[links()]
Trần Quốc Hương
(tiếp theo)
Vậy là vẫn còn nhiều hy vọng. Cứ vài ba hôm, tôi lại đến "săn tin". Và, tình cờ một hôm tôi "tóm" được anh Nguyễn Hữu Đang. Nguyễn Hữu Đang hơn tôi đến bảy, tám tuổi, những năm 1929 - 1930 đã tham gia Học sinh đoàn thuộc Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, năm 1931 đã bị bắt vì tham gia hoạt động cách mạng trong thanh niên, học sinh. Năm 1936, sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Hà Nội, anh Nguyễn Hữu Đang đi dạy học, rồi được các anh Trường Chinh và Trần Huy Liệu dìu dắt, trở thành một nhà báo, viết đều cho các tờ Thời Mới, Ngày Mới, Tin Tức và Đời Nay của Đảng thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Từ năm 1938, anh Nguyễn Hữu Đang tham gia Ban trị sự Hội Truyền bá học quốc ngữ, và là một nhân vật có uy tín, giữ nhiều trọng trách của phong trào.
Nguyễn Hữu Đang cho tôi biết, anh vừa bị mật thám Tây bắt hụt. Nét mặt buồn buồn, anh bảo tôi:
Tao đang tính chuyện "lặn" một thời gian, chuyển vùng đi nơi khác, cho nên lúc này cũng không nghĩ đến chuyện liên hệ với thằng nào cả. Nhưng, mày thì khác, ừ, mà sao mày không đi tìm thằng Khoa, Phó trưởng ban cổ động, tuyên truyền của tao trước đây. Nó chuyên đi tổ chức các cuộc vui lấy tiền mua giấy bút, sách vở cho học sinh nghèo. Hiện nay, Khoa đang dạy tiếng Pháp ở trường Tàu, phố Hàng Buồm.
Chiều hôm sau, đầu đội khăn xếp, mặc áo the dài, đi giầy chững chạc, tôi tìm đến chỗ Phạm Văn Khoa.
Khoa và tôi thân nhau từ ngày có phong trào Truyền bá quốc ngữ. Không biết có gì hợp với anh ấy mà Khoa thích tôi. Rất tháo vát, năng động, thẳng thắn mà hòa nhã, quen biết rộng các tầng lớp xã hội, nhất là giới văn hóa, văn nghệ, thạo tiếng Pháp và tiếng Quảng Đông, Khoa xin dạy ở trường Tàu từ gần một năm nay. Anh được trả lương khá cao. Một tham biện, công chức chính ngạch, bấy giờ chỉ được lĩnh bốn mươi lăm đồng mỗi tháng. Vậy mà lương tháng của Khoa tới một trăm sáu mươi đồng Đông Dương. Một dạo, Khoa đi học lớp dạy đánh máy chữ của chị Nguyễn Tăng Phú, một người rất sùng đạo Thiên chúa, nhưng lại hăng hái tham gia các hoạt động xã hội như Truyền bá quốc ngữ và xây dựng "Nhà Ánh sáng". Chị Phú cũng rất quý tôi.
Sau khi gặp lại Phạm Văn Khoa, tôi có thể bớt lo về mặt sinh hoạt và nắm được đầu mối tiếp xúc, làm quen với giới văn hóa, văn nghệ. Song, công việc thuận tiện cho tôi bao nhiêu thì lại khó khăn cho Khoa bấy nhiêu. Vì tôi mà anh bị mang tiếng oan.
Chẳng là, tinh mơ sáng hôm ấy, khi tôi vừa chia tay với Khoa ở góc phố thì người tùy phái nhà trường, ở cùng ký túc xá với Khoa, cũng vừa thức dậy. Trông thấy tà áo the dài của tôi bay khuất vào ngõ hẻm xa xa, anh ta cho rằng đó là một người con gái, loan tin Phạm Văn Khoa đưa vợ vào ngủ qua đêm ở ký túc xá. Kỷ luật của trường rất nghiêm. Ký túc xá chỉ dành riêng cho giáo viên chưa lập gia đình. Khoa thấy ngượng với giáo viên cùng trường nhưng rất khó cải chính cái tin thất thiệt đó.
Mấy hôm sau, trong một buổi đến thăm Đỗ Xuân Hạc, tôi rất mừng gặp lại anh Vũ Quý, một huynh trưởng Hướng đạo mà tôi hết sức ngưỡng mộ và quý mến về tài, đức. Anh hơn tôi đến bảy, tám tuổi. Quê anh ở xã Công Mỹ, An Dương, Kiến An (nay thuộc ngoại thành Hải Phòng). Tôi coi Vũ Quý như một người anh lớn, một thời là thần tượng của tôi không chỉ trong Hướng đạo, Truyền bá quốc ngữ mà cả trên đường hoạt động cách mạng. Nhà anh rất nghèo. Mới học xong tiểu học đã phải bươn chải kiếm sống, đi làm thợ phụ sửa chữa ô tô cho Công ty vệ sinh Hải Phòng. Chính nhờ sớm lăn lộn với trường đời mà Vũ Quý được anh Lương Khánh Thiện dìu dắt và kết nạp vào Đảng từ trước thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Vóc người tầm thước, chắc nịch, da ngăm đen, Vũ Quý say mê thể dục thể thao, bơi giỏi. Anh kiên trì tự học về văn hóa, trau dồi đủ các kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, và hiểu biết cả về khoa chiêm tinh nữa. Tôi quý anh ở đức tính trung thực và nhất quán từ lời nói đến việc làm, lối sống giản dị và chan hòa với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là với bạn trẻ. Địa bàn quen thuộc của anh là Hải Phòng, từ thành phố đến các huyện xa gần, nhất là các vùng trồng thuốc lào mà anh hay lui tới trên chiếc xe tải chở phân bón. Anh Vũ Quý đã vận động được nhiều thanh niên thuộc các tầng lớp xã hội, kể cả giới văn hóa, văn nghệ ở Hải Phòng, lôi cuốn họ tham gia hoạt động từ Hướng đạo, Truyền bá quốc ngữ đến phong trào Việt Minh.
Khi gặp tôi, anh Vũ Quý cho biết, gần đây hoạt động của anh ở Hải Phòng đã bị lộ. Mật thám Tây và tay sai săn lùng anh ráo riết. Vừa rồi, bọn chúng đã ập đến khám nhà anh, bắt đi người anh trai của anh, rất giống anh. Sau biết là nhầm, nhưng chúng vẫn tra tấn, đánh đập đến chết người anh của Vũ Quý.
(còn nữa)