Là vùng đất văn hiến và cách mạng, trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, tỉnh ta có nhiều nhà giáo vừa dạy học, vừa hoạt động cách mạng. Nhiều người trong số họ đã anh dũng hy sinh. Trong kháng chiến chống Pháp, có Nhà giáo - liệt sĩ Tống Văn Trân, Đặng Văn Trình... Thời kỳ chống Mỹ cứu nước có hàng trăm nhà giáo tình nguyện vào Nam làm công tác giáo dục ở chiến trường B và hàng nghìn nhà giáo cầm súng bảo vệ Tổ quốc.
Cụ Đặng Văn Lới, 94 tuổi (bên trái) bên đài tưởng niệm Nhà giáo - Liệt sĩ Đặng Văn Trình, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc). |
Nhà giáo Tống Văn Trân sinh năm 1905 tại làng Tân Cầu, tổng Cát Đằng, huyện Phong Doanh nay là làng Tân Cầu, xã Yên Tiến (Ý Yên). Năm 1924, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, ông về dạy học ở thôn An Lộc Thượng (nay thuộc xã Yên Hồng), sau chuyển về làng Nguyễn (nay thuộc xã Yên Phong). Lớp của thầy giáo Trân dạy cả chữ nho, chữ quốc ngữ và dạy võ thuật cho dân quân du kích. Giữa năm 1927, tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội phát triển ở tỉnh ta, Tống Văn Trân là thanh niên trí thức đầu tiên của huyện Phong Doanh được kết nạp vào Hội. Ngày 19-6-1929 Tỉnh bộ Đông Dương cộng sản Đảng Nam Định thành lập, Tống Văn Trân được Tỉnh bộ Nam Định phân công phụ trách phong trào tại các huyện Ý Yên và Phong Doanh. Sau đó, ông bị thực dân Pháp bắt và bị giam cầm ở nhà lao Nam Định, rồi Hỏa Lò (Hà Nội). Ông bị kết án tử hình, nhưng nhờ các cuộc biểu tình của nhân dân đòi trả tự do cho những người yêu nước, Tống Văn Trân được giảm án xuống tù chung thân và bị lưu đày ra Côn Đảo. Trong những ngày tháng bị tù đày, mặc dù bị địch dùng nhiều thủ đoạn nhằm khai thác thông tin về tổ chức cách mạng nhưng ông kiên quyết không khai. Sau một lần vượt ngục Côn Đảo thành công, ông trở về đất liền được cử phụ trách các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Thời gian ở Nam Bộ, Tống Văn Trân vừa hoạt động cách mạng, vừa mở lớp dạy học ở xã Phước Mĩ, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Đầu năm 1935, Xứ ủy Nam Kỳ điều ông về công tác ở Sài Gòn, bầu vào Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ và được giao nhiệm vụ phụ trách phong trào ở Sài Gòn - Gia Định. Sau Đại hội thứ nhất của Đảng năm 1935, ông được Trung ương giao nhiệm vụ củng cố lại Đảng bộ miền Trung. Sau đại hội Đảng bộ Trung Kỳ, ông nhận chỉ thị về Sài Gòn công tác. Về đến Sài Gòn, ông bị địch vây bắt, đưa về nhà giam ở khám lớn Sài Gòn. Tại đây ông đã bị chúng tra tấn đến chết. Nhà giáo, nhà hoạt động cách mạng Tống Văn Trân đã hy sinh. Để ghi nhớ công lao của ông, huyện Ý Yên đã phát động các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp trên 800 triệu đồng đúc tượng đồng nhà cách mạng Tống Văn Trân đặt tại Quảng trường trung tâm huyện. Nhà lưu niệm Liệt sĩ Tống Văn Trân ở xã Yên Tiến hằng năm đón nhiều đơn vị về tham quan, là “địa chỉ đỏ” để các trường học tổ chức giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh. Tên của ông được đặt thành tên trường học và đường phố ở nhiều địa phương trong cả nước.
