[links()]
Trần Quốc Hương
(tiếp theo)
Ra tù, tôi về ngay nhà anh tôi. Ông anh tôi rất thương em, chẳng trách móc gì tôi cả. Chỉ bảo tôi phải hết sức giữ gìn, bọn mật thám Tây vẫn chú ý theo dõi tôi đấy. Tên cò Étxiơ, phụ tá của Lanéc, trùm mật thám khét tiếng tàn bạo, đã cảnh báo: "Ông phải chịu trách nhiệm với chúng tôi về thằng Ban (tên khai sinh của tôi). Không được để nó muốn làm gì thì làm. Cộng sản rất nguy hiểm. Không được để nó đi theo cộng sản".
Tôi về thăm gia đình ở thị xã Phủ Lý cho cha mẹ tôi yên lòng. Cha tôi, từ một thợ cả trở thành thầu khoán, vốn coi trọng nếp nhà gia giáo. Từ khi còn nhỏ, mấy anh em chúng tôi đã được cha tôi rước thầy đồ về dạy chữ Nho. Cha tôi thường bảo: "Thầy dạy cho các con đứa nào cũng phải có ít chữ thánh hiền để biết đạo làm người. Còn bây giờ thế nào cũng phải biết chữ Tây để mà làm ăn". Lên mười, tôi mới vào trường tiểu học Phủ Lý. Và trong nhà lại có gia sư kèm cặp thêm về tiếng Pháp. Ông gia sư kính mến của tôi chính là Đào Đình Luống, lúc bấy giờ là Bí thư Ban cán sự Đảng Hà Nam (sau này lấy tên là Nguyễn Đức Quỳ, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin). Thầy Đào Đình Luống thường hay viết bài cho báo Đời Nay, thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Chính ông đã dìu dắt tôi tham gia hoạt động trong phong trào Thanh niên Dân chủ ở Phủ Lý. Sớm chịu ảnh hưởng chính trị và tư tưởng của Đảng, và do hoàn cảnh, tôi được gia đình cho lên Hà Nội tiếp tục học trung học phổ thông ở trường Puydiniê. Mấy năm học ở một trường vốn được coi là trường của con nhà khá giả là mấy năm tôi tích cực hoạt động trong phong trào Hướng đạo và Truyền bá quốc ngữ qua hai tổ chức xã hội này mà phấn đấu trở thành "Việt Minh Hà Nội", hoạt động trong phong trào Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu.
Lên Hà Nội, tôi sống ở "pôpốt" (một kiểu nhà trọ tự lập, góp gạo thổi cơm chung thời trước) trên gác nhà số 6B phố Công sứ Miriben do mấy anh công chức nghèo cùng quê đứng ra tổ chức. Cơ sở này có khoảng mười người, gồm toàn công chức nghèo, học sinh, sinh viên. Tại đây, tôi đã gặp và kết bạn với Thôi Hữu và Phạm Triều. Cả hai anh đều tham gia phong trào Thanh niên Dân chủ và bãi khóa ở trường Kỹ nghệ thực hành Huế, cho nên đã bị đuổi học. Thôi Hữu ra Hà Nội làm thợ điện chỉ để dễ tiếp xúc với cách mạng và phục vụ cách mạng. Anh hơn tôi sáu tuổi, đã tốt nghiệp Thành C hung, tay nghề thợ điện vững vàng, đã làm thơ và viết văn trên báo Bạn Đường từ năm 1941. Phạm Triều chí thú tự học (sau này thi đậu kỹ sư Đông Dương, và có thời gian làm Giám đốc sở Công chính Hà Nội).
Thôi Hữu hoạt động trên địa bàn rộng. Khi thì ở ngoại thành Hà Nội, khi thì vọt lên tận Sơn Tây và Việt Trì. Ngày tôi bị bắt thì anh vắng nhà nên lần ấy thoát khỏi lưới mật thám. Bọn mật thám Pháp cho rằng cơ sở 6B phố Công sứ Miriben mà tên Quát khai báo là một ổ cộng sản lợi hại, cho nên chúng giăng lưới, gài bẫy và phục kích khá lâu. Mãi cho đến khi chúng bắt được anh Nghiệp (tức Xuân Trường, sau này làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông), mấy tháng sau, chúng mới rút quân.
Một tháng sau khi ra tù, tôi đạp xe về làng Nhót (Đông Phù, Thanh Trì, Hà Nội). Được cơ sở tin cậy cho biết anh Hoàng Quốc Việt (bấy giờ mang bí danh là Hương) thỉnh thoảng có qua lại vùng này. Móc nối và chờ đợi. Phải đến mười hôm sau, tôi mới được anh Hoàng Quốc Việt cho gặp ở một cái miếu nhỏ giữa đồng. Đây cũng là lần đầu, tôi được gặp anh. Thấy tôi ngả mũ ra chào, đầu tóc vẫn còn lởm chởm, anh Hoàng Quốc Việt mỉm cười độ lượng. Anh lắng nghe tôi nói và hỏi chuyện tôi rất kỹ về tình hình anh em ta bị giam giữ trong Nhà tù Hỏa Lò. Tôi thưa chuyện với anh khoảng một tiếng rồi xin cáo từ ngay.
Tốt hơn hết, lại trở vào nội thành, tìm gặp những cơ sở quen biết cũ của mình. Một trong những người tin cậy có thể liên hệ được là anh Thạch (còn có tên thật là Trưng, sau này là Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang), trước đây tích cực hoạt động trong phong trào báo chí cách mạng thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Phải đến một ngõ vắng phố Hàng Bột tìm đến nhà anh Nghiên, nơi Thôi Hữu và tôi thường hẹn gặp nhau trong những trường hợp báo động "đỏ". Anh Nghiên đã bị bắt rồi, nhưng có dặn lại chị vợ, hễ ai đến gặp, thấy đúng là người mình thì mới chỉ đến chỗ anh Thạch. Chị Nghiên biết tôi từ trước, cho nên chẳng bao lâu, tôi tìm được anh Thạch. Gặp lại tôi, anh Thạch rất mừng. Song, anh cũng chẳng giúp được gì cho tôi bắt liên lạc được với tổ chức Đảng ở Hà Nội trong lúc này. Và tôi cũng chẳng có tin tức gì về Thôi Hữu.
Một hôm, vào lúc Hà Nội vừa lên đèn, đóng bộ như một công chức có hạng, tôi tìm đến nhà một cơ sở cách mạng ở phố Hàng Điếu. Anh bạn chủ nhà quen biết cũ mừng rỡ cho biết thỉnh thoảng vẫn có người quen trong Hội Truyền bá quốc ngữ tới đây.
(còn nữa)