hẳn bên trong nội thành hoạt động.

    Mấy hôm sau, anh Trường Chinh lại gọi tôi đến chỗ anh:

    Anh có quen giáo sư Đặng Thai Mai không?

    Tôi chưa quen đâu, nhưng biết ông ấy là một giáo sư nổi tiếng. Bây giờ, trường Thăng Long mà giáo sư Mai dạy học đã dời ra mạn Thanh Xuân rồi. Nhưng tôi có nhiều chỗ quen biết, có thể tìm ra được nơi ở của ông ấy thôi.

    Anh Trường Chinh liền viết một lá thư riêng, kèm theo một bản Đề cương Văn hóa Việt Nam vừa mới in xong, bảo tôi đi gặp ngay giáo sư Đặng Thai Mai.

    Hồi đó, anh Đặng Thai Mai đang cùng gia đình tạm lánh vào Sầm Sơn. Tôi rủ Nguyễn Xuân Bích, con trai cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, tác giả Cổ học tinh hoa, cùng đi Sầm Sơn. Tôi nói với Nguyễn Xuân Bích:

    Vào đó, tụi mình ở nhà Đoàn Thêm. Như vậy, có điều kiện tiếp xúc, làm quen với mọi người một cách tự nhiên.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com