Về thôn Cao Đài, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) chúng tôi có dịp trò chuyện với cụ Đặng Văn Lới (94 tuổi) là anh trai của Nhà giáo - Liệt sĩ Đặng Văn Trình. Trong câu chuyện xúc động về người em trai, cụ Đặng Văn Lới kể: Đặng Văn Trình sinh năm 1931, là người có trình độ văn hóa và sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1950 ông tham gia đội du kích xã, mở lớp học văn hóa, dạy bình dân học vụ cho thanh, thiếu niên. Ban ngày ông tổ chức dạy học, đến tối hoạt động gài mìn, đào hầm bí mật, giúp đỡ in ấn tài liệu cho Ủy ban Kháng chiến huyện Mỹ Lộc. Trong trận càn lớn đầu năm 1954 giặc Pháp và tay sai từ nhiều hướng về xã Mỹ Thành, đội du kích thôn Cao Đài chống trả quyết liệt. Do không tương quan lực lượng, đội du kích được lệnh rút xuống hầm bí mật để bảo toàn lực lượng. Ngày 26-3-1954 bọn Việt gian, phản động chỉ điểm, hầm bí mật của Đặng Văn Trình bị lộ. Trong giây phút đó, ông bật nắp hầm, tung lựu đạn diệt giặc và anh dũng hy sinh cùng người đồng nghiệp, người bạn chiến đấu là thầy giáo Đào Đức Hậu. Khi giặc rút đi, đồng đội, nhân dân chứng kiến trên người thầy bị nhiều lốt thuốn đâm, ám khói đen lựu đạn, trên sân nhiều vũng máu của địch để lại. Năm 1999, Hội đồng môn cùng với gia đình xây dựng đài tưởng niệm Liệt sĩ Đặng Văn Trình ngay trên mảnh đất ông đã hy sinh. Hằng năm, vào ngày giỗ Liệt sĩ Đặng Văn Trình (22 tháng 2 âm lịch), Hội đồng môn đều có mặt ôn lại công ơn thầy đã dạy, chắp cánh cho mình những năm tháng bước vào cuộc đời. Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) hằng năm, Hội Cựu giáo chức xã Mỹ Thành tổ chức dâng hương tưởng niệm Nhà giáo - Liệt sĩ Đặng Văn Trình.
Ở huyện Nghĩa Hưng, theo thống kê chưa đầy đủ có 29 nhà giáo - liệt sĩ. Nhiều nhà giáo - liệt sĩ trên địa bàn huyện đã được đặt tên cho quỹ khuyến học của các trường, tiêu biểu như: Trường THCS Nghĩa Hùng với quỹ khuyến học mang tên Liệt sĩ Nguyễn Văn Khái; Trường Tiểu học Nghĩa Bình có quỹ khuyến học mang tên Liệt sĩ Vũ Hữu Ích; Trường Tiểu học Nghĩa Lợi có quỹ khuyến học mang tên Liệt sĩ Nguyễn Văn Cận... Liệt sĩ Vũ Hữu Ích sinh năm 1912 là nhà giáo từ năm 1939 đến năm 1945, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời xã Thiên Bình (nay là xã Nghĩa Bình), Ủy viên Ủy ban Kháng chiến huyện Nghĩa Hưng. Sinh thời, ông từng tham gia các hoạt động của học sinh yêu nước, tham gia rải truyền đơn phản đối chế độ phong kiến, thực dân đàn áp các sĩ phu yêu nước, các chính sách sưu cao thuế nặng với nông dân. Sau đó, ông bị địch bắt giam. Về địa phương ông mở lớp dạy học và là Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời xã Thiên Bình, rồi công tác tại Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện. Ông hy sinh ngày 8-4-1950 trên đường công tác trong vùng địch tạm chiếm. Năm 2012, Ban vận động xây dựng quỹ khuyến học Trường Tiểu học Nghĩa Bình mang tên Nhà giáo - Liệt sĩ Vũ Hữu Ích được thành lập, hoạt động hiệu quả, góp phần cổ vũ phong trào dạy tốt, học tốt của nhà trường.
Cùng với quân dân cả nước, gương hy sinh anh dũng của những nhà giáo - liệt sĩ sẽ mãi trường tồn với lịch sử dân tộc./.
Bài và ảnh: Viết Dư