[links()]
Trần Quốc Hương
(tiếp theo)
Trên báo Cứu Quốc và Cờ Giải Phóng có ghi ở cuối trang là in tại Nhà in Phan Đình Phùng và Nhà in Trần Phú. Gọi là hai nhà in cho oai, chứ thuở hàn vi của Đảng, lo toan công việc in báo và các tài liệu, văn kiện của Đảng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh Trường Chinh, chỉ có mấy anh Phạm Đức Khiêm, Nguyễn Lương Hoàng và Đỗ Quốc Tuấn, vốn là những thanh niên công nhân của các nhà in của tư bản Pháp. Anh Khiêm sớm đi theo Đảng từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ, chuyên lo tổ chức cơ sở ấn loát thủ công bí mật của Đảng. Phương tiện in ấn là mấy phiến đá mỏng làm bàn in, hộp mực, bút viết và con lăn (gọi là in litô). Anh Hoàng cũng xuất thân là thợ in, viết chữ đẹp, được giao nhiệm vụ chuyên viết chữ ngược trên đá. Anh Tuấn, một thanh niên nhanh nhẹn, đầy nhiệt huyết, cần cù thao tác in tay từng trang báo sáng, đẹp. Tất cả phương tiện, đồ nghề đều có thể cho vào mấy cái tay nải hoặc thúng mủng, khi cần là có thể sẵn sàng di chuyển ngay. Bao giờ cũng gọn gàng, ngăn nắp và nêu cao tinh thần cảnh giác. Gọi các anh là một tổ du kích bí mật thì đúng hơn. Ở đâu cũng giữ được bí mật với mọi người chung quanh; có bố trí tự bảo vệ, có phương án đề phòng kẻ địch lùng sục và thoát hiểm an toàn.
Đã thành một nền nếp, cơ quan in báo, đến độ trưởng thành, đáp ứng được yêu cầu của cách mạng, cùng với Công tác đội, được đóng ngay bên cạnh Thường vụ Trung ương. Vì Tổng Bí thư Trường Chinh vừa là chủ nhiệm chính trị vừa là chủ bút các tờ báo Đảng.
Có một thời gian, anh Trường Chính chỉ thị cho Đội công tác chúng tôi dành hẳn một địa điểm bí mật mà chỉ riêng anh lui tới, viết bài và chăm lo cho cả số báo ngay gần cơ sở in báo. Đó là một gian nhà tranh vách đất của lão nông nghèo Ngô Văn Suổi ở làng Tráng Việt, Yên Lãng (Phúc Yên), một nơi hẻo lánh, được bảo vệ cẩn mật, chỉ cách Phủ Toàn quyền, hang ổ của bọn thống trị phát xít Pháp và đại bản doanh của Tsuchihashi, Tư lệnh Tập đoàn quân 38 quân đội phát xít Nhật ở Đồn Thuỷ, bên kia sông Hồng, chừng hơn chục cây số, theo đường chim bay.
Chính tại cơ quan in báo Cờ Giải Phóng, trước ngày ra số đầu tiên, đã in một tờ truyền đơn do anh Trường Chinh viết bằng tiếng Pháp, ký tên Đảng Cộng sản Đông Dương, phát đi lời kêu gọi những người Pháp thuộc phái Đờ Gôn ở Đông Dương:
"Chúng tôi chìa bàn tay hữu nghị với những người Pháp theo phái Đờ Gôn, những người Pháp yêu nước và chống phát xít ở Đông Dương và sẵn lòng liên minh với họ chống phát xít Nhật".
Đến 10-10-1942, vào lúc báo Cờ Giải Phóng ra số đầu tiên, cũng chính anh Trường Chinh lại viết một tờ truyền đơn bằng tiếng Pháp kêu gọi sĩ quan và binh lính theo phái Đờ Gôn, đặc biệt kêu gọi sĩ quan và binh lính lê dương người nước ngoài trong quân đội Pháp ở Đông Dương:
"Không bắn vào các dân tộc bị áp bức ở Đông Dương đang đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Hãy quay súng bắn vào đầu bọn phát xít Nhật.
Hãy chạy sang hàng ngũ quân du kích Việt Minh để cùng chiến đấu với quân các nước Đồng minh chống phát xít Nhật".
Giữa năm 1943, uỷ ban dân tộc giải phóng của nước Pháp tự do được thành lập tại Angiê, thủ phủ của Angiêri. Vì phải núp bóng Tổng hành dinh Bắc Phi của tướng Mỹ Aixenhao, cho nên uỷ ban này đành chịu nhún, chấp nhận một chế độ thủ trưởng hai đầu với cặp bài trùng Đờ Gôn và Girô.
Theo tài liệu của L.A. Patti, vào thời kỳ còn đầy quyền lực ở Bắc Phi, được đại sứ Mỹ Mớcphi nâng đỡ, tướng Girô, thừa lệnh Mỹ, cử Mâyriê, một sĩ quan tình báo Pháp, sang đóng ở Hoa Nam để tổ chức một mạng lưới tình báo từ đó thọc vào Đông Dương. Mâyriê thường dùng điện đài, mật mã của tướng Girô thân Mỹ, cho nên, Pêsơcốp, tướng tình báo cụt tay thân tín của Đờ Gôn, được cử sang nắm phái bộ tình báo Pháp ở Trùng Khánh, không thể giải mã và sử dụng được tin tức tình báo của Mâyriê.
Pêsơcốp buộc Mâyriê phải thay đổi mật mã. Nhưng Mâyriê không chịu, quay sang làm điệp viên cho Đới Lạp, trùm đặc vụ của Tưởng Giới Thạch.
Đới Lạp nắm Mâyriê bằng cách cho vợ hắn nhiều đặc quyền buôn bán chợ đen, xuất nhập khẩu hàng lậu trên tuyến biên giới Trung - Việt.
Nếu Mâyriê là điệp viên từ bên ngoài đánh vào Đông Dương, thì bên trong Hà Nội cũng có một điệp viên khác hoạt động tình báo. Đó là Lơvanh, một đại úy trẻ của Phòng nhì Pháp, chuyên theo dõi thống kê quân sự. "Tụi Nhật chưa gô cổ chúng tôi lại - sau này Lơvanh kể lại - chính là vì lợi ích của chúng nó. Bọn chúng tôi chẳng làm được gì hết, ngoài hoạt động tình báo. Đó là vào khoảng cuối năm 1942. Tôi lợi dụng chức trách của mình trong doanh trại quân đội Pháp mà thu lượm tin tức. Do tiếp cận hằng ngày với bọn Nhật, tôi biết những thông tin tôi nắm được rất có thể sẽ có ích cho Phái bộ tình báo Pháp ở Côn Minh. Song, tiếc thay, những thông tin của tôi đều bị đặc vụ của Tưởng chặn lại hết. Đường dây liên lạc của chúng tôi ở biên giới luôn luôn bị phá vỡ".
(còn nữa)