[links()]
Trần Quốc Hương
Trên bước đường chập chững đi vào hoạt động cách mạng, điều sung sướng nhất và cũng may mắn nhất đối với tôi là ở vào tuổi mười tám, tôi đã được gặp anh Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng, trong những năm tháng đầy khó khăn, gian khổ trước Cách mạng Tháng Tám.
Ngày ấy, anh mới ngoài ba mươi, đang độ sung sức nhất, và mang bí danh là Toàn. Còn tôi, kém anh đến hơn một giáp, vừa mới thoát khỏi Nhà tù Hỏa Lò, và đang công tác tại Ban Cán sự Đảng tỉnh Phúc Yên.
Cuối năm 1942, nhân kỷ niệm 25 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, tôi bị bắt trong một vụ đi treo cờ búa liềm và rải truyền đơn kêu gọi ủng hộ Hồng quân Liên Xô ở Hà Nội. Cùng bị bắt với tôi còn có Đỗ Xuân Hạc (em luật sư Đỗ Xuân Sảng), Luyến, Hợi, Oánh đều là đoàn viên Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu (Hà Nội). Tuy chưa đến tuổi thành niên, nhưng tôi vẫn bị Tây đem ra xét xử tại tòa án binh Hà Nội. Nhờ ông anh tôi là một nhà thầu khoán quen biết rộng, bỏ tiền ra chạy chọt, lo lót khắp nơi, cho nên tôi chỉ bị giam có gần một năm.
Tuổi trẻ vốn khát khao sống có lý tưởng. Nhà tù là một trường học lớn. Chính tại Nhà tù Hỏa Lò, tôi đã học được nhiều điều bổ ích. Trước hết là phải sống và chiến đấu như một người cộng sản qua thử thách ở nhà giam sở mật thám và trong Nhà tù Hỏa Lò tôi được các anh Lê Toàn Thư và Nguyễn Thọ Chân, những đảng viên từng trải, cho tham gia sinh hoạt với nhóm trung kiên. Hoạt động của nhóm là rút kinh nghiệm về các vụ khủng bố của địch tìm ra nguyên nhân các vụ cơ sở cách mạng bị phá vỡ ra sao để còn phải tiếp tục đối phó với địch. Chúng tôi được học tập, bồi dưỡng về chính trị và tư tưởng, trao đổi kinh nghiệm về cách chịu đòn tra tấn, làm gì để giữ vững tinh thần cách mạng, cách giúp đỡ anh em mới bị bắt. Đầu những năm 40 là thời kỳ địch điên cuồng khủng bố trắng. Chúng tôi rút kinh nghiệm bài học đau xót vụ tên Tư Nghệ (còn có tên là Trọng) vì không chịu nổi đòn tra tấn của mật thám Pháp, đã khai báo tùm lum, phá vỡ cơ sở và phong trào Liên tỉnh C gồm Nam Định, Hà Nam, Thái Bình và Ninh Bình làm rất nhiều người bị bắt. Không chỉ có thế, trong năm 1942, còn nổi cộm lên vụ Quát (Địa) - hay còn gọi là Khuát (Địa) - nguyên Phó Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, đầu hàng địch, khai báo và dẫn Tây đi bắt nhiều đảng viên cộng sản. Chính Quát đã khai và chỉ cho Tây biết chỗ đi lại và hoạt động của các anh Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt cho nên, mỗi lần lùng bắt cộng sản, chúng luôn mồm quát tháo hỏi cơ sở: "Thằng Thọt (anh Hoàng Quốc Việt) đâu? Thằng Khu (anh Trường Chinh) đâu?". Cũng trong năm 1942, đã hai lần tên Quát dẫn mật thám đi bắt hụt anh Trường Chinh. Một lần, chúng bao vây cơ quan Trung ương, anh Trường Chinh chạy thoát. Chúng chỉ bắt được anh Lê Toàn Thư là thư ký của anh Trường Chinh. Anh Lê Toàn Thư bị giam ở Hỏa Lò, sau đó bị đày ra Côn Đảo. Một lần khác, tên Quát lại dẫn mật thám lùng sục vào một lớp huấn luyện chính trị của Trung ương ở Hoàng Liên (Hiệp Hoà, Bắc Giang). Lần này, bọn mật thám Tây đã lia ánh đèn pin vào đúng mặt anh Trường Chinh. Nhưng anh đã nhanh chân chạy thoát ra bờ sông, được hai ông cháu đánh cá ven sông dùng thuyền cứu thoát, đưa về soi quýt làng Vân Xuyên (Hiệp Hòa, Bắc Giang). Chúng chỉ bắt được bảy cán bộ học viên, trong đó có anh Hai Lực (sau này làm Bí thư Ban cán sự Miên). Mấy lần đi bắt hụt anh Trường Chinh, tên "sếp" mật thám Luýt giận dữ đưa Quát về Hỏa Lò, đánh đập ba ngày liền. Sau đó, Quát lại dẫn mật thám đi Trầm Lộng (Ứng Hòa, Hà Đông) để săn lùng anh Hoàng Quốc Việt. Nhưng cũng uổng công. Nhờ cơ sở cách mạng che chở, anh Hoàng Quốc Việt đã chạy thoát. Chúng tức tối, đánh chết tại chỗ con anh Lý Dậu là gia đình cơ sở đã cưu mang anh Hoàng Quốc Việt. Có điều trớ trêu là tên Quát đã đầu hàng, phản bội, khai báo và chỉ điểm cho mật thám đi bắt các anh trong Thường vụ Trung ương như thế mà vẫn bị Tây đưa ra tòa, xử đến mười chín năm tù và đày đi Côn Đảo.
Chính bản thân tôi và các bạn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội cũng bị tên Quát chỉ điểm cho mật thám Tây bắt ở số nhà 6B phố Công Sứ Miriben (nay là phố Trần Nhân Tông).
Trong Nhà tù Hỏa Lò, tôi đã được nghe kể nhiều về anh Trường Chinh, về lớp người đi trước, nhất là tình bạn chí cốt Trường Chinh - Nguyễn Đức Cảnh. Hai anh, một thời cùng học với nhau dưới mái trường Thành Chung - Nam Định. Từ đó, sát cánh bên nhau hoạt động cách mạng, và cả hai đều trải qua Nhà tù Hỏa Lò. Trong xà lim án chém, Nguyễn Đức Cảnh dồn hết tâm huyết tổng kết kinh nghiệm vận động công nhân trước khi lẫm liệt ngẩng cao đầu bước lên máy chém. Trường Chinh, đôi chân bị cùm, phụ trách tờ báo nói Con Đường Chính, hằng ngày đấu tranh quyết liệt về đường lối cách mạng với các đối thủ sừng sỏ Việt Nam Quốc dân Đảng.
Chuyện ấy, nhiều người biết. Song, tôi không thể không nhắc tới. Bởi khí phách cộng sản, bất khuất, kiên cường của thế hệ đàn anh tác động mạnh đến tâm tư, tình cảm lớp thanh niên hậu sinh chúng tôi. Tấm gương chiến đấu sống động của các anh luôn luôn thôi thúc chúng tôi giữ vững tinh thần, vượt lên mọi thử thách. Có lẽ do thái độ rõ ràng, dứt khoát của tôi, và qua người thân trong gia đình đến thăm nuôi tôi cho biết tôi sẽ sớm được tha, cho nên hai anh Lê Toàn Thư và Nguyễn Thọ Chân đã viết sẵn cho tôi hai bức thư. Một thư báo cáo tóm tắt vụ tên Quát đầu hàng, phản bội. Một thư giới thiệu tôi với Thường vụ Trung ương. Trao thư cho tôi, anh Nguyễn Thọ Chân căn dặn, khi nào thoát hiểm, nhớ tìm về quê anh, gần Đông Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội). Giấu kỹ thư trong người, lúc ấy, tôi cũng không nghĩ nó "thiêng" đến mức nào. Biết bao tình huống bất ngờ, nguy hiểm vẫn còn ở phía trước.
(còn nữa)